Nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, ông Lê Huyễn, thủ từ chùa Ông gật gật đầu, tỏ vẻ hài lòng khi Hội An cấm xe máy lưu thông để tái hiện không gian sinh hoạt của người dân phố cổ đầu thế kỷ 20, không ít người dân và cả cán bộ địa phương đã phản ứng gay gắt vì phải thay đổi thói quen di chuyển. Nay nhìn lại mới thấy chính qui định từng bị phản đối này đã tạo nên hai sản phẩm du lịch thu hút bậc nhất du khách bốn phương của Hội An là “Đêm phố cổ” và “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ”.
Thật ra, cả nước cũng chưa nơi đâu có riêng một quy chế về “Quản lý hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu” quy định cụ thể về vị trí đặt biển hiệu, nội dung biển hiệu, chất liệu, kích thước như ở Hội An. Hơn 10 năm qua, trong khu vực một của phố cổ, biển hiệu chỉ được dùng các chất liệu gỗ, mây, tre hoặc các chất liệu truyền thống khác. Độc đáo hơn, màu sắc cũng cụ thể đến mức chỉ cho phép dùng các màu đà, nâu, vàng sẫm. Thêm vào đó, các trục đường chính một số khu vực không được dùng chất liệu hiện đại như hộp đèn, meca, tấm bạt, hệ thống đèn ống uốn chữ…
Tháng 11.2003, để “Tăng cường quản lý việc sử dụng đất đảm bảo quy hoạch và đúng hướng không gian đô thị”, Hội An quy định “nếu chia cắt nhỏ để chuyển nhượng thì thửa đất xin chuyển nhượng có chiều ngang mặt tiền tối thiểu bảy mét, chiều ngang mặt tiền của phần còn lại trong thửa đất tối thiểu bảy mét”. Đó đích thực là “chuyện riêng ở phố”, hoàn toàn không đúng với nghị định 84/CP ngày 25.5.2007 của Chính phủ, nhưng phù hợp với Hội An.
Năm 1999, quần thể di tích kiến trúc đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Đó là động lực phát triển kinh tế xã hội đồng thời đặc ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển đô thị. Chính vì vậy, ngày 15.12.2009, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua nghị quyết “Xây dựng thành phố Hội An - Thành phố sinh thái” với những tiêu chí riêng biệt và chưa có “mô hình” trên cả nước.
Từ đó, việc bảo vệ khu phố cổ, phát triển đô thị Hội An luôn đặt trong mối quan hệ tổng thể, không đơn lẻ, không tách rời nhau từ cơ sở hạ tầng, cảnh quan đường phố, cây xanh, kiến trúc của từng công trình đến các khoảng đất trống, sân trời, sân vườn của mỗi ngôi nhà và tất cả đều phải được giữ gìn cẩn trọng.
Gắn kết bảo tồn với phát triển. Ảnh Quốc Hải |
Hội An đã khoanh vùng bảo vệ khu phố cổ có diện tích 1,6km2 gồm ba vùng I, IIA và IIB. Trong đó, ngoài vùng I, vùng bảo vệ đặc biệt các yếu tố cấu thành đô thị cổ với diện tích 0,30km2, vùng IIA và IIB là nơi chỉ được xây dựng các công trình nhằm tôn tạo di tích, danh thắng và bảo vệ cảnh quan.
KTS. Võ Duy Trung, trung tâm Quản lý bảo tồn di dản văn hoá Hội An, cho biết: “Một “vành đai xanh” cho phố cổ được thiết lập nhằm giảm tải lên vùng hạt nhân đô thị cổ, tạo cơ sở để ngăn chặn sự hiện đại hoá kiến trúc đô thị thiếu định hướng và phục vụ trực tiếp việc phát huy các giá trị di sản văn hoá”.
Theo đó, “vành đai xanh” tự nhiên phía Nam khu phố cổ chính là sinh thái hạ lưu sông Thu Bồn, vùng Cẩm Thanh và các cồn, gò gần khu vực Cửa Đại. Phía đông là sông Đò, phía bắc là sông Cổ Cò. Riêng vòng cung vành đai xanh phía bắc đô thị cổ Hội An được quy hoạch bao gồm cánh đồng Cẩm Châu, làng hoa Trà Quế, làng hoa và cộng đồng dân cư làm nông nghiệp. Bên cạnh đó còn gồm hệ thống các công viên văn hoá và một phần diện tích các phường Thanh Hà, Tân An, Cẩm Phô, Sơn Phong và Cẩm Châu khoảng 940ha.
Lo lắng về con người Hội An mới
Hội An vẫn tiếp tục đi theo con đường riêng và đúng hướng của mình trước cơn lốc đô thị hoá: người dân ở đây vẫn cố gắng giữ gìn đô thị của mình, một đô thị cổ đặc thù hiếm có, sự giao thoa văn hoá của những thế kỷ trước đang trở thành tài sản vô giá không chỉ riêng của Hội An mà còn là của Việt Nam. Ý thức của người dân cùng trách nhiệm của chính quyền đã lưu lại cho Việt Nam một hồi ức của lịch sử và cái hồn ấy của Hội An đang thu hút mọi người. Cái khác biệt là nhà cửa ở đây đã có từ cả trăm năm trước, theo cấu tạo của loại nhà phố với những không gian bên trong (“patio” hay thiên tĩnh), trong khi đô thị khắp nước không gian bên trong bị bít kín và nhà cửa chỉ cố khoe sắc với đường phố bằng đủ loại kiểu dáng. Một kiểu cái “tôi” được chăm chút - nhưng cái “chúng ta” thì bỏ ngỏ!
Nguy cơ hiện nay là những ngôi nhà cổ Hội An được bán đi ngày càng nhiều cho người nơi khác đến, thì rồi cái được gọi là văn hoá Hội An từng lặng lẽ khiêm nhường mà làm say mê du khách bốn phương không gì cưỡng được, sẽ ra thế nào? Sẽ ra thế nào một Hội An với lối sông Hà Nội hay Sài Gòn? Một Hội An Hà Nội hoá hay Sài Gòn hoá? Sẽ còn gì Hội An?…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn