//

Hút khách bằng sự thô mộc và tinh tế

Chủ nhật - 27/10/2013 22:52

Hội An được xây dựng, phát triển gần 5 thế kỷ qua và những gì có được hiện nay đều do cư dân Hội An tạo nên.

Hai bạn trẻ Monique và Aaron đến từ Úc (trái) tình cờ gặp gỡ và kết bạn với hai bạn mới quen người Thụy Điển tại phố cổ Hội An - Ảnh: Thanh Ba

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Sự - bí thư Thành ủy Hội An - khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những cơ hội và thách thức của Hội An trong phát triển du lịch mà không đánh mất bản sắc văn hóa của đô thị cổ này. Ông Sự nói: Qua bao biến thiên của thời cuộc, những thăng trầm, thịnh suy không thay đổi cốt cách con người Hội An. Đó là sự thân thuộc, hiếu khách, giữ được nếp nhà.

* Ngoài cái “cốt cách” luôn được giữ gìn của người dân nơi đây, theo ông, TP Hội An có những nét riêng gì để làm mê mẩn nhiều du khách, đặc biệt là khách Âu - Mỹ thưa ông?

Ảnh: KIM EM
- Mặc dù mỗi năm có đến gần 2 triệu lượt khách đến với Hội An, người dân tuy không vồ vập nhưng không xa lạ, không suồng sã, không lợi dụng cái lợi để kiếm chác, “chặt chém” khách. Hội An biết giữ lại cái để kiếm sống lâu dài, có cách đi, hướng đi để giữ Hội An. Cái đó là sự tĩnh lặng của cảnh quan, sự yên bình của không gian và sự tử tế của con người để phát triển. Hội An không thể phát triển theo kiểu sôi động của các thành phố hiện đại, dù đông đúc nhưng vẫn phải yên tĩnh, không phát triển các dịch vụ du lịch có quy mô lớn, đó mới chính là Hội An.

Cùng với giữ khu phố cổ, Hội An cũng sẽ giữ toàn bộ không gian biển đảo, đồng quê, sông ngòi, làng mạc của mình để tạo thêm sự thích thú cho du khách khi đến với Hội An. Với cách làm này, sự hòa quyện của các giá trị văn hóa của khu phố cổ, giá trị nhân văn từ nếp sống của con người và tài nguyên thiên nhiên được gìn giữ sẽ tạo nên một Hội An có một giá trị vĩnh hằng trong con mắt du khách.



* Nhiều ý kiến cho rằng nạn cò mồi, “chặt chém” ở Hội An không phải là không có, ông nghĩ sao về điều này?

- Để Hội An luôn giữ được sự thân thiện và yêu mến của du khách, bài toán đặt ra cho Hội An là câu chuyện mưu sinh của người dân Hội An về lâu dài là không “bóc ngắn, cắn dài” và biết “dằn lòng tham” để không phát triển ồ ạt, không chụp giật kiếm lời làm mất khách. Với Hội An, để làm được điều đó, có nhiều quy định được đặt ra không giống ai, đó là không phát triển các dịch vụ du lịch theo nhu cầu, mọi sự phát triển đều phải gắn với lợi ích cộng đồng, không cho mở các khách sạn có quy mô lớn và khép kín các dịch vụ từ khâu đầu đến khâu cuối. Nếu các doanh nghiệp du lịch đều làm như vậy thì lợi nhuận chỉ tập trung vào một số người có vốn đầu tư, còn người dân không được hưởng lợi từ các giá trị mà họ đã cố gìn giữ từ bao đời nay.

Hội An vốn mong manh - nếu không giữ cho Hội An còn nguyên sự tinh tế trong các giá trị văn hóa và sự thô mộc trong cách sống, cách mưu sinh của cư dân Hội An mà xô bồ, sôi động và chụp giật thì sẽ mất Hội An. Hiện tại, không phải là không có một số hiện tượng buôn bán chụp giật, cò mồi du khách ở một số bộ phận người dân kinh doanh các dịch vụ du lịch. Điều này được nhiều người dân, du khách, báo chí đã phản ánh, và bản thân tôi đã cho kiểm tra, xử phạt rất nặng. Tuy nhiên, cùng với việc xử phạt là giáo dục ý thức cho các chủ hộ kinh doanh biết nếu họ vi phạm quy định của địa phương: không niêm yết giá bán, không ghi rõ trên bảng giá bằng cả hai thứ tiếng, lấy giá cao so với quy định thì họ phải chấp hành các hình phạt và không có cơ hội sửa sai lần nữa.

* Ông có thể nói rõ hơn về cách làm cho Hội An luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách?

- Nếu phát triển du lịch theo kiểu ai cũng làm, ai cũng có, sản phẩm na ná nhau thì sẽ không lâu dài. Đặc thù của Hội An là tạo ra cái riêng, cái khác biệt để hấp dẫn du khách. Đêm phố cổ trước đây chỉ mỗi tháng một lần thì nay gần như hằng tuần đều có; lồng đèn Hội An - một mặt hàng lưu niệm - nay đã có thương hiệu với thế giới cũng từ đêm phố cổ mà ra, hay các sản phẩm con tò he bằng đất nung mà các bà, các mẹ bán rong ngoài phố... đó chính là cái hồn của du lịch Hội An với hàm lượng văn hóa cao.

Chúng tôi sẽ không biến nông thôn thành phố thị; giữ cho Cù Lao Chàm còn nguyên sơ, không có các khách sạn cao tầng để du khách đến với Hội An được đắm mình trong từng cung bậc cảm xúc khác nhau. Vào khu phố cổ họ được hấp dẫn bởi các giá trị văn hóa cổ xưa; chỉ cách khu phố cổ chưa đầy 10 phút đạp xe họ được ngắm làng quê yên bình với cánh đồng lúa chín, vườn cây trĩu quả với người nông dân Hội An thân thiện, mến khách; ra với Cù Lao Chàm họ được hòa với thiên nhiên hoang sơ. Đó mới là cách làm để thu hút khách, để giữ cho Hội An trường tồn.

Kết quả khảo sát sơ bộ mới đây do Phòng Văn hóa - thông tin & thể thao Hội An thực hiện theo chỉ đạo của TP Hội An cho thấy trong số gần 1.000 người nước ngoài và người từ các nơi đến cư trú, làm ăn tại Hội An có đến 67% trong số họ chọn Hội An làm quê hương thứ hai; 24% chọn làm nơi đầu tư và làm ăn lâu dài. Kết quả này cũng cho thấy việc làm ăn chụp giật, mánh lới của người nơi khác đến với Hội An là không đáng kể và không tác động lớn đến môi trường làm ăn lương thiện của cư dân Hội An.

KIM EM thực hiện

Nguồn tin: Báo Lao Động


 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật