//

Ươm mầm nghệ thuật dân gian ở Hội An

Thứ tư - 15/11/2017 09:19

Trước sức hút của các dòng nhạc hiện đại mang hơi hướng “mỳ ăn liền”, những loại hình nghệ thuật truyền thống dần dà mất chỗ đứng. Nhưng ở phố cổ Hội An lại khác. Hình ảnh anh kép – chị đào hay câu hò, điệu lý trong các làn điệu dân ca đậm chất văn hóa dân gian vẫn chiếm được vị thế nhất định trong lòng khán giả. Và ở đó, những “cây đa, cây đề” lưu giữ ngọn lửa nghề vẫn ngày đêm thổi bùng nhiệt huyết cho thế hệ trẻ.

images1391714 8A2
Các lớp truyền nghề hát dân ca, tuồng tại Hội An. Ảnh: N.TRANG

“Thắp lửa” cho nghệ thuật tuồng

Nói về người có công vực dậy nghệ thuật tuồng ở Hội An thì hẳn ai cũng nghĩ ngay đến ông Lê Phú Hải (68 tuổi, làng Nam Diêu, Thanh Hà). Bởi lẽ, từ những năm đầu thập niên 1980, tuồng Nam Diêu trứ danh một thời tụt dốc dẫn đến tan rã. Ông Hải dù phải phiêu dạt ở Sài Gòn mưu sinh, nhưng trong thâm tâm, ông vẫn ấp ủ niềm mong ước ngày nào đó nghệ thuật tuồng sẽ được khơi lại trong đời sống văn hóa người dân Hội An. Vì thế, ngay khi địa phương có chủ trương đưa nghệ thuật tuồng biểu diễn tại phố cổ cho du khách, ông Hải cùng vợ là Hồ Thị Ánh Hoa liền tức tốc từ Sài Gòn trở về quê.

Nhớ lại những ngày đầu vô vàn khó khăn trong việc bắt đầu khơi lại nghệ thuật tuồng ở Hội An, ông Hải bùi ngùi chia sẻ: “Khi tôi ra đi cũng y như lúc quay trở về. Chỉ từ hai bàn tay trắng tìm lại những đạo cụ của đoàn tuồng, bao gồm dàn amply, loa thùng, những bộ phục trang sờn vai... Sau đó, tôi tìm cách liên lạc với những bạn diễn cũ rồi động viên họ trở về, cùng giữ lửa cho bộ môn nghệ thuật một thời vang bóng này!”. Không chỉ làm công việc hồi sinh gánh tuồng, ông Lê Phú Hải còn “truyền lửa” vào thế hệ trẻ Nam Diêu để các em có thể kế nghiệp. Vậy là, từ tháng 7.2016 lớp dạy hát tuồng miễn phí được thành lập dưới sự tổ chức của Trung tâm Văn hóa - thể thao và du lịch TP.Hội An cùng tài trợ của Quỹ Hoàng Châu Ký.

Những tưởng sức hút của nghệ thuật tuồng chỉ có ở người nghệ sĩ, thế nhưng vẫn có rất nhiều thanh thiếu niên đem lòng đam mê, yêu thích. Theo thời gian, cộng với sự dìu dắt tận tình của nghệ sĩ Lê Phú Hải, những “học trò” của lớp hát tuồng dường như đã nắm được kỹ năng hát, vũ đạo và cách thể hiện cảm xúc trên sân khấu tuồng. Chính vì thế, ở mỗi đoạn trích hát tuồng như “Lê Lai cứu chúa”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Kim Liên tiễn mẹ”, “Hát giáo tuồng”... các em đều vào vai diễn một cách thuần thục khiến nhiều du khách xem thán phục. Trong mỗi “gánh tuồng” biểu diễn vào ngày cuối tuần tại 166 Bạch Đằng, ngoài vai diễn của nghệ sĩ chính, thì hình ảnh đào Nguyễn Trang Thảo My và Lê Hồ Hoàng Yến tỏ ra có sức hút cho du khách. Các em vào vai diễn rất có hồn, những câu hát tuồng được nhấn nhá, luyến láy rất chuẩn. Em Thảo My bộc bạch: “Bao giờ cũng thế, bắt đầu từ khoảnh khắc nhận vai diễn thì bọn em tự dặn mình phải diễn sao cho đạt, cho chất, cho ra giọng hát, điệu bộ và sắc thái biểu cảm đúng với nhân vật. Có thế, người xem mới cảm nhận thật rõ, và biết đâu, từ phần biểu diễn của bọn em, họ đem lòng yêu thích nghệ thuật tuồng!”.

Hồn phố cổ trong dân ca

Từ bao đời nay, các làn điệu dân ca luôn hiện hữu trong nếp sống, sinh hoạt của người dân Hội An. Ấy là những trưa hát ru con ngủ trên nôi, những tối thao thức ẵm bồng và ru hời khi cháu quấy khóc: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày, năm canh chày, thức đủ vừa năm”, “gió mùa xuân trong cơn gió ấm/cha con về, cha con về, con nắm tay cha”... Và từ những câu hát thấm đẫm tình yêu thương đó, dân ca đã bắt rễ sâu trong tâm hồn bao thế hệ, cố kết cộng đồng, mang nét đặc trưng, lưu hồn phố cổ. 
Cũng vì mong muốn giữ bản sắc làn điệu dân ca trong không gian phố cổ, Trung tâm Văn hóa - thể thao và du lịch TP.Hội An mở lớp dân ca đường phố cho các em thanh thiếu niên có niềm đam mê bộ môn này. Ở số nhà 106 Bạch Đằng, đêm nào cũng ngập tràn tiếng nói cười, theo đó là những bài hát dân ca rất đỗi ngọt ngào. Tại lớp học, các thầy cô có nhiệm vụ chỉ dạy học viên từ những tiết tấu cơ bản đến phức tạp, bên cạnh đó là các loại làn điệu như xàng xê, xuân nữ, hò Quảng, hò khoan. Chia sẻ về việc soạn chương trình giảng dạy, anh Nguyễn Văn Quý (người trực tiếp đứng lớp giảng dạy hát dân ca) nói: “Để tạo cho các em niềm hứng khởi tham gia bộ môn nghệ thuật này, chúng tôi phải soạn giáo án giảng dạy hay, mới và lạ. Từ giáo án chung, nếu triển khai một cách có hiệu quả thì chỉ cần dạy trong vòng 6 đến 8 buổi, chúng tôi sẽ tìm được người có tư chất, tiến xa với thể loại hát dân ca!”.

Và để tiếp lửa đam mê cho các em, Trung tâm Văn hóa - thể thao và du lịch TP.Hội An tổ chức kế hoạch “Ươm mầm dân ca”. Nhờ thế, hằng năm, sau mỗi đợt thi hát dân ca ở tỉnh, các em đều mang vinh dự trở về cho lớp học dân ca, cho phố Hội. Em Kiều Oanh, một học viên của lớp dân ca từng nhận giải B giọng hát dân ca bài chòi của tỉnh Quảng Nam. Hay 2 tài năng nhí Vĩnh Phúc, Ngọc Trinh cũng đoạt giải nhất hát dân ca, bài chòi. Đó là chưa kể hàng chục em được cử ra miền Bắc giao lưu, học hỏi thêm về thể loại dân ca. Từ đó mang bao điều hay học được về áp dụng, phát triển thêm làn điệu dân ca cho phố.

NHƯ TRANG

Nguồn tin: baoquangnam.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn