Năm Mậu Tuất này, với biểu tượng linh vật là con chó, nghệ thuật múa thiên cẩu càng được người dân Hội An chú trọng và chăm chút, cầu mong cho một năm hanh thông, vạn sự như ý.
Thiên cẩu trừ tà Dù xuất hiện nhiều nơi nhưng múa thiên cẩu ở Hội An vẫn có những nét riêng, không trùng lặp. Theo võ sư Trần Xuân Mẫn, Chưởng môn Võ đường Kỳ Sơn (Hội An), người chuyên nghiên cứu về múa thiên cẩu, đội múa thiên cẩu quy mô đầu tiên tại Hội An do một võ sư người Hoa (thường gọi là thầy Xú) thành lập và trực tiếp dạy kỹ thuật múa, đánh trống để biểu diễn phục vụ người dân dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Lúc bấy giờ hình dáng con thiên cẩu khá thô sơ, lối múa và các thao tác di chuyển như thế tấn, dáng đi, chạy, nhảy, lạy Tổ, ngủ, ăn lá cây, ăn giải thưởng, tương đối đơn giản, chủ yếu được chọn lựa, khai thác từ những thế võ cổ truyền. “Múa thiên cẩu thoạt nhìn có vẻ giống múa lân nhưng nghệ thuật múa thiên cẩu Hội An không giống bất cứ lối múa lân ở vùng, miền nào. Chính yếu tố này đã tạo nét riêng đặc trưng cho múa thiên cẩu từ lối múa, bài múa, đến điệu trống”, ông Trần Xuân Mẫn nói.
Sau năm 1945, múa thiên cẩu chủ yếu xuất hiện vào các đêm trung thu, sau đó thưa dần rồi mất hẳn. Đến những năm 1960, người dân Hội An lại thấy một đội thiên cẩu thường xuyên múa phục vụ bà con vui Tết Trung thu trên các tuyến đường trong trung tâm phố cổ. Đây là đội thiên cẩu được Nghiệp đoàn Khuân vác Hội An thành lập. Ở thời kỳ này, hình dáng thiên cẩu lớn hơn, được bổ sung một số chi tiết như mắt lớn, sừng có thêm chùm lá.
Một số điệu múa như đớp trẻ trừ xà, thiên cẩu ăn lá, thiên cẩu ăn quả cây với cách tổ chức quy mô hơn, cách múa cũng bài bản hơn. Ngoài người đội đầu thiên cẩu, phía sau lưng đuôi còn có hai, ba người đội lưng, vừa đi vừa múa theo điệu trống. “Khi thiên cẩu được rước vào, đầu tiên thiên cẩu sẽ liếm hai cái cổng ngõ, vì người dân quan niệm trên cổng là ma quỷ bu bám nên khi vào cổng, thiên cẩu sẽ liếm cho ma quỷ rớt xuống. Đến khi vào nhà, thiên cẩu sẽ lạy bàn thờ gia tiên, sau đó mới múa. Để giúp thiên cẩu leo lên cao, đội thiên cẩu dựng hai cây tre đứng song song, liên kết hai cây tre là hai tấm ván cứng chắc, mỗi tấm có đục hai lỗ tròn để hai cây tre xuyên qua. Khi người đội đầu thiên cẩu đứng lên tấm ván, những người còn lại giẫm trên tấm ván dưới và đẩy dần tấm ván trên lên cao bằng cách đứng chồng lên vai của nhau, khi lên đến vị trí gần nơi treo giải, đầu thiên cẩu múa vung vẩy một cách mạnh mẽ, xoay cả bốn hướng. Thỉnh thoảng, thiên cẩu tợp một ngụm dầu hỏa, rồi phun vào cây đuốc trước mặt, tạo ra dòng lửa dài nên người ta đặt tên cho con quái thú đó là thiên cẩu, tức “chó nhà trời”. Có thể nói, trong suy nghĩ của người dân Hội An, thiên cẩu thuần túy không chỉ là trò chơi mà gửi gắm vào đó những sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng, nên thiên cẩu trong các điệu múa rất khác với điệu lân và được người dân rất kính trọng”, ông Trần Xuân Mẫn diễn giải.
Sản phẩm phục vụ du lịch Nghệ thuật múa thiên cẩu Hội An cũng gặp không ít thăng trầm, chìm lắng suốt thời gian dài và chỉ bắt đầu được phục hồi từ khoảng năm 2000 trở lại. Ngày nay, múa thiên cẩu được Hội An đưa vào trong các sự kiện văn hóa của thành phố, kể từ khi du lịch nơi đây phát triển.
Ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, khẳng định, những dịp trung thu, tết cổ truyền ngày trước, Hội An chỉ có múa thiên cẩu, sau này mới xuất hiện múa lân. Đây là hoạt động giao lưu, tiếp biến văn hóa tại Hội An, khi các cư dân người Việt từ Bắc Trung bộ vào định cư vùng đất mới, trong đó múa thiên cẩu chính là sự tiếp biến của múa lân, sư, rồng phía Bắc. Khác với múa lân, múa thiên cẩu có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn, bước chân của người múa phải di chuyển theo những thế tấn của võ thuật. Mọi cử động của người múa, từ cái liếc mắt, vểnh tai, lắc đầu, chạy, nhảy, ăn, ngủ phải theo sự điều khiển của nhịp trống.
Về hình thức, đầu thiên cẩu có dáng vẻ hung dữ hơn, bởi có sừng to, cong về phía trước, giữa trán có giương trừ tà, mắt hình cá gáy, mày gai, mũi lớn, đuôi dài và nhiều chân, gắn liền với Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và trong một số sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Hội An, với mong muốn trừ tà, cầu an bình, may mắn cho cộng đồng. “Múa thiên cẩu có sự giao lưu với múa linh vật của các cộng đồng dân cư sống ở Hội An, như người Hoa, người Nhật Bản, kể cả người phương Tây, sau này qua đó hình thành một điệu múa mới - múa chó trời. Do đó, các bộ thế, nhạc cụ, nhịp điệu… đều có yếu tố giao lưu, tiếp biến với các vùng văn hóa khác để sôi động, mới mẻ hơn. Tất cả tích tụ lại trong hoạt động múa thiên cẩu”, ông Trần Văn An phân tích.
Tết Mậu Tuất năm nay, múa thiên cẩu càng được người dân ưa chuộng. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An: “Hiện có rất nhiều câu lạc bộ múa thiên cẩu của các võ đường, với những tiết mục được dàn dựng công phu. Thành phố cũng tổ chức hội thi múa thiên cẩu hàng năm vào rằm trung thu, từ đó động viên, tôn vinh những nghệ nhân, những người múa thiên cẩu giỏi, qua đó bảo tồn, nâng loại hình nghệ thuật độc đáo này lên tầm cao mới. Điều này được thể hiện trong các sự kiện văn hóa, du lịch của thành phố những năm qua khi tổ chức các đoàn múa thiên cẩu trình diễn đón chào khách du lịch. Dịp Tết Mậu Tuất năm nay, múa thiên cẩu đã được các võ đường tổ chức khá quy mô để phục vụ người dân và du khách tham quan phố cổ”.
NGỌC PHÚC