//

Làng gốm Thanh Hà tồn tại nhờ sáng tạo

Thứ tư - 23/10/2024 15:30

Nằm bên dòng sông mẹ Thu Bồn, mỗi ngày, làng gốm Thanh Hà đều như hội, như Tết bởi lượng khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm và chiêm ngưỡng những đôi tay mộc mạc mà tài hoa của các nghệ nhân già đến trẻ trong làng đang vọc đất, chuốt gốm với nguồn năng lượng đầy sáng tạo.

 
thanh ha 1 768x512

Lớp trẻ tiếp nối với những sáng tạo mới.

Từ câu chuyện trao truyền

Bên cạnh những lớp đào tạo nghề được thành phố Hội An tổ chức, câu chuyện truyền nghề qua các thế hệ ở làng gốm Thanh Hà thật giản dị và tự nhiên. Đặc biệt, trong ngày hội giỗ tổ nghề gốm được tổ chức vào mùng 10 tháng 7 âm lịch hàng năm, các gia đình đều tham gia dự cuộc thi chuốt gốm, người lớn trổ tài tạo tác các sản phẩm từ đất sét và trưng bày ở khuôn viên miếu thờ tổ nghề cho trẻ con xem tận mắt trong thích thú. Bởi vậy, trong 32 cơ sở với 68 lao động làm gốm của làng hiện nay, sự kế cận và thành công diễn ra theo cách “cha truyền con nối” nên nhiều gia đình có hai đến ba thế hệ đều chọn gắn bó với nghề cùng niềm đam mê được thấm từ trong máu. Đến nay, làng có năm nghệ nhân ưu tú (một người mới mất) và chín thợ giỏi (trong đó hai người được công nhận năm 2018 và bảy người vừa mới được công nhận vào tháng 12 năm 2023) đều tập trung ở một số gia đình. Bốn nghệ nhân ưu tú là ông Nguyễn Lành, bà Lê Thị Chín (vợ ông Lành), ông Lê Trọng, ông Nguyễn Ngữ. Chín người thợ giỏi hầu như đều xuất thân từ các gia đình nghệ nhân nói trên đó là Lê Quốc Tuấn, Nguyễn Văn Xê, Nguyễn Văn Hoàng (con ông Nguyễn Văn Xê), Nguỵ Trung, Lê Văn Nhật, Nguyễn Viết Sơn, Nguyễn Viết Lâm, Trần Thị Tuyết Nhung (con trai và con dâu ông Nguyễn Viết Sơn), Nguyễn Thị Thuỷ (cháu ruột nghệ nhân Nguyễn Ngữ). Trong đó, đặc biệt là gia đình cố nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Được có bốn đời đều theo nghề gốm, ba người đã được công nhận là thợ giỏi (ông Sơn, ông Lâm, chị Nhung) hiện đang cùng sinh sống trong một ngôi nhà, hàng ngày trao truyền, tiếp nối mạch nguồn đam mê, rạng danh thương hiệu làng nghề gốm cổ.

Đến câu chuyện kết nối, sáng tạo

Làng Thanh Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, XVII với các vị thủy tổ tộc Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Bùi, Ngụy, Võ, Nguyễn Kim, Lê, Nguyễn Đức từ Nghệ An, Thanh Hóa. Cùng với việc nghề gốm Thanh Hà sớm được ghi danh trong sách Đại Nam Nhất thống chí – Quốc sử quán triều Nguyễn, phần thổ sản Quảng Nam  có thể nói trong lịch sử, Nam Diêu – Thanh Hà là trung tâm sản xuất gốm lớn của Quảng Nam và miền Trung. Quy trình làm gốm công phu, hoàn toàn bằng tay. Sản phẩm làm xong, phơi khô ngả màu trắng mới đem nung, nếu không đất sẽ nổ. Sau khi nung 24 tiếng ở nhiệt độ chừng 1.000 độ C sẽ cho ra sản phẩm gốm thô, màu đỏ, gõ vào sản phẩm, nghe tiếng kêu rất vang.

Hiện nay, lò nung của gia đình ông Nguyễn Ngữ vẫn đỏ lửa đều đặn và kỳ lạ thay, trong cuộc sống hiện đại, những nồi, trả, bùng binh ra lò chừng nào đều được người tiêu dùng ở trong và ngoài tỉnh Quảng Nam tiêu thụ hết chừng nấy.

Bên cạnh đó, mối duyên gặp gỡ, cộng tác giữa anh Nhật với nhóm hoạ sĩ Lê Thiết Cương, Phương Bình… để rồi sau đó, mỗi sản phẩm gốm của Nhật đều phảng phất dấu ấn ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc, hội hoạ và ngôi nhà của gia đình anh trở thành điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ mỗi khi họ về Hội An.

Câu chuyện của hai cha con Viết Sơn, Viết Lâm khi họ kết hợp nền tảng kiến thức về gốm gia truyền với việc học hỏi các làng nghề gốm khác trên cả nước và được sự truyền dạy kỹ thuật quy trình làm gốm men của một người bạn đến từ Nhật Bản, tìm ra công thức mới cho ra những sản phẩm gốm men khác biệt. Chỉ riêng cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy của họ có hơn 200 mẫu mã thuộc dòng gốm men, mỗi năm tiêu thụ hơn 500 sản phẩm các loại, không chỉ cung cấp cho thị trường ở Quảng Nam, TP.HCM, Hà Nội mà còn xuất khẩu qua Mỹ, Pháp…

thanh ha 2

Một tác phẩm gốm độc đáo.

Làng gốm cùng chia sẻ tương lai

Ông Nguyễn Hào, phó ban kinh tế phường Thanh Hà, tổ phó tổ quản lý làng gốm Thanh Hà chia sẻ: “Mỗi khi thành phố Hội An tham gia hội chợ triển lãm ở trong nước hay quốc tế, gia đình ông Lâm đều nhiệt tình gửi sản phẩm tham gia”. Những người trẻ như Lâm, Nhung, Nhật…với khao khát sáng tạo những sản phẩm mới lạ, độc đáo và vẫn giữ được nét đẹp văn hóa xưa của làng chính là nhân tố quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về nghệ thuật làm gốm truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hội An, nói: “Thành phố sẽ phát huy hơn nữa đối với những tài năng sáng tạo trong cộng đồng, tạo môi trường, cơ hội để phát triển dòng sản phẩm gốm men mới cũng như những giá trị truyền thống quý giá của Hội An. Bên cạnh đó, thành phố sẽ truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, cá nhân, nghệ sĩ bằng những cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp”.

Thành phố Hội An hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước khoảng 4.000 người lao động trực tiếp thu nhập trung bình 3.500-4.000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.

Năm 2023, làng gốm Thanh Hà đón hơn 550 nghìn lượt khách trong, ngoài nước, với doanh thu khoảng 19 tỷ từ vé tham quan (chưa kể doanh thu khoảng 4 tỷ từ việc kinh doanh của người dân). Để phát triển làng nghề, thành phố dành 60% thu nhập từ tiền vé để giúp đỡ hàng tháng cho 68 lao động, phát triển nghề gốm: 06 lao động loại A nhận 6 triệu/ người/tháng, 62 lao động loại B 4,2 triệu/ người/ tháng. (Nguồn:  Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh truyền hình TP. Hội An)

thegioihoinhap

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật