//

Hội An và động lực mới từ hiệu ứng thành phố sáng tạo toàn cầu

Thứ ba - 24/12/2024 14:01

Sau một năm gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, Hội An đang tích cực cụ thể hóa các sáng kiến để giúp giá trị truyền thống của địa phương thăng hoa, góp phần tạo động lực mới trong tiến trình xây dựng đô thị “sinh thái - văn hóa - du lịch”.

dji 0204
Hội An đang tích cực triển khai Dự án “Mộc Kim Bồng - Khơi nguồn sáng tạo” - một trong số các sáng kiến địa phương cam kết khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu và giúp điểm đến làng mộc Kim Bồng bước đầu khởi sắc. Ảnh: Q.T

Kiến tạo các không gian sáng tạo

Thực thi các sáng kiến là yêu cầu tiên quyết để Hội An hòa nhập với mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. Trong đó, thành phố đã và đang tích cực triển khai 3 sáng kiến địa phương đã cam kết.

Triển khai Dự án “Mộc Kim Bồng - Khơi nguồn sáng tạo”, Hội An đã hoàn thành công trình nhà đón tiếp và nhà trưng bày thuộc trung tâm làng nghề; phát triển mô hình du lịch học tập cộng đồng làng quê - làng nghề sinh thái Cẩm Kim; tổ chức hoạt động hướng dẫn tham quan tại làng mộc Kim Bồng; cải tạo cảnh quan thiên nhiên, di tích kiến trúc nghệ thuật, các khu chế tác mộc ở Cẩm Kim; xây dựng dựng các mô hình sản xuất và đầu tư phát triển sản phẩm; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho thế hệ trẻ…

Từ ngày 1/6/2024, Trung tâm VH-TT & TT-TH TP.Hội An đã tổ chức hoạt động bán vé tham quan và ước tính đến nay đã phục vụ hơn 9.000 lượt khách tham quan và trải nghiệm với doanh thu ước đạt 315 triệu đồng.

Với Dự án “Ươm mầm tài năng sáng tạo trẻ”, Trung tâm VH-TT & TT-TH Hội An đã tiếp tục mở lớp dạy hát dân ca tại các Trường THCS Phan Bội Châu, Đỗ Trọng Hường trong năm học 2023 - 2024, khai giảng lớp mới tại các Trường THCS Lý Thường Kiệt, Chu Văn An trong năm học 2024 - 2025. Đồng thời, duy trì thường xuyên lớp học hát dân ca hằng đêm tại khu phố cổ dành cho thiếu nhi và du khách tham gia trải nghiệm.

20240822 173920
Trong năm 2024, Hội An dần trở thành “điểm hẹn” thu hút nhiều nghệ sĩ, chuyên gia sáng tạo trên nhiều lĩnh vực đến giao lưu, biểu diễn. Trong ảnh: sự kiện múa đương đại “Rơm” trên cánh đồng "Trái tim lúa Hội An". Ảnh: Q.T

Cùng với đó, tổ chức khai giảng các lớp năng khiếu văn nghệ và thể thao cho thiếu nhi thành phố trong dịp hè, thu hút 900 học sinh tham gia.

Ngoài ra, thành phố phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động sáng tạo dành cho thiếu nhi: Trại sáng tác “Làng gốm quê em”; Trại sáng tác nhí “Sắc màu tuổi thơ”; Đêm nhạc giai điệu Acoustic… nhằm ươm mầm tài năng thực hành sáng tạo trên lĩnh vực này.

Điểm nhấn lớn trong dự án “Hội An - Sáng tạo trong không gian kỹ thuật số” là tổ chức buổi tọa đàm “Hội An - Làng nghề lên số” vào ngày 31/5/2024.

Qua đó nhằm kết nối các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về giá trị của danh hiệu “Thành phố sáng tạo của UNESCO”, cung cấp, hỗ trợ kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu chuỗi giá trị làng nghề địa phương. Nội dung tọa đàm đã vinh dự nhận Giải thưởng Kotler Awards Việt Nam 2024 - một giải thưởng có uy tín về lĩnh vực marketing, truyền thông.

dji 0100
Việc gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian đã thổi một luồng sinh khí mới vào hệ thống làng nghề Hội An. Ảnh: Q.T

Cạnh đó, để thực hiện sáng kiến quốc tế về việc xây dựng “Ngôi nhà sáng tạo Hội An”, Hội An dần trở thành điểm hẹn thu hút nhiều nghệ sĩ, chuyên gia sáng tạo trên nhiều lĩnh vực đến giao lưu, biểu diễn.

Có thể kể đến giao lưu âm nhạc giữa nghệ sĩ violin Maestro Vilmos Oláh (Hungary) và nghệ sĩ Hội An; chương trình giao lưu, biểu diễn của đoàn hợp xướng thiếu nhi Jeong-Gwan (Hàn Quốc) tại Hội An; sự kiện múa đương đại “Rơm” trên cánh đồng “Trái tim lúa Hội An”; chương trình biểu diễn của Sahaja Yoga Việt Nam và các nghệ sĩ Ấn Độ tại Hội An…

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBNB TP.Hội An cho biết, thành phố cũng đã phát động chiến dịch nhằm kêu gọi đóng góp “1.000 sáng kiến cho Hội An đổi mới” để tranh thủ sự ủng hộ cũng như sức sáng tạo của cộng đồng nhằm giúp Hội An ngày càng phát triển.

“Việc các nghệ sĩ trong nước và quốc tế lựa chọn Hội An là một trong những điểm lưu diễn tại Việt Nam một lần nữa khẳng định vị thế và sự cởi mở trong giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế của Hội An. Điều này càng thể hiện rõ quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện những cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo với sáng kiến về ngôi nhà sáng tạo toàn cầu - là nơi để các nghệ sĩ, chuyên gia đến biểu diễn, giao lưu và thực hành sáng tạo” - ông Nguyễn Văn Lanh nói.

Sinh khí mới cho làng nghề

Việc gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian đã thổi một luồng sinh khí mới vào hệ thống làng nghề Hội An. Điều này tiếp thêm động lực để hoạt động ở các không gian sáng tạo, nghệ nhân, thợ thủ công thêm phần nhộn nhịp.

20240118 155411 0
Một góc không gian Làng Củi Lũ (xã Cẩm Hà, TP.Hội An). Ảnh: Q.T

Nhiều nghệ nhân như Lê Ngọc Thuận - Làng Củi Lũ, Võ Tấn Tân - cơ sở tre Taboo, Trương Tấn Thọ - Vườn giấy Việt; họa sĩ Nguyễn Quốc Dân - Xưởng tái sinh; Công viên đất nung Thanh Hà; các cơ sở sản xuất đèn lồng, may thêu, làm đồ da thủ công; sản xuất hàng thủ công từ vật liệu tái chế của Cửa tiệm Hạnh Phúc… đã chinh phục cảm xúc của du khách, công chúng bằng các sản phẩm sáng tạo đồng thời vẫn giữ được bản sắc Hội An.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VH-TT & TT-TH TP.Hội An cho hay: “Sau khi Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hội An có thêm sự ra đời của không gian sáng tạo mới đó là “Xóm thủ công”…

Hoạt động của các không gian sáng tạo đã thu hút đông đảo du khách tham gia trải nghiệm, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, trong đó có nhóm người yếu thế như phụ nữ, người khuyết tật… góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.

20240118 141327
Việc gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian là động lực để các nghệ nhân ở Hội An tiếp tục sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa bản địa. Ảnh: Q.T

Năm 2024 là năm ghi dấu nhiều dấu ấn đáng nhớ của thực thể làng nghề Hội An. Làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà) là đại diện duy nhất của Việt Nam được Tổ chức Du lịch Liên hiệp quốc (UN Tourism) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất 2024”.

Năm 2024, thành phố có thêm 5 nghề được công nhận nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam gồm: May đo Hội An, Cao lầu Hội An, Đèn lồng Hội An, Bắp nếp Cẩm Nam, Chiếu cói Kim Bồng.

Mới đây, 2 tác phẩm “Đèn hoa sen” của nghệ nhân Võ Tấn Tân và tác phẩm “Thiên đàng” của nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng đã đoạt giải ha Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Trong năm nay, nghệ nhân Lê Ngọc Thuận đã tổ chức 8 cuộc triển lãm sản phẩm nghệ thuật thủ công trong và ngoài nước, trong đó có 2 triển lãm ở Milan (Ý) và Geneve (Thụy Sĩ).

Ông Nguyễn Văn Lanh cho hay, việc được gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu là cơ hội tốt để Hội An tiếp tục quảng bá sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo.

Đồng thời tiếp nối truyền thống sáng tạo đã có nền tảng bền lâu trong lịch sử và tiếp tục thích ứng, nâng lên một tầm cao mới phù hợp với bối cảnh đương đại dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn con người và các nguồn tài nguyên khác.

Hiện trên địa bàn TP.Hội An có hơn 50 nghề thủ công truyền thống; trong đó có 6 nghề thủ công được công nhận di sản phi vật thể quốc gia: Nghề khai thác yến sào Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, nghề trồng rau Trà Quế, nghề đan võng ngô đồng, nghề làm tre, dừa Cẩm Thanh. Trên địa bàn thành phố có 10 nghệ nhân (1 nghệ nhân nhân dân, 2 nghệ nhân ưu tú, 7 nghệ nhân cấp tỉnh) và 13 thợ giỏi.

baoquangnam


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật