//

Xúc cảm Hội An

Thứ tư - 07/12/2011 07:38

Đường về Hội An chạy dọc qua những hàng cây, con phố, ngôi trường… với những kỷ niệm ấu thơ đẹp như cổ tích.

alt
Chùa Cầu.

Tròn hai mươi năm, tôi mới có dịp trở lại phố cổ Hội An. Thành phố của tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm: con đường, bức tường rêu phong, ngói đỏ cong cong, mái trường Trần Quý Cáp thân yêu với bước chân ngập nước bì bõm mùa mưa và trang vở dúi qua cửa sổ cô hàng xóm. Tôi lâng lâng suốt chặng đường từ Quế Sơn trên chiếc xe máy mà như cưỡi lên mây đáp xuống Hội An.

Những dòng này được viết từ năm 1996, nhưng với tôi mọi thứ như vừa diễn ra ngày hôm qua. Trong tâm tôi rõ ràng hãy còn nợ với Hội An, mái trường Trần Quý Cáp phong kín, với bè bạn và với Mai... Trở về với gió đỏ cao nguyên, tôi như tìm thấy đây đó có một góc phố Kon Tum, cũng ngói đỏ tường rêu phong kín mà bóng dáng xưa như đá mọc trong sương nhạt nhòa…

Đến nhà bạn bè, người thân không còn mấy ai bởi họ đã công tác và làm ăn ở xa, thay vào đó là những người bạn mới đến từ Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, đặc biệt lúc nào cũng có thể bắt gặp du khách Nhật lang thang trên phố cổ. Dạo lại các ngả đường, tuy vẫn còn nét cổ kính nhưng cảm giác tất cả dường như “nhỏ hơn xưa”. Cái vẻ trầm buồn, rộng thoáng của hai mươi năm trước được đánh bóng bởi sự sầm uất pha lẫn nét hiện đại. Con đường trung tâm chạy dọc từ bến xe xuống chợ, ấn tượng trong tôi đầu tiên và mãi mãi vẫn là qua Chùa Cầu  vì nhà tôi ngày xưa ở gần đó.

Tục gọi Chùa Cầu là vì một ngôi chùa xây trên một con mương. Nền nhà tiền diện là một cầu nối hai bờ mương nằm trên đường Cường Để trước năm 1975 (nay là Trần Phú) và đường Duy Tân. Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản, tuy kiến trúc đậm nét Việt Nam. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu, khiến nó không quẫy đuôi gây ra những trận động đất. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”. Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817. Ngôi chùa có lẽ cũng được dựng lại vào thời gian này. Cảnh cũ vẫn nguyên vẹn mà Mai của tôi ngày xưa giờ đã có chồng xa. Những buổi chiều dạo cảnh Chùa Cầu vẫn còn trong ký ức. Cái hôn trộm chưa kịp chạm vào má làm Mai bó gối khóc hàng giờ bên chân cầu.

alt
Sông Hoài.

Cùng nằm trên đường Trần Phú, chùa Ông được kiến tạo vào thời gian Hội An mới thiết lập, khoảng những năm 1800, đời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Chùa được xây với lối kiến trúc Tàu, giữa có chính diện, hai bên có tả vu và hữu vu, trước có tiền đàn, khoảng giữa trước chính diện thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Vân Trường) danh tướng đời Tam quốc. Hai bên tả hữu bàn thờ các vị được phối tế. Trước chánh án có hai tượng thờ Quan Bình và Châu Thương được chạm khắc rất tinh xảo, hai bên tạc hình ngựa xích thố. Trên cột đều treo các câu liễn sơn đen hoặc sơn son thếp vàng của nhiều vị quan hoặc thương gia thiện tín cúng. Đặc biệt, có một tấm bảng cao trước mái chính diện khắc một bài đề từ của cụ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (cha của Nguyễn Du) “Luận về Quan Vân Trường”: “Quân đến Hội An đề miếu Quan Công/ Phò vua khẳng khái một niềm/ Vua tôi mà cũng anh em vườn đào…/ Nghìn năm trung nghĩa gương cao/ Anh hùng địch vạn người sau lọ bàn…” (Bản dịch của Nguyễn Bội Liên trong tập “Quảng Nam - Nhân vật Lược chí”, ấn hành năm 1969). Tháng giêng, tháng hai hằng năm, người dân các nơi tấp nập đến xin xăm Ông. Mẹ tôi và mẹ Mai cũng thường rủ nhau đến đây. Tôi cũng đã thăm lại các chùa Âm Bổn, Phúc Kiến, Bà Mụ… đều theo kiểu kiến trúc Hoa kiều.

Hội An còn có một ngôi miếu với lối kiến trúc thuần Việt là Khổng Miếu được xây dựng năm 1961. Từ ngoài vào là tam quan, tiếp đến là hồ sen, trên hồ có cầu bán nguyệt bắc qua sân. Qua khỏi cầu đến bình phong đắp long mã phụ đồ. Quanh bình phong qua hai bên đến sân rồi đến tiền điện. Hai bên cấp có đắp rồng, trụ chạm rồng nổi, vào trong rộng và sáng. Phía sau có treo bức tượng sơn mài vẽ Đức Khổng Phu Tử. Tuổi thơ của tôi và Mai không biết bao nhiêu lần đến đây ngồi ngắm hoa sen. Chợt có cánh sen trôi từ dòng ký ức, chở theo hình ảnh Mai từ phương xa mơ hồ.

Hai dãy nhà đường Trần Phú ngày nay, người dân bày bán các loại tranh, tượng, thổ cẩm… thu hút khách nước ngoài rất đông. Và cũng chính trên dãy phố này, tôi đã gặp lại thím Sổ - mẹ Mai. Hai gia đình thân thiết còn hơn họ hàng. Thím đã ngoài bảy mươi, tóc bạc ôm khuôn mặt phúc hậu. Gặp thím, tôi bồi hồi nhớ mẹ cũng từng đi qua thời son trẻ. Giờ thím Sổ đang sống với người con trai làm nghề sản xuất xì dầu. Thím có căn nhà đến nay đã trên một trăm năm. Loại nhà có ngói cong đã xuống cấp và được một tổ chức của Nhật Bản sang giúp đỡ trùng tu, phục chế. May mắn ngay tại căn nhà này, tôi đã gặp anh Hiroshi Lerxumi ở thành phố Ô Ta (tỉnh Gum Ma, Nhật Bản) - người trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức trùng tu. Anh cho biết đang gấp rút trùng tu ngôi nhà, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4.1996. Tôi chỉ biết vui lây và mừng cho thím, nhưng có một thoáng buồn vì không gặp được Mai. Tôi nhớ mãi câu nói của thím Sổ như món quà nhận được hôm ấy: “Mai vẫn nhắc con hoài, giờ nó sống trong Sài Gòn, thỉnh thoảng mới về thăm thím. Giá như trời thương hai đứa thì…”. Tôi hiểu lòng thím, nhưng tất cả chỉ là kỷ niệm đẹp.

 

Tác giả bài viết: LÊ BÁ TUẾ

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 45 trong 9 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật