//

Di sản qua góc nhìn truyền hình

Thứ năm - 22/12/2011 13:52

Diễn đàn “Tuyên truyền bảo vệ và phát huy giá trị di sản”- nằm trong chuỗi hoạt động của Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31 - vừa được tổ chức tại Hội An như một lời nhắn nhủ về tác động của truyền hình với việc bảo tồn các di sản văn hóa…

alt
Hội An luôn là điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Nâng cao chất lượng chương trình di sản

Thời gian qua, Truyền hình Việt Nam nói chung và đài truyền hình các địa phương nói riêng đã có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, việc tuyên truyền còn nhiều hạn chế, nhiều tác phẩm còn mang tính chung chung, chưa có chiều sâu, tác phẩm còn mang nặng tính chủ quan của phóng viên, tiếp cận thông tin thường mang tính một chiều… Nguyên do của hạn chế này chủ yếu là phóng viên, biên tập viên phụ trách chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về di sản văn hóa, thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước và công cụ tác nghiệp. Có thực tế là cách làm các chương trình về di sản văn hóa thường mang tính truyền thống, hình đẹp, lời bình hay, nhưng còn nhiều hạn chế như: không hấp dẫn, không có điểm nhấn trong chương trình. Đặc biệt không có tuyến nhân vật, không có câu chuyện trong tác phẩm và ít có phát hiện mới về các loại hình di sản. Ông Trần Thanh Minh - Phòng Khoa giáo và phim tài liệu, Trung tâm THVN tại thành phố Huế nói: “Sự kết nối giữa cơ quan báo chí, phóng viên đối với các cơ quan nghiên cứu, những người có trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vẫn còn mang tính một chiều: Phóng viên là phía cần thông tin và những người có trách nhiệm sẽ cung cấp các thông tin. Chiều ngược lại rất ít xảy ra, trừ khi có những sự kiện, những lễ hội quy mô lớn hay có những chương trình, dự án dành cho di sản văn hóa cần đến giới truyền thông”.

Đại diện các đài truyền hình tham gia hội thảo đều cho rằng, để nâng cao chất lượng các chương trình tuyên truyền di sản cần mở riêng các chuyên mục tập trung đề cập di sản văn hóa và phải có kế hoạch dài hơi để phóng viên có sự chủ động. Trong mỗi chương trình, mỗi chuyên mục cần phải xác định đối tượng người xem, đối tượng cần tuyên truyền khi bắt tay vào thực hiện. Phóng viên chuyên trách mảng văn hóa nhất thiết phải được đào tạo, nâng cao trình độ, hiểu biết về di sản văn hóa và những điều liên quan. Đặc biệt ở các đài địa phương có di sản văn hóa được UNESCO công nhận như Quảng Nam, nên có phóng viên chuyên trách lĩnh vực di sản văn hóa.

Hội An cần gì ở truyền hình?

Phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Những năm qua, công tác truyền thông nói chung và truyền hình nói riêng đã tích cực hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy di sản khu phố cổ Hội An. Tuy nhiên những tác phẩm được đánh giá có chiều sâu, đáp lại sự mong đợi của người xem truyền hình chưa nhiều. Một số vấn đề đặt ra cuốn hút, nhưng cách tiếp cận chưa đạt, phần lớn không có tuyến nhân vật, chưa có sự kết nối giữa khán giả với các chủ thể văn hóa… nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao, thiếu tính thuyết phục. Qua câu chuyện ở Hội An, nhiều ý kiến đã có sự nhìn nhận khá toàn diện về mặt ưu và hạn chế trong việc tuyên truyền bảo vệ và phát huy di sản Hội An nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung. Đây cũng là lý do để Ban tổ chức chọn Hội An làm nơi tổ chức diễn đàn.

alt
Chọn những lễ hội đặc sắc để quảng bá, chất lượng của từng lễ hội sẽ được khai thác tốt và gây ấn tượng trong lòng du khách. 

Ông Nguyễn Kim Sơn - Trưởng phòng Thời sự Đài PTTH Quảng Nam cho rằng: “Ngoài việc quảng bá và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, tìm kiếm nguồn lực cho việc bảo tồn phát huy các giá trị di sản thì cũng cần phải có những góc nhìn mang tính phản biện. Đơn cử như vấn đề mật độ dân số quá cao ở Hội An hay việc khai thác lễ hội tại phố cổ”. Theo ông Sơn, để giải quyết những vấn đề này, truyền hình cần ủng hộ và cổ xúy cho việc mở rộng thành phố để giãn dân, giảm áp lực ở khu vực trung tâm phố cổ. Sự phát triển đó phải hài hòa trong tổng quan của phố cổ. Đối với việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của những lễ hội truyền thống, nên chăng truyền hình chỉ khai thác những khía cạnh độc đáo của từng lễ hội để tuyên truyền và cũng chỉ chọn những lễ hội đặc sắc để quảng bá, có như thế chất lượng của từng lễ hội sẽ được khai thác tốt và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.

Với những người làm công tác văn hóa tại Hội An, mong mỏi của họ chính là sẽ có nhiều chương trình truyền hình chuyên đề, phim tài liệu, phóng sự, giao lưu - đối thoại - tọa đàm về nhiều mảng màu cuộc sống của đất và người Hội An. Đặc biệt là việc thực hiện các đề tài truyền hình về di sản văn hóa Hội An, đồng thời phản ánh kịp thời các hiện tượng, vấn đề thời sự của thành phố, tạo dư luận xã hội tích cực. Qua đó giúp thành phố có cơ sở đánh giá, hoạch định các chính sách quản lý xã hội…

Bản thân các di sản văn hóa đã có sức hấp dẫn đặc biệt đối với báo chí, đặc biệt là những người làm truyền hình. Vấn đề là làm thế nào để kết nối tâm lý của người xem, có điểm nhấn, có mảng sáng - tối, góp phần định hướng dư luận… Đó là điều người xem truyền hình mong muốn cũng như điều người làm truyền hình cần hướng tới...

Tác giả bài viết: AN BÀNG

Nguồn tin: www.zing.vn


 

 Từ khóa: truyền hinh, di sản, hội an
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật