Một góc “Đêm phố cổ” Hội An. |
Tôi nhớ như in không khí náo nức hội hè của “Đêm phố cổ” đầu tiên ở Hội An được tổ chức vào dịp Trung thu (đêm 14 âm lịch) năm Mậu Dần (1998). Các ngả đường dẫn vào phố đêm ấy (8.9.1998) lèn chặt từng dòng người từ Đà Nẵng, Điện Bàn, Duy Xuyên... kéo về tham dự. Cả khu phố từ “thượng Chùa Cầu” đến “hạ Âm Bổn” đông kín người thưởng lãm. Phố cổ Hội An đêm ấy với 15 hoạt động nghệ thuật, diễn xướng dân gian thực sự là đêm hội của những sắc màu văn hóa. Ngày ấy, sông Hoài lấp lánh hoa đăng, dặt dìu tiếng hò khoan đối đáp, khu phố cổ lung linh huyền ảo trong ánh đèn lồng, giọng hát tiếng cười xôn xao đưa trên từng mái ngói, bờ rêu… Tất cả làm trỗi lên những cung bậc yêu thương của “cảnh cũ người xưa” trong lòng mỗi người trẩy hội.
Thực ra “Đêm phố cổ Hội An” là tên gọi ngắn gọn của đề án “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX”. Sau 15 năm thực hiện đề án, Hội An đã tổ chức được 200 đêm phố cổ định kỳ, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham gia. Ngoài ra còn có hơn 30 “Đêm phố cổ” tổ chức đột xuất phục vụ hơn 3.000 khách quốc tế không có điều kiện tham dự định kỳ. Thành công của “Đêm phố cổ” là đã góp phần nâng cao uy tín của khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới, bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, quý hiếm của Hội An. Từ những ý tưởng của các nhà quản lý và những người làm văn hóa của thành phố, sau một thời gian thử nghiệm đến ngày 23.2.1999 UBND thị xã Hội An (lúc bấy giờ) đã chính thức ban hành chỉ thị về việc tổ chức “Đêm phố cổ” hằng tháng (đêm 14 âm lịch) như là một sản phẩm văn hóa du lịch của Hội An.
Từng bước phục hồi cảnh quan và các sinh hoạt văn hóa truyền thống của cư dân phố cổ xưa, Hội An đã tạo cho “Đêm phố cổ” một sức hấp dẫn đặc biệt, trở thành “thương hiệu” du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới, được Thời Báo kinh tế Việt Nam trao giải thưởng “The Guide Awards” năm 2004. Nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước đã chọn những “Đêm phố cổ” ở Hội An để tổ chức hội thảo, hội nghị, hội thi... Các công ty lữ hành du lịch khắp nơi trên cả nước đã xây dựng chương trình tour “Đêm phố cổ” để giới thiệu cho du khách. “Đêm phố cổ” còn được giới thiệu với công chúng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh nhân các ngày lễ lớn, các dịp lễ hội giao lưu văn hóa - nghệ thuật. Nhiều hãng thông tấn, truyền hình uy tín trong nước và thế giới như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh (HTV), Hãng truyền hình NHK Nhật Bản, Hãng truyền hình BBC (Anh), Truyền hình Hàng không Hàn Quốc (Asiana Airline), Truyền hình Channel New Asia (Singapore)... đã chọn quay các hoạt động và không gian “Đêm phố cổ” để phát sóng rộng rãi... Sản phẩm du lịch đặc sắc này không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ sáng tạo văn hóa của nhân dân và du khách mà còn mang lại nguồn thu nhập lớn cho cộng đồng dân cư Hội An qua các hoạt động du lịch - dịch vụ. Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại - du lịch Hội An, hằng tháng cứ vào thời điểm có hoạt động “Đêm phố cổ”, lượng khách lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn tăng đột biến. Chẳng hạn năm 2007 có 2.667 khách/ngày, đến năm 2012, 2013 bình quân đạt 4.873 khách/ngày có hoạt động “Đêm phố cổ”, tăng 3.018 lượt so với ngày thường.
Với sự đầu tư nâng cao chất lượng các hoạt động có sẵn, tìm tòi làm phong phú thêm các hoạt động mới, không ngừng trau chuốt về mặt thẩm mỹ và hiệu quả nghệ thuật, người Hội An đã tạo cho “Đêm phố cổ” một hấp lực mạnh mẽ, một sắc thái riêng biệt không nơi nào có được. Trên cái nền của không gian phố lung linh huyền ảo, cùng với thời gian, nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng nhân dân và du khách như: trò chơi bài chòi, đập nồi, hò khoan đối đáp, ca múa nhạc dân tộc, thư pháp, cờ tướng, biểu diễn võ thuật, nhóm nhạc gia đình tộc Đỗ với âm thanh của cây hạ uy cầm, thả hoa đăng trên sông... Đến với những “Đêm phố cổ” gần đây, du khách còn có dịp thưởng thức và tham gia vào các hoạt động mới như: nghe nhạc cổ điển “Giai điệu thời gian”, độc tấu nhạc cụ dân tộc, xem “tái hiện ông Đồ”, biểu diễn nhạc thính phòng “Cung đàn xưa”, dạy thiếu nhi hát dân ca, hát hợp xướng, chơi bịt mắt đánh trống... Tất cả đều được người Hội An “tự biên, tự diễn” sinh động và ấn tượng ngay trên nền “sân khấu di sản” của ông cha. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, Hội An hưởng ứng tổ chức “Giờ trái đất” với không gian quanh sông Hoài để tạo thêm điểm nhấn cho phố. Cứ thêm mỗi hoạt động mới trong “Đêm phố cổ” là thêm một nhịp cầu nối Hội An với bè bạn muôn phương, tạo thêm mối đồng điệu giữa phố với bao tâm hồn đang muốn “tìm lại ngày xưa đã mất”…
Mười lăm năm “Đêm phố cổ” đã chứng minh sức sống của một sản phẩm văn hóa đặc sắc, đầy sáng tạo của người Hội An. Đồng thời thể hiện sự đồng thuận cao của lòng dân trong quá trình tạo dựng và nâng cao uy tín thương hiệu du lịch - văn hóa Hội An.
Tác giả bài viết: ĐỖ HUẤN
Nguồn tin: www.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn