//

Duyên tình Việt - Nhật

Thứ hai - 27/08/2012 15:19

Giao lưu văn hóa Việt - Nhật lần thứ X đã kết thúc, nhưng còn để lại nơi phố những lời thầm thì hò hẹn cuộc tao ngộ sẽ lại mở vào tháng 8 mỗi năm.

alt
Trình diễn trang phục truyền thống Nhật.Ảnh: N.K

Âm thanh xe máy rớt bên ngoài phố cổ. Có thể hình dung phố thâm trầm hun hút gió như những ngón tay buông dài, dẫn dụ khách ngạc nhiên vì cứ đi một lúc lại gặp một nhóm người trình tấu nhạc dân tộc, trẻ con hát dân ca. Ngay một góc đường hay trên công viên tiếng trẻ em lao xao cười nói với trò chơi đồng dao, đập nồi, bịt mắt bắt dê, hay giữa phố người biểu diễn roi trường, đẩy gậy, múa võ như một chương trình ca nhạc tạp kỹ “không biên giới”. Đi một thôi đường, lại gặp quán gánh xưa vẽ thành một vòng cung bày dọc sông Hoài hay lác đác vài góc phố. Nơi ấy, có đủ các món ăn dân dã, truyền thống từ cao lầu, mỳ Quảng, chè bắp và bát nước chè xanh nóng hổi, làm dịu cơn khát của ngày thu đến muộn.

Ranh giới bất đồng ngôn ngữ đã bị xóa bỏ, chỉ còn tiếng cười bè bạn, ắp đầy lòng phố cổ trong những ngày giao lưu văn hóa Việt - Nhật. Đi đâu cũng gặp những khuôn mặt người, sẵn nụ cười “nguyên đán” trên môi. Những người say mê sự ồn ào, nhộn nhịp và sinh động của sân khấu, đã không thể bỏ qua 3 chương trình nghệ thuật bày mỗi đêm nơi Quảng trường Sông Hoài.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanazaki Yasuaki nói trong đêm khai mạc rằng mối lương duyên gắn bó hơn 400 năm qua giữa Nhật Bản và Việt Nam đã được tiếp tục với lễ hội đã được tổ chức đều đặn mỗi năm kể từ 10 năm qua với sự tham dự của rất nhiều người đến từ Nhật Bản. Lễ hội Hội An thực sự là một cơ hội tốt để giới thiệu về tính đa dạng của văn hóa Nhật Bản. Đó cũng là một hình tượng đẹp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước thông qua sự phối hợp thực hiện toàn bộ chương trình. Có lẽ từ duyên tình ấy nên 3 ngày lễ hội, tại sân khấu ngoài trời đêm là sự “hôn phối đặc biệt”, là hòa âm nghệ thuật đầy màu sắc Nhật - Việt với những tác phẩm truyền thống của hai nước dưới màn biểu diễn sôi động của đoàn trống hội Osuwa Daiko và trống Hội An, điệu múa cầu thần Tsuchie Kodomo Kagura cho đến các chương trình ca nhạc theo phong cách hiện đại của giới trẻ do nghệ sĩ Toking Bunbun, một thần tượng âm nhạc của Nhật Bản và nghệ sĩ Raph Coma Chi thể hiện.

Ngoài các chương trình biểu diễn trên sân khấu còn có các chương trình hết sức đa dạng giới thiệu về Nhật Bản, Việt Nam được tiến hành ở nhiều địa điểm khác trong thành phố. Màn trình diễn của robot Paro, gian thử nghiệm mặc áo Yukata của những người Nhật đang sinh sống tại Hội An hay phần trình diễn về hình ảnh các nhân vật hoạt hình Nhật Bản, xếp giấy Origami, tủ sách truyện tranh và chiếu phim hoạt hình Nhật Bản đoạt giải Oscar tại các gian nhà cổ, quảng trường vẫn được nhiều trẻ em thích thú. Nếu như các loại hình trà đạo, thi ăn mỳ hay trình tấu nhạc cụ dân tộc đã vắng tại cuộc giao lưu lần này thì đã có kiếm đạo thay thế. Hình ảnh hay huyền thoại những samurai chỉ có trong truyền thuyết hay thời quá vãng bất ngờ xuất hiện trong một vở vũ đạo kiếm thuật của các nghệ nhân nơi vòng cung Chùa Cầu đã mê hoặc du khách và cộng đồng cư dân phố cổ; những món ăn như mỳ ống tre hay món đá bào của người Nhật mang hương vị thâm trầm như ai đó nói rằng ẩm thực Nhật không chỉ để ăn mà còn ngắm và trầm tư. Đó là kết quả của sự hài hòa lặng lẽ giữa ánh sáng nhấp nháy trong bóng tối và cách bài trí.

Câu chuyện giữa thế giới rộng mở cần phải xích lại gần nhau hơn thì giao lưu văn hóa đóng vai trò quan trọng vì đó là dòng sông, là khoảng không gian rộng lớn trên bầu trời để đưa dân tộc mình vươn lên thành con người nhân loại. Nhưng nếu quên đi tiếng nói và văn hóa của dân tộc mình thì bạn sẽ trở thành kẻ vô loài trước khi tàn hơi. Tôi đã đọc được niềm mong ước khắc khoải ấy trên khuôn mặt của cô gái có tên như nhân vật “đặc biệt” Yoshiko trong “Nhân gian thất cách” của nhà văn Nhật Dazai Osama, đã mất hàng giờ trầm ngâm trước lan can Chùa Cầu, dường như nghĩ về dấu chân quá vãng của người Nhật, hay ước thầm gặp mối lương duyên nào trên phố cũ như ngày xưa tổ tiên cô đã nhặt bên đường sau khi cô gái ấy dự phần vào tour thử nghiệm “Dấu xưa Nhật Bản” vừa mở trên phố. Chỉ có điều tôi không biết cô gái ấy có hạnh phúc hơn Yoshiko khi tìm thấy niềm vui không trước xã hội điện tử mà nhân vật của Osama đã không thể dung hợp và mãi khát khao kiếm tìm đến lúc tàn hơi vẫn không thấy?

Âm thanh rộn rã, vui tai của màn biểu diễn múa bon, múa sạp, trống cơm và trình diễn trang phục truyền thống… giữa chương trình nghệ thuật đường phố vui nhộn và đặc sắc đã rớt vào giữa khuya. Không gian hội hè để mang đến nhịp cầu nối kết dòng sông văn hóa, hòa bình của hai dân tộc đã kết thúc. Không thể nào có câu cuối cùng về diện mạo văn hóa dân tộc chỉ trong ba ngày giao lưu. Khi lịch sử nhân loại hàng triệu năm nay vẫn còn chưa hết loay hoay giữ truyền thống và hiện đại. Chỉ có tình yêu, sự sẻ chia và những ngày giao lưu văn hóa mới mở ra sự thông hiểu lẫn nhau, giảm thiểu lòng hận thù và chấm dứt những cuộc chiến tranh đáng tiếc xảy ra giữa các dân tộc. Lời hò hẹn gặp gỡ vui vào tháng 8 mỗi năm lại gửi vào đêm phố…

Tác giả bài viết: NAM KHA

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật