![]() |
Ba chương trình nghệ thuật cho đêm khai mạc (24.8), biểu diễn giao lưu (25.8) và bế mạc (26.8) được đầu tư chất lượng, hoành tráng, chính là điểm nhấn quan trọng, kết nối các hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác. Đêm khai mạc tại quảng trường Sông Hoài sẽ là “bản hòa tấu” nghệ thuật đầy màu sắc với những tác phẩm mang dấu ấn truyền thống văn hóa Việt, Nhật dưới màn biểu diễn sôi động của đoàn trống Osuwa Daiko và trống Hội An. Sự tham gia của đoàn nghệ thuật thiếu nhi Tsuchie Kagura, thành phố Oda, Oma-Chi và DJ Samuraica, nghệ nhân Wakayagi Kissyo, đoàn nghệ thuật thành phố Sakai, các ca sĩ Yucca, Tokito Ami, nhóm Gypsy Queen (phía Nhật Bản) cùng các nghệ sĩ chuyên nghiệp Việt Nam sẽ mang đến những màn trình diễn đậm dấu ấn văn hóa của mỗi nước. Cuộc “phối ngẫu” giữa các tiết mục văn nghệ truyền thống và hiện đại Nhật, Việt sẽ thổi luồng không khí mới, dẫn dụ người xem đi dọc “con đường văn hóa” từ quá khứ đến hiện tại về mối bang giao, gắn kết giữa hai quốc gia. Đêm cuối cùng sẽ là “điệu ru ta” rạo rực từ các màn biểu diễn múa bon, múa sạp, trống cơm và trình diễn trang phục truyền thống… trong một chương trình nghệ thuật đường phố sinh động.
Chương trình giao lưu bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 24.8, với các cuộc thi vẽ tranh, lớp hướng dẫn nghệ thuật xếp giấy Origami, các trò chơi dân gian, bóng ném, đá bóng bowling, các buổi chiếu phim hoạt hình Nhật Bản, Việt Nam… dành cho thiếu nhi tại góc công viên, vườn tượng hay quảng trường Sông Hoài. Các cô gái có thể hóa thân thành thiếu nữ Nhật, giữ cho mình một tấm ảnh kỷ niệm cùng áo Yukata. Khách cũng có thể thả mình dọc hai phố Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng đến Châu Thượng Văn, vòng cung chùa Cầu để ngắm phố trên “nền”triển lãm ảnh nghệ thuật và âm thanh náo nhiệt từ những cuộc thi đẩy gậy, biểu diễn roi trường, nhảy bao bố… Cửa các căn nhà cổ rộng mở đợi người dự cuộc hành trình về quá khứ dấu xưa Nhật Bản và vùng đất Hội An. Không gian hoài niệm ấy có tiếng cười vui sau những cuộc trình diễn nghề truyền thống giữa những gian hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực Việt Nam, Nhật Bản với một “đêm Shushi”, thưởng thức mỳ ống tre, món đá bào Nhật Bản...
Những ngày giao lưu văn hoá Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức hàng năm tại Hội An, bắt đầu từ năm 2003, luôn được đổi mới trong cách giới thiệu các vẻ đẹp văn hoá xứ sở, thông qua những trò chơi, trình diễn trang phục, nghệ thuật ẩm thực… “Đây là sự tiếp nối truyền thống hữu nghị, giúp đỡ, chia sẻ các kinh nghiệm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của hai dân tộc”, ông Võ Phùng nói.
Tác giả bài viết: NAM KHA
Nguồn tin: www.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn