Chuyên trang có địa chỉ – nongthon.vietnamtourism.gov.vn nằm trên website chính thức của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, góp phần tuyên truyền tiềm năng, thế mạnh, nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm, đa giá trị, theo TTXVN.
Theo đó, chuyên trang này giới thiệu các mô hình, kinh nghiệm hay ở trong nước và quốc tế về phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch xanh, bền vững, du lịch cộng đồng, sinh thái, áp dụng chuyển đổi số….
Cùng với đó là quảng bá tiềm năng, vẻ đẹp điểm đến du lịch ở vùng nông thôn, chương trình du lịch, tour tuyến; sản phẩm du lịch nông nghiệp, OCOP, sản vật của ở các vùng miền để thu hút khách du lịch về các vùng quê, tham gia trải nghiệm, mua sắm, tiêu thụ nông sản, góp phần gia tăng giá trị kinh tế của du lịch nông thôn
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện cả nước có khoảng 400 điểm khai thác các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, phần lớn là theo mô hình du lịch cộng đồng. Nhiều địa phương đã trở thành điểm đến du lịch nông thôn tiêu biểu như Lào Cai, Sơn La, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Nam, Huế… Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới và OCOP đã tạo điểm nhấn thu hút ngày càng nhiều du khách trải nghiệm du lịch nông thôn.
Du lịch nông thôn ở Việt Nam được xác định có 3 loại hình chủ đạo là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái; với các hoạt động diễn ra ở vùng nông thôn thu hút du khách đến thưởng thức, trải nghiệm và nhận được các giá trị mới mẻ khác biệt so với môi trường sống thường nhật của họ ở khu vực thành thị hay các vùng nông thôn khác, theo chuyên trang nongthon.vietnamtourism.gov.vn.
Du lịch nông thôn (Rural Tourism) được định nghĩa là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã…; thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi vùng nông thôn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn