Những ngày qua, các công ty du lịch lữ hành tại thành phố Hội An đưa nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan trải nghiệm ở làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim. Du khách quốc tế thích thú khi được tận tay đục đẽo trên gỗ để tạo ra những sản phẩm của riêng mình với sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng.
Du khách tự tay đục đẽo các sản phẩm cho riêng mình.Tự dùng dùi đục để khắc tên mình lên mảnh gỗ, ông Ashton, du khách đến từ Australia tỏ ra hào hứng: “Trực tiếp tham gia làm nghề mộc và các nghề thủ công truyền thống tại đây tôi rất vui, rất thú vị khi được trải nghiệm văn hoá của vùng đất này”.
Làng mộc Kim Bồng có hơn 500 năm hình thành và phát triển, nằm ở hữu ngạn sông Thu Bồn, chỉ cách phố cổ Hội An mấy nhịp bơi chèo. Mỗi ngày có khoảng 100 lượt khách cả châu Âu và châu Á ghé thăm ngôi làng của những thợ mộc trứ danh này. Gần đây, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam triển khai hiệu quả Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề truyền thống và hệ sinh thái bản địa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã biến nơi đây trở thành điểm đến quen thuộc đối với du khách gần xa.
Nghệ nhân Huỳnh Sướng trình diễn nghề mộc.Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng gắn bó cả đời mình với làng mộc Kim Bồng cho biết, năm 2023 thành phố Hội An chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Đây là cơ hội để các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến lý tưởng để du khách tham quan trải nghiệm các sản phẩm du lịch vùng đệm Đô thị cổ Hội An.
“Tôi rất mừng khi du khách trở lại rất đông. Đây là tín hiệu mới cho thấy du lịch tiếp tục phục hồi. Các làng nghề truyền thống và bản thân các nghệ nhân rất vui khi khách quốc tế ngày càng đông. Nếu trình diễn nghề mà không có du khách đến xem thì rõ ràng sẽ hụt hẫng. Du khách đến đây càng đông giúp cho người dân địa phương bán được các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nâng cao thu nhập, ngoài ra còn giúp cho tinh thần của các nghệ nâng cao hơn, từ đó mà ý thức gìn giữ làng nghề càng cao hơn”.
Làng nghề mộc Kim Bồng nhìn từ trên cao.Đến thành phố Hội An thời điểm này, du khách có xu hướng khám phá các sản phẩm du lịch xanh ở khu vực ven biển. Làng chài Tân Thành, phường Cẩm An, thành phố Hội An là một trong những điểm đến tiêu biểu về du lịch xanh ở Hội An. Cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành tại Hội An là 1 trong 4 đơn vị tại Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN 2023.
Ngoài các dịch vụ thiết yếu dành cho du khách như lưu trú, ẩm thực, spa, tắm biển..., cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành còn cung cấp nhiều trải nghiệm thú vị như giáo dục cộng đồng về du lịch xanh, du lịch tuần hoàn; trải nghiệm cùng ngư dân làng chài; tìm hiểu các đặc sản địa phương; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ đường phố, dạy hát bài chòi, hò khoan Quảng Nam; triển lãm nghệ thuật sắp đặt môi trường biển...
Du khách quốc tế tham quan, mua sắm tìm hiểu các đặc sản địa phươngÔng Lê Quốc Việt - Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Làng chài Tân Thành cho biết: “Do thời tiết khá thuận lợi, nắng đẹp, biển đẹp cho nên khách đã đến với Hội An khá nhiều. Chúng tôi đã nhận được nhiều đặt chỗ của những tháng tiếp theo, là cũng đã có tín hiệu tốt. Khách du lịch châu Âu đã đến đây nhiều hơn”.
Hơn 100 doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam tham gia chương trình kích cầu du lịch 2024 với chủ đề “Quảng Nam – Miền xanh Di sản”. Du khách được tham quan, trải nghiệm ở các điểm đến quen thuộc như Phố cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn, trải nghiệm gói sản phẩm nghỉ dưỡng biển cao cấp. Ngoài ra, nhiều gói sản phẩm du lịch xanh đưa du khách khám phá những cung đường uốn lượn qua những bản làng bình yên của người Cơ Tu, Ca Dong hay chinh phục những đỉnh núi hùng vĩ như Đỉnh Quế, huyện miền núi cao Tây Giang...
Chợ phiên làng chài Tân Thành thu hút đông du khách.Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh tăng cường liên kết với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết với thành phố Hà Nội và TP.HCM xây dựng những gói sản phẩm phù hợp trên cơ sở khai thác các giá trị mà thiên nhiên ban tặng.“Tập trung xây dựng môi trường du lịch xanh, ở đó sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách được đặt lên hàng đầu. Tăng cường sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên môi trường. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương để liên kết phát triển du lịch, tạo được sự lan tỏa rộng rãi, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và du khách”, ông Hồ Quang Bửu nói.
Long Phi/VOV-Miền Trung
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn