//

Có một không gian đặc biệt trong lòng phố cổ

Thứ hai - 25/09/2023 08:00

Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ từ lâu đời với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hoá, giá trị nhân văn. Thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21.9.1973, đến nay Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, từ khi 2 nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” vào tháng 3.2014, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Ở di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An có một không gian thể hiện mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước.

KG 2
Du khách tham quan, tìm hiểu mối giao lưu văn hóa Nhật Bản – Việt Nam tại Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản tại Hội An

Hội An – Quảng Nam được biết đến là một trong những nơi khởi nguồn cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam cách đây hơn 400 năm với mối quan hệ giao thương nhộn nhịp tại thương cảng Hội An cũng như mối lương duyên giữa công chúa Công nữ Ngọc Hoa với thương nhân Araki Sotaro. Cùng với nhiều hoạt động hợp tác, hữu nghị trên nhiều lĩnh vực đã được thiết lập trong những năm qua, năm 2017 tỉnh Quảng Nam chính thức ký kết quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Nagasaki. Đến nay, 2 tỉnh đã duy trì và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác theo hướng tích cực, đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND thành phố cho biết, vào tháng 11.2017, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Việt Nam với sự chứng kiến của Thủ tướng và đoàn lãnh đạo cấp cao của 2 nước, Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản tại TP.Hội An cùng với mô hình Châu Ấn thuyền do tỉnh Nagasaki tặng đã được khai trương, để lại dấu ấn sâu đậm về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, lâu dài và bền vững giữa Hội An, Quảng Nam và các địa phương Nhật Bản nói riêng, cũng như giữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản nói chung. “Từ đó đến nay, Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản được duy trì và phát huy với nhiều hoạt động thú vị, đặc sắc, thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi năm”, ông Sơn nói.

Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản được tái hiện trên toàn bộ tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực xung quanh Chùa Cầu (đoạn đường, mặt sông từ ngã ba đường Bạch Đằng – Châu Thượng Văn). Điểm nhấn nổi bật của Không gian là cổng chào, biểu tượng và mô hình Châu Ấn thuyền. Đây là mô hình con thuyền mà thời trung đại (thế kỷ 16 – 17) các thương nhân Nagasaki (Nhật Bản) dùng để qua lại, giao thương tại thương cảng Hội An. Đây cũng là con thuyền đã đưa Công nữ Ngọc Hoa – con gái của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên theo chồng là thương nhân Araki Sotaro về Nagasaki vào năm 1619. Tên Nhật của bà là Wakaku (Vương Gia Cửu), tên thân mật là Anio-san. Bà tạ thế ở Nagasaki năm 1645, được thờ tại đền Daionji ở Nagasaki.

Trải dài trong Không gian từ lúc khai trương đến nay (trừ quãng thời gian bùng phát đại dịch Covid-19) thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động như: trình diễn trà đạo Nhật Bản, trà xanh Matcha Nhật Bản; trưng bày bonsai Nhật Bản và Việt Nam; giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ Việt Nam, Nhật Bản; giới thiệu ẩm thực Hội An, Nhật Bản; biểu diễn trang phục với chủ đề “Ký ức thời gian”; trình diễn thư pháp; trình tấu nhạc cụ dân tộc 2 nước… Ngoài ra còn có các hoạt động trò chơi trẻ em Nhật Bản, Việt Nam, gấp giấy Origami…

Cùng với những nỗ lực tổ chức hoạt động của chính quyền và nhân dân thành phố, “Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản” tại Hội An đã nhận được sự hỗ trợ, đóng góp thiết thực của nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp… phía Nhật Bản. Tỉnh Nagasaki sau khi tặng Châu Ấn thuyền đã hỗ trợ chi phí để đưa nhân lực sang Nhật đào tạo bảo dưỡng thuyền. Công ty Takara đã tài trợ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho hoạt động trưng bày, trang phục Nhật Bản (áo Yukata, guốc, trâm cài…), đưa nghệ nhân sang đào tạo cho nhân viên và cộng tác viên Văn phòng Hướng dẫn tham quan về chế trà đạo, gấp giấy Origami Nhật Bản, tặng tranh cổ, tặng lồng đèn Nhật Bản để trang trí… với tổng giá trị khoảng 500 triệu đồng. Công ty thời trang May – Nohashi tài trợ vải Nhật để may trang phục cổ truyền Việt Nam, tài trợ đèn lồng, tặng “Tủ sách Nhật Chiêu” trị giá khoảng 50 triệu đồng. Thành phố Nihonbashi và Nishhijin Kyoto tặng hàng lưu niệm gồm: đèn lồng, tranh Phù thế Ukiyoe, Kimono, Obi, vải gói đồ truyền thống của Nhật Furoshiki, túi tiền và tấm lót chén đĩa. Thành phố Sakai cũng tặng nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Nhật Bản… Các hoạt động tại Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản đã trở thành sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, mang đậm nét các giá trị văn hóa hữu nghị. Hai du khách trẻ Max Elson và Laurence Fricker đến từ Anh Quốc sau khi tham quan, trải nghiệm các hoạt động, cảm thấy thật tuyệt vời khi tại không gian này các bạn được biết thêm một phần văn hóa của Nhật Bản. “Chúng tôi rất ấn tượng về hoạt động xếp lá dừa ở Hội An và xếp giấy của người Nhật Bản. Các bạn đã sử dụng chất liệu tạo nên những sáng tạo rất độc đáo. Các bạn rất giỏi trí tưởng tượng để làm thành những sản phẩm bước đầu trông rất là khó nhưng khi làm xong rồi thì rất thích thú với sản phẩm này”, hai du khách nước Anh chia sẻ.

KG 1
Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản được tái hiện trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực xung quanh Chùa Cầu luôn thu hút du khách tham quan và trải nghiệm

Cũng tại Không gian này, trong chương trình “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản” lần thứ 18 tổ chức vào tháng 8/2022, TP.Hội An đã chính thức khai trương, đưa vào hoạt động Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản tại nhà số 6 đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đây là một trong những ngôi nhà cổ đẹp của quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An. Nơi này trưng bày và giới thiệu về lịch sử, văn hóa – du lịch, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của các địa phương Nhật Bản có mối quan hệ giao lưu mật thiết với tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An như: tỉnh Nagasaki, thành phố Sakai, thành phố Matsusaka…; tổ chức không gian trình diễn, trải nghiệm các sinh hoạt, sản phẩm văn hóa đặc sắc của Nhật Bản như: trà đạo, gấp giấy Origami, truyện tranh Nhật Bản…, đặc biệt trưng bày các tranh ảnh, hiện vật liên quan đến Ngài Sugi Ryotaro – Nguyên Đại sứ đặc biệt Việt Nam – Nhật Bản, người đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc kết nối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong những năm qua và cũng là nơi du khách và nhân dân tham gia trải nghiệm các dịch vụ như: trà đạo, gấp giấy Origami, làm búp bê thời tiết Nhật Bản… Bà Trương thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An nói: “Không gian này được khai trương là một sản phẩm du lịch mới, một địa chỉ văn hóa để giới thiệu đến bạn bè và du khách những giá trị văn hóa của xứ sở Mặt trời mọc cũng như nét đẹp văn hóa của Hội An. Chúng tôi đã đưa Nhà văn hóa này vào tuyến tham quan du lịch Hội An và trở thành địa chỉ thật sự ấn tượng, có chiều sâu khi khách tham quan đến với Hội An”.

Hơn 2 năm đưa Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản vào hoạt động trong Không gian Việt Nam – Nhật Bản đã tạo thêm ấn tượng tốt đẹp, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giới thiệu sâu sắc những giá trị văn hóa của Nhật Bản trên mảnh đất Hội An, củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị lâu dài, bền chặt giữa hai đất nước Việt Nam – Nhật Bản.

ĐỖ HUẤN


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn