Tất cả những hiện vật trưng bày bên trong bảo tàng Sa Huỳnh, là minh chứng thuyết phục cho một giai đoạn lịch sử rực rỡ của cha ông ta trên mảnh đất Hội An nói riêng và miền Trung nói chung. Tại bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, trưng bày hiện vật phong phú, đa dạng từ những loại vật dụng hằng ngày trong đời sống, công cụ lao động, đồ trang sức, mộ chum…
Sa Huỳnh là một địa danh ở Quảng Ngãi và Văn hóa Sa Huỳnh là tên gọi chung cho toàn bộ nền văn hóa ở miền Trung Việt Nam. Nền văn hóa này kéo dài từ Quảng Bình cho tới Ninh Thuận, Bình Thuận và có niên đại từ thế kỉ II trước CN – thế kỉ II sau CN, cách ngày nay khoảng 2000 năm lịch sử. Những cư dân sống trong thời bấy giờ đã có những bước tiến vượt bậc về văn hóa, văn minh. Họ đã thoát khỏi cuộc sống của bầy người nguyên thủy, tiến đến cuộc sống có kế hoạch sản xuất, biết trồng trọt và chăn nuôi, biết tạo ra lửa để nấu chín thức ăn.
Từ những bộ sưu tập hiện vật ở bảo tàng, cho thấy rõ thế mạnh của nền văn hóa này là về thương nghiệp, ngư nghiệp, nông nghiệp, đồ trang sức, đồ gốm… Những dụng cụ như cuốc, thủng, dao, lưỡi liềm bằng sắt trưng bày trong bảo tàng, được người xưa sử dụng trong hoạt động
canh tác nông nghiệp và cả chiến đấu.
Bên cạnh hoạt động nông nghiệp, cư dân Sa Huỳnh có thế mạnh về việc
đi biển, đánh bắt cá và trao đổi hàng hóa. Người Sa Huỳnh đã biết đến trầm hương, quế, ngà voi…và đem đi trao đổi, thông thương. Bằng chứng là những đồng tiền thời Ngũ Thù, Vương Mãn thuộc thời Hán, Trung Quốc đã được tìm thấy ở Hội An và được trưng bày trong bảo tàng.
Đồ trang sức của cư dân Sa Huỳnh khá bắt mắt, màu sắc lộng lẫy. Chúng đa dạng về kiểu dáng và màu sắc, như xanh lơ, xanh đen, đỏ, nâu và được làm từ đá, mã não,…Nổi bật của đồ trang sức là khuyên tai ba mấu và khuyên tai vành khăn, cũng như các chuỗi hạt. Có thể nói đồ trang sức của cư dân Sa Huỳnh đã đạt đến trình độ cao về thẩm mỹ và kỹ thuật chế tác, và trở nên phổ biến khắp châu Á.
Bộ sưu tập đồ gốm của họ rất phong phú, từ những nồi niêu, chén dĩa, ấm nước….là những vật dụng được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày.
Đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Sa Huỳnh là những ngôi mộ chum, một hình thức quan tài của người xưa. Những ngôi mộ này có nhiều kiểu dáng khác nhau. Từ hình dạng bầu dục, hình trứng, hình trụ đứng cho đến có nắp đậy hoặc không. Bộ sưu tập mộ chum tại bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh rất đặc sắc. Những ngôi mộ chum đã giải thích rõ nét về sự phát triển của xã hội thời bấy giờ - đã có sự phân hóa giàu nghèo, phân chia tầng lớp, hình thành nên nhà nước, để tạo nên những thể chế rõ ràng cho việc quản lý xã hội.
Là một trong chuỗi những bảo tàng quan trọng tại Hội An, đến với bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh quý khách sẽ hiểu hơn về tiến trình lịch sử của Hội An trong những giai đoạn trước. Tham quan bảo tàng, khách du lịch sẽ hiểu và yêu thêm vùng đất được gọi là thương cảng một thời.