Nhưng hiện nay đang tồn tại trong đình bức hoành phi do chúa Nguyễn Phúc Chu ngự bút ban tặng vào năm 1715 và đích thân Chánh hậu của ngài dâng cúng tại đình. Đình lúc đó chỉ là miếu nhỏ thờ thần bổn xứ Tầm Vông.
CỨU THẾ ĐỘ NHÂN
Vĩnh Thịnh thập nhất niên, tuế thứ Ất Mùi (1775), bát nguyệt, thập nhất nhật, đề Quốc Chúa Thiên Túng đạo nhân, ngự bút.
Đến khoảng trước năm 1800 làng Phong Niên được thành lập trong địa phận của Tầm Vông xứ, miếu Tầm Vông cải gọi là đình Phong Niên và được tu bổ lại khoảng trước năm 1822. Từ đó về sau không biết có lần trùng tạo, tăng kiến nào không thì chưa rõ vì trong đình hiện không có bi ký hoặc di chỉ ký thác cho hậu thế. Mãi đến năm 1935 cựu lý trưởng Nguyễn Văn Sâm có phụng cúng một khám thờ ghi ngày 10 tháng 3 năm Ất Hợi.
Ba hàng trên: Giữa VẠN CỔ ANH LINH
Phải THIÊN HOÁN VĂN CHƯƠNG, Trái THÁNH ÂN HẠO ĐẢN
Câu đối: Thiên khố tinh huy vạn sự long
Thần quang phong chiếu thiên tường tập
Năm 1974, Pháp sư Nguyễn Văn Ba vẽ biểu tượng long sư vào lòng khám.
Năm 1944, đình Sơn Phong ra đời trên cơ sở tôn tạo đình Phong Niên nhỏ thấp thành đình Sơn Phong cao lớn hơn. Xà cò đình Sơn Phong ghi:
Đại Nam, Bảo Đại thập tứ niên, tuế thứ Giáp Thân, bát nguyệt thu, thập ngũ nhật, Mão thời thượng lương. Điện bàn phủ, Phú Triêm tổng, Sơn Phong xã Viên hào, lý hương tịnh chánh ngụ đồng kiến tạo.
Nước Đại Nam, vua Bảo Đại năm thứ mười bốn, Giáp Thân (1944), giờ Mão ngày rằm tháng tám mùa thu thượng lương. Phủ Điện Bàn, tổng Phú Triêm, xã Sơn Phong. Viên chức xã và dân chính cư cùng xây dựng.
(Đúng ra nên dùng "trùng kiến": xây dựng lại, hoặc "tăng kiến": xây tăng thêm thay cho "kiến tạo" thì sát đúng thực tế hơn vì trụ đình Sơn Phong tận dụng nối thêm 1/3 trụ đình Phong Niên, dấu tích còn để lại).
Cùng trong năm 1944 khánh thành đình mới, xã Sơn Phong có hoành phi SƠN PHONG ĐÌNH thì năm sau dân cựu ấp Sơn Tây thuộc xã Sơn Phô cũng phụng cúng hoành phi tỏ lòng hoài niệm về sự hòa nhập vào xã mới Sơn Phong từ trước năm 1899.
PHỔ ĐỒNG NHÂN (Người cùng xóm dân)
Bảo Đại thập cữu niên đông (1945), Sơn Tây ấp toàn dân phụng cúng.
Năm 1974, Sơn Phong lúc này là đơn vị hành chính cấp ấp/thôn, có xây lại tiền đường bằng bê tông cốt thép, lợp ngói âm dương, trang trí Long, Lân, Quy, Phụng. Kinh phí trùng tu do dân phụng cúng là 1.400.000 đồng tiền Sài Gòn. Ban trùng tu gồm các ông Trương Tích, Hồ Viết, Phạm Đắc...
Năm 2000, 2002, 2008 thêm ba đợt trùng tu nữa.
Hiện nay đình Sơn Phong còn lưu giữ năm sắc vua ban mà năm 1946, khi quân Pháp tiến chiếm Hội An đã vào đình mang các sắc này toan đốt, thì lý trưởng làng Sơn Phong lúc đó là ông Lý Tý đã hoảng hốt chạy đến ra dấu đây là sắc phong thờ cúng không phải tài liệu của Việt Minh nên còn tồn tại đến bây giờ. (Ông Hồ Viết, tục danh là Ký, kể lại).
Sắc phong của vua Tự Đức năm 1853
"Thượng Đẳng Thần là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Thánh Nương tứ vị tôn thần, nguyên tặng Hàm Hoằng, Quang Đại, Chí Đức, Phổ Bát, Hiển Hòa.
Thần giúp nước, giúp dân, xưa nay linh ứng rõ ràng.
Mệnh trời nhớ mãi công thần che chở nên tặng là Thượng Đẵng Thần Hàm Hoằng, Chí Đức, Phổ Bát, Hiển Hóa, Trang Huy.
Vẫn giao xã Cẩm Phô, tổng Diên Phước y theo cũ mà phụng thờ Thần, ngõ hầu xem xét bảo vệ cho dân đen ta.
Hãy tuân theo!
Tự Đức năm Quý Sữu (1853), tháng mười một, ngày hai."
Sắc phong của vua Duy Tân năm 1909
"Sắc cho xã Phong Niên, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Theo như trước thờ cúng thần Thành Hoàng Bảo An, Chánh Trực, Hựu Thiện, Đôn Ngưng, Dực Bảo, Trung Hưng.
Nay ban sắc phong theo đó mà thờ.
Duy Tân lên ngôi năm thứ nhất, nhà vua ban ơn thăng phẩm trật đặc biệt, chuẩn y thờ cúng theo cũ, theo lễ quốc lễ quy định thờ cúng.
Duy Tân năm thứ ba (1909), tháng tám, ngày mười một."
Ngoài ra còn hai sắc phong của vua Thiệu Trị năm 1843 và một sắc phong của vua Tự Đức năm 1850.
Trường hợp sắc của xã Cẩm Phô lại nằm trong đình Sơn Phong thì không lý giải nổi.
Bia chùa Bà Mụ, một cái lạc xuống đình Ông Voi, cái kia đến Minh Hương Phật Tự.
Đá mà còn chạy được huống hồ giấy!!
Ngàn xưa dân ta vẫn thờ Thần dù có sắc hay không.