Toàn thể ngôi chùa gồm 4 tòa nhà, một tiền đình, 2 tả, hữu vu và một chính diện rộng. Bốn tòa cất xây theo kiểu chữ khẩu và kiến trúc, cấu trúc theo kiểu chồng tránh, ngói lợp và nóc rất độc đáo, trang trí Rồng, Giao. Chính điện đặt pho tượng Quan Vân Trường tướng quân, mặc thanh bào thêu rồng nổi kim tuyến, nét mặt oai nghiêm tươi sáng, đôi mắt sắc mà lung linh nhìn về phía trước.Chính điện còn có 2 pho tượng Châu Thương, người nô tì dũng cảm, trung thành của Quan Công và tượng Quan Bình nghĩa tử; 2 con ngựa thờ cao bằng ngựa thật, bên tả là con ngựa trắng, bên hữu ngựa xích thố – con ngựa mà Vân Trường rất quý khi được Tào Tháo ban cho. Đứng trước những pho tượng này khách thưởng lãm không thể không ngợi khen bàn tay tinh xảo tỉ mỉ của người thợ tạo hình từ xa xưa.
Hiện nay, trong miếu còn rất nhiều biển liễn, hoành phi, sắc phong, bia đá và những hiện vật cổ, đặc biệt là còn lưu lại bài thơ đề vịnh của Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm ( thân phụ của Đại thi hào Nguyễn Du) xướng và 2 bài họa của Uông Sĩ Cư và Nguyễn Lệnh Tân và bài ngụ ngôn cổ phong của Nguyễn Nghiễm. Mấy bài này làm vào năm 1775, lúc Xuân Quận Công phụng chức tả tướng quân Bình Nam vào đóng quân ở Hội An. Đó là một di tích lịch sử lưu dấu vết xa xưa trong thời phân tranh Trịnh- Nguyễn còn lại ở xứ Đàng Trong từ thế kỷ 18 còn đến ngày nay.
Quan Công Miếu đã được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia ngày 29 tháng 11 năm 1991.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn