//

Hẹn hò với phố cổ Hội An từ kiếp trước

Thứ sáu - 25/10/2013 21:26

Chú tôi từng nói, có những nơi chỉ cần chạm chân tới đã thấy bình yên, thấy gần gũi như đã hẹn hò với đất với người từ kiếp trước. Và tôi đã tìm đến phố cổ Hội An theo lời nhắn nhủ của chú rằng: "Đến đó đi, vì sẽ không nuối tiếc”.

Thành phố Hội An nằm ở vùng hạ lưu ngã 3 sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng về phía Nam 28km. Nơi đây xưa kia đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia… đã biết đến từ thế kỷ 16, 17.



Từ thời đó, thương cảng đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Đông. Cũng nhờ vị trí địa lý thuận lợi nên từ hơn 2000 năm trước, mảnh đất này đã tồn tại và phát triển nền văn hóa Sa Huỳnh muộn. Chính vì sự giao thoa văn hóa từ rất lâu đời này nên Hội An là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cánh mạng và văn hóa, được kết tinh qua nhiều thời đại.


Đến với Hội An là đến với không gian kiến trúc cổ kính và những con người chân thành, nồng nhiệt. Giữa các con phố tấp nập nằm trên các con đường hẹp là một dãy phố nằm sát bờ sông Hoài, soi bóng một góc bức tranh phố cổ xuống dòng sông. Tại đây du khách dễ dàng bắt gặp nhiều dãy nhà hình ống mái ngói phủ rêu, trong nhà treo hoành phi, câu đối và nhiều cột gỗ quý trạm trổ hoa văn cầu kỳ vẫn sáng bóng màu của thời gian.

Để có cái nhìn khái quát về lịch sử Hội An, du khách nên đi thăm quan các bảo tàng Lịch sử - Văn hóa, Bảo tàng gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh… Các Hội quán cũng rất hấp dẫn, bởi mỗi địa điểm là một đặc thù kiến trúc khác biệt, tượng trưng cho trường phái kiến trúc của địa phương như Hội quán Triều Châu, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quảng Đông...

Tôi lang thang ngắm đèn lồng phố cổ, tưởng như mình lạc vào thiên đường lung linh, huyền ảo. Cảm giác yên bình tràn ngập lòng, nên thấy từng ngõ ngách, từng đồ vật nơi đây đều trở lên dịu dàng và quyến rũ đến kỳ lạ. Để được gần gũi hơn với người dân nơi đây, tôi ghé thăm làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, cảm nhận nét hồn hậu trong nụ cười, ánh mắt. Cái không khí yên bình và mộc mạc, khác xa với nhịp sống tất bật của thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống mỗi ngày, khiến tôi thấy nuối tiếc khi phải chào từ biệt Hội An.

Chú tôi gọi điện vào dặn "nhớ ghé quán bên đường ăn bánh quai vạc nhân chả tôm quết nhuyễn, thứ bánh được người Pháp đặt tên là "hoa hồng trắng”, và chớ quên thưởng thức món chè bắp để thấy được vị ngon ngọt rất đặc trưng của Hội An khi lúa ngô được trồng trên đất cồn, tưới nước từ con sông Thu Bồn bình yên ấy”.

Đại đoàn kết


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật