//

“Đêm phố cổ” đã trở thành sản phẩm du lịch, văn hóa đầy ấn tượng của Hội An

Thứ tư - 03/10/2018 22:27

Sau 20 năm thực hiện, đến nay “Đêm phố cổ” đã thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Hội An cũng như du khách mỗi khi tìm về phố cổ Hội An.

 
20181002 082625 12 50 12 139

Trong Đề án "Đêm phố cổ" được tái hiện 20 năm qua, một  trong các loại hình
văn hóa, nghệ thuật truyền thống được phục dựng, phát huy là hát bài chòi (ảnh: Đình Tăng)

Sáng 2/10, UBND TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Đề án “Tái hiện đêm Phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX (1998-2018)”.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao TP.Hội An, Phó Trưởng ban Thường trực thực hiện Đề án cho biết, từ giữa năm 1998, TP.Hội An thành lập Tổ Đề án “Nghiên cứu phục hồi Ngày phố cổ tại Khu phố cổ Hội An” và giao cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin TP.Hội An làm cơ quan thường trực, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan triển khai thực hiện Đề án.

Qua nhiều lần ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân địa phương, trong đó có việc lấy ý kiến thăm dò, góp ý của người dân khu phố cổ… Đề án được bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần. Ngày 08/9/1998, Đề án đã được tổ chức triển khai thực hiện thử nghiệm lần đầu tiên với tên gọi “Ngày Phố cổ tại khu phố cổ Hội An”. Đến ngày 23/02/1999, UBND TP.Hội An đã ban hành Chỉ thị số 03/1999/CTUB về việc tổ chức “Đêm phố cổ” hàng tháng, quy định không gian tổ chức “Đêm phố cổ”, giao trách nhiệm tổ chức và quản lý các hoạt động cho các cơ quan, địa phương có liên quan để phối hợp triển khai thực hiện.

“Đến nay, qua 20 năm thực hiện, “Đêm phố cổ” đã trở thành sản phẩm du lịch, văn hóa đầy ấn tượng và hiệu quả của Hội An. “Đêm phố cổ” đã được tổ chức tổ chức định kỳ vào tối 14 âm lịch hằng tháng và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và không thể thiếu của TP. Hội An. Trước, trong và sau Đêm phố cổ, lượng khách đến Hội An luôn tăng rõ rệt. Đêm phố cổ còn giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho cộng đồng người dân tại địa phương thông qua nghề làm lồng đèn, hoa đăng, dịch vụ du thuyền, ẩm thực, tour tham quan phố cổ, chụp ảnh lưu niệm, bán quà lưu niệm…Ngoài ra, thông qua “Đêm phố cổ”, Hội An đã đẩy mạnh quảng bá Di sản phố cổ Hội An đến với du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là nền tảng để tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, đối ngoại đặc biệt của địa phương”- ông Võ Phùng cho biết thêm.

Còn theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Dũng: Qua 20 năm triển khai thực hiện “Đêm phố cổ”, điều đáng mừng nhất là người dân TP.Hội An đã nhận thức được giá trị của văn hóa là vô giá. Đó chính là nguồn tài nguyên quý giá toàn thể nhân dân đồng thuận cùng chính quyền TP chăm chuốt, giữ gìn, phát huy, khai thác, tạo nên giá trị kinh tế lớn, bảo đảm cho TP phát triển bền vững theo hướng: Văn hóa là nền tảng tạo điều kiện để kinh tế phát triển và ngược lại. Sự phát triển tốt đẹp của kinh tế đã tạo điều kiện để Hội An bảo tồn và vun đắp, tạo ra các giá trị văn hóa mới hiện đại nhưng đầy bản sắc.

Trao đổi tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng khẳng định: “Đêm phố cổ” đã tác động rất lớn đến nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, phát huy, khai thác và tạo nên giá trị kinh tế du lịch lớn cho địa phương. Sự thành công Đêm phố cổ đã góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo của Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. Đây cũng là nền tảng để bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hóa phi vật thể, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, nếp sống êm đềm của Hội An xưa; phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, của du khách trong thời hiện đại, tạo điều kiện cho cộng đồng cư dân Hội An tăng thu nhập qua các hoạt động du lịch, dịch vụ. Trong thời gian tới, TP. Hội An sẽ tiếp tục đầu tư ý tưởng, nâng cao chất lượng để Đêm phố cổ ngày càng có ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè du, khách gần xa.

20181002 103946 12 53 11 092

Các tập thể, cá nhân có đóng góp cho Đề án
đã được TP.Hội An tôn vinh, khen thưởng (ảnh: Đình Tăng)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đại biểu cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục tại “Đêm phố cổ”. Trong đó, các ý kiến cho rằng: Trong không gian và ngay cả những nội dung hoạt động của “Đêm phố cổ” vẫn còn những “hạt sạn”, những biểu hiện, hành vi, thái độ không đẹp và chưa đẹp, gây ảnh hưởng nhất định đến mục đích khi xây dựng “Đêm phố cổ”- sản phẩm văn hóa, du lịch đầy tâm huyết của TP.Hội An.

Ngoài ra, trong không gian “Đêm phố cổ”, tình trạng thắp đèn điện sáng, buôn bán hàng hóa thiếu ngăn nắp, môi trường buôn bán chưa đảm bảo yếu tố truyền thống; các nhà hàng, khách sạn mở âm thanh lớn; vẫn còn tình trạng dắt xe hay đi xe vào khu phố cổ; công tác vệ sinh môi trường tại một số tuyến phố chưa đảm bảo; một số di tích tập thể thường đóng cửa đang trong thời diểm diễn ra “Đêm phố cổ”… đã phần nào ảnh hưởng, giảm sức hấp dẫn của sự kiện này.

Hội nghị cũng nhận được nhiều đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự nhằm tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống của “Đêm phố cổ” gắn với tăng cường công tác kiểm tra và quan tâm chỉ đạo hơn nữa để “Đêm phố cổ” ngày càng chỉn chu, ấn tượng và đạt chất lượng cao.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã trao tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 02 cá nhân; UBND TP.Hội An khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp vào sự thành công của Đề án “Tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX” trong chặng đường 20 năm qua./.

Đình Tăng

Nguồn tin: cpv.org.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn