Thủ tướng thăm Phố cổ Hội An ngày 8/8/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sự xuất hiện bất ngờ của Thủ tướng vào tầm chiều muộn 8/8 đã thu hút sự quan tâm, chú ý của rất đông du khách, nhiều người mạnh dạn tới chụp ảnh kỷ niệm với Thủ tướng. Trước sự quan tâm đó, Thủ tướng nói vui rằng “tôi quảng bá cho du lịch Hội An đấy nhé”.
Suy tư phát triển du lịch, làm sao để thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã được Thủ tướng chia sẻ nhiều lần tại các cuộc làm việc, các hội nghị xúc tiến đầu tư tại địa phương và tại không ít cuộc họp với bộ, ngành kể từ khi ông nhậm chức. Tại đó, Thủ tướng nhấn mạnh cách làm du lịch từ chính cộng đồng, nơi hưởng lợi trực tiếp từ du lịch cũng là nơi làm du lịch tốt nhất.
Dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 4/2016 tại Quảng Trị, một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, Thủ tướng cho rằng, có thể du lịch Quảng Trị chưa có một cơ sở tốt, nhưng nếu cộng đồng người dân sống sạch sẽ, ngăn nắp, chân thành với du khách thì điều đó ấn tượng mãi với du khách.
Hay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng vào tháng 6/2016, Thủ tướng nhấn mạnh việc hình thành ý thức về một thành phố du lịch văn minh, ấn tượng trong ý thức của chính người dân địa phương và cộng đồng; đảm bảo tốt an ninh, trật tự và đặc biệt là phải có lòng mến khách. “Mỗi du khách ghé thăm Đà Lạt phải được yêu mến như người nhà”.
Thủ tướng cho rằng, làm du lịch phải có lòng mến khách. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Trong 7 tháng đầu năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 24% so với cùng kỳ, đạt trên 5,5 triệu lượt. Đây là một con số ấn tượng so với bức tranh khá ảm đạm của du lịch trong những tháng đầu năm 2015, tuy nhiên, vẫn là khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế rất lớn của Việt Nam.
Chẳng hạn, các di sản của Huế- một trong những trung tâm du lịch của Việt Nam, rất đa dạng, đặc sắc, thu được gần 10 triệu USD tiền vé tham quan nhưng đền Angkor Wat của Campuchia mỗi năm số thu này gấp rưỡi Huế.
Lãnh đạo Chính phủ đã không ít lần nhấn mạnh, cần nhận thức Du lịch là một ngành kinh tế mang dấu ấn văn hóa sâu sắc, có tính chất tổng hợp, liên vùng, liên ngành rất cao.
“Câu chuyện ở đây là phải thay đổi tư duy của người làm du lịch, kinh tế. Phải chuyển mạnh sang thị trường khi làm du lịch, để người dân và doanh nghiệp tham gia quản lý, phát triển du lịch, chính quyền đừng ôm việc”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại hội nghị ngày 7/8 về phát triển du lịch Thừa Thiên-Huế.
Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng chỉ ra 6 điều khiến các du khách “sợ” nhất khi đến Việt Nam, trong đó có không ít vấn đề phụ thuộc rất lớn vào thái độ, ý thức của người dân. Như tình trạng làm giá, “chặt chém”, nạn ăn xin và ăn cắp vặt, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề vệ sinh môi trường. Và đặc biệt, dù người Việt Nam được đánh giá rất mến khách, nhưng 1 nghìn người mến khách mà chỉ cần một người không thân thiện thì cũng để lại ấn tượng xấu.
Nhà nước có trách nhiệm rất lớn với phát triển du lịch, nhưng cũng không thể thiếu trách nhiệm của mỗi người dân. Và với cuộc đi bộ bất ngờ trên Phố cổ Hội An, Thủ tướng đã chia sẻ cách làm du lịch từ cộng đồng. Thông điệp của Thủ tướng là giản dị nhưng cũng rất cần thiết: Mỗi người đều có thể góp phần làm đất nước đẹp hơn trong mắt du khách và nhiều khi, chỉ cần một nụ cười.
Đức Tuân
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn