Theo các bô lão ở làng mộc Kim Bồng, làng mộc Kim Bồng nằm bên bờ sông Thu Bồn, là một trong những làng nghề truyền thống của Hội An. Nghề mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỷ 15 bởi những người tài hoa từ đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh vào khai khẩn vùng đất Kim Bồng.
Đến cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng với ba nhóm nghề: mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, mộc dân dụng và nghề đóng sửa tàu thuyền.
Làng mộc Kim Bồng rất nổi tiếng vì hầu như các kiến trúc cổ kính của Hội An đều do bàn tay tài hoa của ông cha dựng nên từ những ngày vàng son của thương cảng mậu dịch quốc tế Hội An. Thợ mộc Kim Bồng tự hào được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, triều đình nhà Nguyễn mời ra Kinh đô để xây dựng các công trình;…
Trong các hoạt động của Ngày hội, làng được sự giúp đỡ, chỉ đạo của lãnh đạo TP Hội An và UBND xã Cẩm Kim để tổ chức các hoạt động truyền thống, những nét đẹp văn hóa của nghề Mộc gắn với các hoạt động sinh hoạt đời sống thường ngày mà nhiều thế hệ người dân làng Kim Bồng gìn giữ. Đặc biệt, thiêng liêng và được mỗi người dân làng Kim Bồng tôn kính, coi trọng nhất là Lễ cúng tổ nghề Mộc diễn ra từ sáng sớm ngày 12 tháng Giêng tại đình Tiền Hiền của Làng.
Sau lễ cúng tổ, bà con trong làng sẽ tiến về Trung tâm trưng bày làng nghề Kim Bồng để cùng nhau tham gia các hoạt động hội như: Hội đua thuyền, các trò chơi dân gian như: hát bài chòi, tham quan trình diễn và trưng bày các sản phẩm của làng nghề, thưởng thức các món ăn truyền thống của địa phương;…
Anh Nguyễn Chữ, ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tôi thấy Ngày hội giỗ Tổ làng nghề mộc Kim Bồng rất có ý nghĩa. Đây là dịp để nhớ ơn các bậc tiền nhân có công lập làng, truyền dạy nghề, đồng thời cầu mong làng nghề ngày càng phát đạt. Đồng thời cũng là dịp quảng bá hình ảnh nghề mộc Kim Bồng với du khách gần xa. Tại Ngày hội, tôi có thể ngắm nhìn các nghệ nhân đục các gốc cây để tạo lên các hình vật, cây cối rất đẹp mắt”.
Nghệ nhân Huỳnh Sướng, ở xã Cẩm Kim chia sẻ, mỗi tháng làng mộc Kim Bồng thu hút nhiều du khách đến tham quan, du lịch. Hiện làng đã đào tạo cho nhiều thanh niên có chí hướng theo nghề và đây là lực lượng nòng cốt sẽ góp phần duy trì làng nghề trong tương lai. Sản phẩm của làng mộc đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia, đưa sản phẩm làng vươn xa.
Ông Huỳnh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết, năm qua, mộc Kim Bồng nhìn chung hoạt động khá ổn định, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao và đa dạng về mẫu mã. Ngoài ra, số lượng du khách đến với làng mộc Kim Bồng ngày càng tăng. Thu nhập bình quân của người thợ được đảm bảo, giải quyết nhiều công ăn việc làm. Đặc biệt, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng quan tâm bảo tồn, phát triển và gìn giữ được nghề truyền thống này. Hiện nay có khoảng 100 người dân ở địa phương làm nghề mộc.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn