Nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật độc đáo được tổ chức, không chỉ thể hiện niềm tự hào mà còn làm sâu sắc hơn tính cố kết cộng đồng của cư dân phố Hội.
Tự hào di sản quốc gia
Những ngày qua, ông Triệu Quốc Hưng - Trưởng ban Trị sự Hội quán Triều Châu bận rộn hơn với công việc chuẩn bị cho Tết Nguyên tiêu. Mọi việc được sắp xếp chu đáo, sẵn sàng đón tiếp người dân, du khách ghé thăm.
Dự kiến trong 2 ngày 15 và 16 tháng Giêng, Hội quán Triều Châu sẽ tiến hành cúng chay, đón tiếp người dân đến viếng hương. Ngày 16, các món mặn sẽ được dọn để cúng tế.
Một số hoạt động văn hóa, tâm linh cũng được tổ chức, từ văn nghệ, múa lân đến xổ số đầu năm… Ông Triệu Quốc Hưng nói, điều này nhằm mang đến niềm vui hội ngộ cho cộng đồng người Hoa và du khách thập phương.
“Tết Nguyên tiêu cũng chính là hoạt động gặp mặt đầu năm của cộng đồng người Hoa ở Hội An và các tỉnh thành lân cận như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi… nên bà con rất mong đợi, háo hức.
Càng vui hơn vì năm nay kỷ niệm một năm được công nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên ai cũng tự hào, phấn khởi”, ông Hưng chia sẻ.
Tại Hội An, Tết Nguyên tiêu không chỉ tổ chức tại các hội quán, chùa chiền. Hầu như gia đình nào cũng cúng lễ, cầu mong điều phước thiện, mưa thuận gió hòa, an lành, may mắn đến với gia đình.
Đồng thời Tết Nguyên tiêu cũng chính là ngày rằm đầu tiên của năm, do vậy, người dân mong sẽ bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với chư vị thần, Phật, tổ tiên...
Nguyên tiêu năm nay với Hội An khá đặc biệt khi lễ hội này được định danh di sản, bên cạnh danh hiệu Thành phố sáng tạo của UNESCO. Các hoạt động vì thế mang tính quy mô, đa dạng hơn.
Ngoài đêm thơ, các lễ cúng, tống Long Chu, giỗ tiền hiền tại các hội quán Quảng Triệu, Triều Châu, Phúc Kiến theo lệ truyền thống, Hội An cũng chủ trương mở cửa cho khách dâng hương tại chùa Ông, chùa Bà, đình Sơn Phong, Tụy Tiên đường Minh Hương, đình Hội An... Cạnh đó, hoạt động múa lân, múa thiên cẩu, diễu hành trong các tuyến đường phố cổ tiếp tục là điểm nhấn dịp này.
Điểm đến tâm linh
Tết Nguyên tiêu phát triển từ ngày cúng tế cầu an, tế tự, trở thành sự kiện lễ hội của phố cổ.
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, đặc trưng Nguyên tiêu ở Hội An chính là những tập tục, nghi thức tín ngưỡng của cộng đồng trong việc cúng tế các vị thần linh, tiền hiền được thờ tự tại di tích tín ngưỡng. Chính những nơi này, người dân, du khách bày tỏ sự ngưỡng vọng, ước mong về những điều may mắn, bình an.
“Khác với nhiều nơi, Tết Nguyên tiêu ở Hội An diễn ra trong một không gian rộng lớn với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, nhất là trong khu vực phố cổ nên thu hút rất nhiều người dân, du khách”, ông Ngọc phân tích.
Nhiều năm liền, Tết Nguyên tiêu Hội An trở thành sự kiện nổi tiếng, thu hút đông đảo người dân, du khách, nhất là cộng đồng người Hoa từ nhiều địa phương trong nước tìm đến lưu trú, chờ đợi thời khắc khai lễ.
Nhiều du khách từ Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, nhất là những người buôn bán cũng đã đến Hội An từ đêm trước rằm để tham quan, dạo phố cổ và chuẩn bị cho buổi lễ cầu tài, xin lộc đầu năm vào sáng sớm hôm sau.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An cho biết, Tết Nguyên tiêu thường là thời điểm “bùng nổ” khách tham quan, nhất là khu vực phố cổ. Năm nay, Hội An chuẩn bị khá chu đáo đối với lễ hội này.
“Chúng tôi mong du khách ngoài việc bày tỏ tín ngưỡng sẽ được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc cũng như chiêm ngưỡng ánh đèn lồng lung linh, huyền ảo vào ban đêm được giăng mắc trên các cung đường...” - bà Cẩm chia sẻ
baoquangnam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn