//

Mở cửa thị trường du lịch quốc tế

Thứ bảy - 12/05/2012 08:04

Việc hỗ trợ và cam kết quảng bá các di sản thế giới miền Trung trên các chuyến bay của Hãng Hàng không Asiana (Hàn Quốc) sẽ góp thêm cơ hội cho Quảng Nam mở cửa vào thị trường du lịch thế giới…

alt
 

Cơ hội thực sự mở ra hôm 8.5 tại Hội An, khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả chính thức công bố khởi động dự án “Quảng bá di sản thế giới miền Trung” do Hãng Hàng không 

Asiana tài trợ. Một bản ghi nhớ giữa Asiana Airlines và Quảng Nam đã được ký kết, để du lịch Quảng Nam có thêm điều kiện thâm nhập thị trường du lịch thế giới. 

Nhìn lại 15 năm qua, kể từ khi có tên và trở thành một trong những điểm đến “hấp dẫn” trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế, hình ảnh Quảng Nam đã thay đổi đáng kể. Không thể phủ nhận nỗ lực của chính quyền, cơ quan chủ quản và doanh nghiệp đã góp sức đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện văn hóa du lịch tại địa phương, vùng miền và cả nước ngoài. Tất cả đã mang lại sinh khí mới cho du lịch Quảng Nam. Mức tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 30-35%, công suất buồng phòng trên 55% và tổng lượng khách năm 2011 đạt hơn 2,53 triệu lượt khách (51% quốc tế và 49% nội địa), 110 khách sạn hoạt động với gần 4.500 phòng, doanh thu du lịch đạt 1.070 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch đạt hơn 2.500 tỷ đồng… Những con số ấn tượng này đã khẳng định sự thành công trong “cuộc chạy đua đường trường” xúc tiến quảng bá du lịch đầy màu sắc của Quảng Nam. 

Tuy nhiên, chính quyền, ngành du lịch cũng thừa nhận là vẫn còn quá nhiều hạn chế trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Mấy năm qua, không có các đợt khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thị trường du lịch Quảng Nam một cách quy mô và chuyên nghiệp mà chỉ bó hẹp trong các hoạt động nhỏ lẻ như đánh giá cơ cấu khách. “Cái gì” tại Quảng Nam hấp dẫn du khách vẫn chưa tìm ra, chưa định hình. Làn sóng xúc tiến du lịch dù phần nào đã được xã hội hóa với sự góp sức của doanh nghiệp và giới truyền thông, song vẫn phát triển khá tùy hứng nên chưa tạo ra chiến lược quảng bá và mở rộng trên khắp hành tinh. Các sự kiện APEC, Hoa hậu hoàn vũ, Hoa hậu trái đất, Hoa hậu Việt Nam hay Hợp xướng quốc tế mới đây tại Hội An vẫn chỉ mới là “chất xúc tác”. Các sự kiện văn hóa, du lịch lớn như “Hành trình di sản”, “Cảm xúc mùa hè”; các đợt xúc tiến ra thị trường nước ngoài, đón các đoàn famtrip, presstrip; xây dựng các loại sản phẩm quảng bá du lịch (ấn phẩm, phim, ảnh, sản phẩm lưu niệm và nhiều sản phẩm du lịch đặc hiệu)… vẫn cứ “bổn cũ soạn lại”. 

alt
Khởi động dự án quảng bá di sản hôm 8.5. Ảnh: M.HẢI

Thiếu tiền và thiếu cả sự “đổi mới, sáng tạo” nên dù muốn nhưng quảng bá du lịch vẫn chưa thể tạo thêm cái nhìn gì mới mẻ cho du khách. Rốt cuộc, khách đến Quảng Nam vẫn là thị trường truyền thống (Úc, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật, Anh Quốc…). Ngay cả khi đường bay Inchon/ Đà Nẵng được mở và giới lữ hành cùng cơ quan chủ quản du lịch Quảng Nam lên kế hoạch quảng bá vào thị trường này nhưng thiếu tài chính nên đành phải chờ đợi... Vì thế, chẳng có gì lạ, khi Asiana cam kết mở rộng các phiên bản tiếng Anh, Hàn các ấn phẩm, thông tin quảng bá di sản miền Trung và cam kết sẽ quảng bá miễn phí về các điểm di sản thế giới tại miền Trung trên các chuyến bay quốc tế của hãng này đã khiến giới kinh doanh du lịch Quảng Nam nuôi hy vọng mở đường vào thị trường du lịch thế giới. Ít nhất thì khách Hàn Quốc sẽ gia tăng trong thời gian tới, không dừng ở con số “phập phù” tăng giảm mỗi năm chỉ hơn 4.500 lượt khách như hiện nay, và có thể vượt thứ hạng thấp (vị thứ 20) lên vào tốp 10 khách quốc tế tới Quảng Nam.

Ông Yoon Youngdoo, Giám đốc Hãng Hàng không Asiana cho biết, Asiana đã nâng số chuyến bay Inchon/ Đà Nẵng từ 2 chuyến lên 3 chuyến/tuần. Kế hoạch hỗ trợ phát triển công cụ phục vụ du lịch thông qua việc phát hành các ấn phẩm quảng bá và tờ rơi du lịch, nâng cấp các điểm bán vé và hướng dẫn tham quan và quảng bá cho di sản miền Trung sẽ là điều kiện để Asiana và di sản sẽ cùng hưởng lợi. Khách Hàn sẽ biết tới Hội An nhiều hơn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả nói, hình ảnh di sản đầy hấp dẫn của miền Trung sẽ được giới thiệu một cách rộng rãi với du khách quốc tế. Những thông tin chất lượng về giá trị di sản, các đặc trưng văn hóa truyền thống và cả cộng đồng sinh sống trong và xung quanh khu vực di sản, không chỉ góp phần tăng lượt khách mà còn là công cụ hữu hiệu gắn kết du khách với cộng đồng địa phương. 

Thúc đẩy phát triển du lịch tại 3 điểm di sản
“Lý do để chúng tôi cùng Ủy ban Quốc gia UNESCO Hàn Quốc và Asiana Airlines lựa chọn các di sản thế giới tại Quảng Nam, Huế để triển khai dự án hỗ trợ quảng bá du lịch di sản không chỉ bởi tiềm năng du lịch to lớn trong vùng mà còn là sự cam kết mạnh mẽ nhằm đạt được sự phát triển bền vững của phía các nhà quản lý địa phương. Dự án“Quảng bá các di sản thế giới khu vực miền Trung” có thể coi như một phần trong quá trình cụ thể hóa các kế hoạch và chiến lược phát triển du lịch bền vững tại các di sản thế giới ở khu vực duyên hải miền Trung mà UNESCO đã hỗ trợ trong thời gian qua. Dự án này sẽ thúc đẩy sự phát triển du lịch tại 3 điểm di sản (Hội An, Mỹ Sơn, Huế) thông qua việc quảng bá rộng rãi hình ảnh về di sản. Đồng thời cũng sẽ góp phần bảo đảm tính bền vững của di sản thông qua việc tăng cường chất lượng thông tin, nâng cao nhận thức du khách về du lịch trách nhiệm và tăng cường mối liên kết giữa 3 di sản thế giới”. (TS. DƯƠNG BÍCH HẠNH, Quyền Trưởng đại diện UNESCO Hà Nội)

Cùng giữ gìn di sản của nhân loại
“Những di sản thế giới của Hội An, Mỹ Sơn, Huế là tài sản văn hóa lớn nhất của Việt Nam, và cũng là tài sản quan trọng của nhân loại. Dự án hỗ trợ lần này không phải Hàn Quốc hỗ trợ cho di sản thế giới của Việt Nam, mà là Hàn Quốc và Việt Nam cùng giữ gìn di sản của nhân loại vì những thế hệ sau. Dự án hợp tác đặt trọng tâm vào các giá trị văn hóa của Việt Nam như thế này sẽ trở thành mô hình tiêu biểu cho sự nỗ lực vì sự phát triển tiềm năng, bền vững của Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương”. (TS. TAECKSOO CHUN, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Hàn Quốc)

Phát huy giá trị di sản
“Kể từ khi được UNESCO công nhận, những di sản này đã phát huy giá trị, mang lại hiệu quả to lớn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, trở thành các điểm du lịch trọng điểm, mang lại nguồn thu nhập quan trọng. Đồng thời, góp phần cho việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cộng đồng cư dân địa phương, góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên toàn thế giới. Việc Hãng Hàng không Asiana cam kết quảng bá hình ảnh những di sản thế giới nổi tiếng này trên các chuyến bay của hãng không chỉ giới thiệu với du khách quốc tế về những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống lâu đời của miền Trung Việt Nam, mà còn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc”. (PGS-TS. NGUYỄN QUỐC HÙNG, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL)
 

Tác giả bài viết: NAM KHA

Nguồn tin: www.zing.vn


 

 Từ khóa: hội an, hàn quốc, du lịch
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật