//

Bí quyết “giữ mình” của thành phố di sản

Thứ hai - 07/05/2012 13:43

Những ngày nghỉ lễ cũng qua đi với nhiều dư âm không hay về các khu du lịch tràn lan. Trong khi đó, Hội An vẫn là điểm đến hấp dẫn. Có một bí quyết về việc giữ sự thăng bằng quý giá giữa những điều khác biệt tưởng như nghịch lý.

Có người đoán, bí quyết là Hội An nằm ở điểm giữa đất nước nên có nhiều vị thế cân bằng, không ồn ào và cũng không thâm trầm, ngôn ngữ các vùng miền sử dụng thoải mái, người Hội An vừa rộng rãi vừa lo toan, không căn cơ mà cũng không hoang toàng…

Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự kể một câu chuyện hóa giải nhiều thắc mắc, phán đoán của mọi người nhân dịp được trao giải tưởng Văn hóa Phan Chu Trinh. Đây là một giải thưởng văn hóa danh giá được trao tặng cho người có đóng góp giá trị cho sự nghiệp phục hưng một đô thị bị quên lãng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam.
 
Xóm chài An Bang trên sông Cô Cò, Hội An.

Ông Sự nói về bí quyết nấu món chè đậu ván đặc biệt, vừa giữ nguyên vẹn hình dáng hạt đậu nhưng lại mềm tan trong miệng một hương vị tinh tế, đặc sản miền Trung. Bí quyết là sự kết hợp tài hoa giữ 2 loại đường dùng để nấu chè – một loại “hạ cấp”, rẻ tiền nhất và một loại thượng hạng, tinh túy. Hình ảnh món chè kết tinh, dung hợp hai loại đường đối ngược thể hiện khái quát, hình tượng cho sự cân bằng những sự khác biệt để tạo nên sự mới mẻ quyến rũ của Hội An - nơi hội tụ an lành.

Ông Sự chia sẻ: “Bản lĩnh chủ yếu của Hội An là vậy. Điều đó đã giúp thành phố trải qua bao trầm luân và thách thức, cả những thách thức gay gắt, giữa những hỗn hào của kinh tế thị trường hôm nay để Hội An vừa đi được cùng thiên hạ, không đến mức ở những hàng sau và vẫn bình tĩnh là mình trong biến đổi không ngừng”.

Đó là bản lĩnh kết hợp được một cách nhẹ nhàng như không những đối lập gay gắt nhất, cực đoan nhất, để làm ra cái kỳ diệu bình thường hay cái bình thường kỳ diệu, giống như sự kết hợp tuyệt đối và tuyệt vời giữa loại đường tối hạ cấp với đường tối cao cấp để tạo nên món chè đậu ván lạ lùng vừa bình dân vừa quý phái.

“… Hội An là vậy. Nét văn hóa non nửa thiên niên kỷ nay cư dân Hội An đã kiên trì và tinh tế tạo được cho mình là vậy - bình dân mà quý phái, quý phái mà bình dân, giản dị mà sang, sang trong giản dị” – ông Sự không giấu vẻ tự hào.
 
Chợ cá bến Bạch Đằng nhộn nhịp lúc sáng sớm.

Theo số liệu thống kê, Hội An có 125.000 dân, năm 2011 đón 1,5 triệu du khách (gần 50% là khách quốc tế).Với một không gian nông nghiệp đủ lớn bao bọc, nghề nuôi cá, gia cầm đảm bảo thực phẩm tươi ngon cho hàng trăm ngàn cư dân và du khách mỗi ngày. Không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu nội tại, hàng ngày có cả chục chuyến xe chở thực phẩm từ thành phố cung cấp cho những vùng chung quanh. Những chợ rau, chợ cá Hội An tấp nập mỗi sáng cũng cho thấy Hội An là một đô thị có vành đai thực phẩm tự cung tự cấp, với một dư lượng lớn hữu cơ an toàn được hấp thụ qua chu kỳ trồng trọt và chăn nuôi.

Hội An đang ở trạng thái cân bằng sinh học – một không gian ở tự chủ về sinh thái. Sự cân bằng mong manh ấy đang đặt Hội An đứng trước vạch ranh giới: thành phố sẽ tiến lên phía trước với sự cân bằng bền vững, có phẩm giá hay tự biến mình thành một vùng đất “bội thực” BĐS nhưng ô nhiễm lan tràn, lòe loẹt mà trống rỗng. Liệu Hội An có bảo tồn đủ không gian chuyển hóa để không phải đẩy chất thải sang địa phương khác/ không nhận chất thải từ nơi khác đổ về hoặc không phát sinh ra nhiều chất thải hơn nữa. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn, quyết tâm của những nhà quản lý và những cư dân thành phố.

Hội An có sự cân bằng tương đối giữa những khu  dân cư đông  đúc, nén chặt và những khoảng không quý giá giữa lòng đô thị. Có những lối ngõ nhỏ chỉ cách vài bước chân là thấy được cả một cánh đồng thơm ngát lúa vàng phía sau. Để giữ được  sự cân bằng mong manh ấy  quả không đơn giản.
 
Ruộng ngập nước Thanh Hà ngay bên hông thành phố.

Bí thư Thành ủy cho biết, không ít nhà đầu tư đặt vấn đề xây dựng tại đó khách sạn, nhà hàng nhưng Hội An đã từ chối, quyết giữ lại không gian đó giữ lại để sau này có điều kiện làm sân chơi, vườn hoa. Hiện tại chưa giàu, ông Sự quan niệm giữ nguyên những mảnh vườn, mảnh ao trống để dành cho con cháu sau này.

Chỉ cần đạp xe vài phút là du khách đã ra khỏi đường phố Hội An mà nhìn ra ruộng đồng bao quanh bốn phía, đi ra An Bàng là thấy cánh đồng Tân An, Trà  Quế, ri ra Cửa Đại là cánh đồng Cẩm Châu, Cẩm Thanh, vvề phía Nam là làng xóm Thanh Hà, xuống đò ngang qua sông Hoài là bát ngát vườn cau, ruộng ngô Cẩm Kim.

“Để biến cả cánh đồng thành đô thị chỉ mất vài năm. Nhưng biến đô thị thành đồng ruộng là điều không thể. Có thể Hội An tư duy còn “quê mùa”, chưa có tầm nhìn xa trông rộng như các địa phương khác nên đô thị hóa rất thận trọng và chậm chạp, không vội vàng biến những ruộng lúa, đầm ao, vùng dừa nước bao quanh thành những phố thành nhà thành phố. Chúng tôi thậm chí vẫn tâm niệm làm sao phục hồi những hàng dừa, rừng thông  và cố gắng  hạn chế xây dựng dày đặc ven biển” – một vị lãnh đạo chia sẻ.  
 
Giờ đây đến Hội An, du khách không chỉ bó hẹp trong phạm vi 1km2 phố cổ mà là cả 65km2 toàn thành phố. Hội An đang được khám phá bởi sự cân bằng mặt đất - mặt nước. Bên cạnh đô thị mật độ dày đặc là không gian thoáng đãng của nông thôn ven đô, những thảm cây xanh trên mặt đất khô ráo và hệ thực vật đa dạng vùng hồ đầm bán ngập nước. Hội An nổi lên trên mặt nước sông Hoài và các nhánh uốn lượn ẩn hiện giữa những khu phố, xóm làng…

Tác giả bài viết: KTS Trần Huy Ánh


 

 Từ khóa: di san, hội an
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật