//

Hẻm phố, đời người

Thứ năm - 15/01/2015 21:35

Giữa nhịp chảy rất chậm của phố bên dòng sông Hoài, hẻm nhỏ là nơi thời gian và ký ức dường như dừng lại. Cứ thế, ngồn ngộn những tháng năm, những hoài nhớ gom góp trong hẻm nhỏ rêu xanh, mặc cho những tấp nập dưới ánh đèn phố thị ngoài kia.

Vọng tiếng rao đêm

Về Hội An, không lang thang qua những con hẻm nhỏ hun hút sâu dọc ngang giữa phố là đánh mất đi một cơ hội khám phá thú vị cho mình. Hội An hầu như rất ít hẻm cụt, ngoằn ngoèo một chút rồi cũng dẫn ra con đường lớn. Bao biến thiên của lịch sử và văn hóa chừng như đọng lại trong khoảng thâm u của hẻm, để những người trở về tìm lại mảng ký ức xanh rêu nào đó, người mới đến thì góp nhặt những câu chuyện cho mình.

images1119202 trang6A 16

Hẻm phố Hội An. Ảnh: LÊ VẤN - LÊ TRỌNG KHANG

Trong sự trầm mặc đến dung dị, những con hẻm ở Hội An phần lớn chỉ rộng xấp xỉ sải tay người lớn. Lũ trẻ con vẫn hồn nhiên chơi đùa trong không gian của hàng chục thế hệ lớn lên từ hẻm: tạt lon, bắn bi, chọi hình… Hẻm cất giữ tuổi thơ bao thế hệ, để rồi mỗi lần trở lại, chợt thấy bóng mình đâu đó trong tụi nhỏ đang đánh trần nhảy nhót hát hò. Rêu là một thứ “trang sức” rất bình dị của phố Hội. Đi đâu cũng thấy rêu xanh, từ những thành giếng, bậc thềm, đến những bức tường loang chạy dài theo hẻm. Ngày này qua tháng nọ, giữa những thâm u, hẻm cứ bình dị chứng nhân cho cuộc lớn lên của biết bao đứa trẻ, biết bao phận người. Con hẻm đông vui nhất, có lẽ là con hẻm nằm sau lưng Trung tâm Hoa văn lễ nghĩa ở đường Trần Phú. Chiều nào tụi con nít cũng xúm đen xúm đỏ lũ lượt í ới nhau đi học, rồi í ới nhau về, tạt vào sân bóng rổ ngồi xem. Nhưng ám ảnh nhất, vẫn là những tiếng rao vang vào hút sâu của hẻm. Những gánh hến từ bên kia Cẩm Nam theo chân các mẹ, các bà đi đến tận cùng từng con hẻm, rồi những xe đạp chở mắm từ Duy Hải, Duy Nghĩa bên kia sông… Nhất là những tiếng rao đêm. Nằm trong nhà nghe lanh lảnh tiếng rao của gánh hàng rong, những tiếng rao của trăm năm mà không cũ. Tiếng rao như cánh cửa vô hình để trở về với hoài nhớ xưa xa, với hình dung về những thâm trầm lịch sử đã trôi qua hàng thế kỷ.

Ở Hội An cũng có rất nhiều con hẻm ngắn, thẳng tắp vì khoảng cách giữa hai trục đường song song của phố khá gần nhau. Thế nên nhiều nhà có hẳn hai mặt tiền ở hai đường, còn tường nhà trở thành vách hẻm. Ở đó, cất giữ dấu chân của những gánh hàng rong, cất giữ những tảo tần theo tiếng rao vọng giữa vách tường hẹp. Những thăng trầm dâu bể cứ thế dày thêm theo lớp rêu xanh, miệt mài lắng nghe và cất giữ những dấu tích thời gian và biến thiên số phận của bao người phố Hội.

Trầm tích thời gian

Sau cánh cửa nhuốm màu thời gian trong hẻm là cả một thế giới yên bình rất khác. Những quán cà phê nằm trong hẻm là một sự xác tín cho điều đó. Từ hẻm bước vào chỉ một bước chân, nhưng những ồn ào nhộn nhịp đã nằm lại bên ngoài cánh cổng. Lạc Viên, quán cà phê của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, hay Le Fê café của ca sĩ Mỹ Phương nức tiếng Hội An một thời là hai trong số những quán cà phê như thế. Bàn cũ, ghế cũ, những bảng hiệu để tên đường Cường Để ngày xưa, hay khung cửa sổ nhìn ra bức tường rêu là trầm tích thời gian còn được lưu giữ. Đến đó trong một buổi sáng sớm, nhâm nhi ly cà phê, nghe nhạc, nghe cả mùi hương trầm thoang thoảng để tận hưởng khoảnh khắc “sống chậm” cho riêng mình.

Đâu đó trong phố cổ, hẻm vẫn còn lưu giữ những cái tên của một thời quá vãng. Hẻm Sica - nơi chứa kho rượu Sica ngày xưa, hay hẻm Bá Lễ - cũng là tên giếng nước cổ hơn một nghìn năm tuổi, hẻm Nhị Trưng... mang ký ức mà thời gian không thể xóa đi trong lòng người dân phố Hội. Không quá ồn ào tất bật như Sài Gòn, cũng không chật chội hàng quán như Hà Nội, hẻm nhỏ Hội An đổ dồn về phía sông như tấm lòng rộng mở nghĩa tình của những người ở phố. Người qua lại gặp nhau giữa hẻm, chào nhau bằng nụ cười. Những cụ già bắc ghế ngồi trước cửa nhà mình thì cuộc chuyện trò cũng bắt đầu râm ran. Hẻm nhỏ mà thân tình là thế. Thi thoảng, trong xóm có hỷ sự hay tang gia, cả con hẻm cũng theo đó vui buồn. Hẻm nhỏ trở thành chốn trú ngụ cho tâm hồn, người cũng bình yên mặc cho phố ngoài kia vẫn hàng giờ tất bật. Chợt nhớ tới bước chân ông Đường gánh nước, một “di sản sống” trong lòng Hội An, nhớ những bước chân đi mòn những con hẻm phố. Tất tả suốt một ngày, ông lại trở về dưới mái nhà nép mình trong hẻm, sống cuộc sống thầm lặng của chính mình. Những người già như vậy, là một phần hồn, một trầm tích riêng đủ để những người đi xa không thôi hoài nhớ về hẻm nhỏ nơi này.

Hội An không có hẻm, không có những con người trầm lặng, những nếp văn hóa thong dong, sẽ không còn là một Hội An lưu dấu trong lòng muôn người. Tin rằng với bản lĩnh của mình, cư dân phố cổ sẽ giữ Hội An mãi là một phố cổ đương sống, là di sản chứ không là di tích, để Faifo không bao giờ trở thành phế phố…

Tác giả bài viết: SONG ANH - PHƯƠNG GIANG

Nguồn tin: Báo Quảng Nam


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật