//

Những người giữ “phần hồn” cho phố Hội

Chủ nhật - 29/01/2012 19:54

"Đã có sự thay đổi rõ rệt trong “phần hồn” di sản Hội An. Những con người tại đây đã biết trân trọng những giá trị mà cha ông họ để lại và "phần hồn” trong các di sản này đã dần được gìn giữ", ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An chia sẻ.

Hội An không chỉ có “phần xác” là các căn nhà cổ với sự tổng hòa các lối kiến trúc Việt Nam, Trung Quốc hay Nhật Bản mà Hội An còn có “phần hồn” rất quan trọng đó là văn hóa, con người sinh sống trong di sản. Giá trị được khẳng định từ khi các bậc tiền hiền đến Hội An khai phá.
Thay đổi từ trong cách nghĩ
Theo thống kê của Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, toàn TP có 1.360 di tích. Trong đó, khu di sản có gần 1.000 di tích và có đến 80% di tích thuộc sở hữu tư nhân. Thời gian qua, chủ nhân của các di sản chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, bằng cách khai thác tối đa lợi nhuận kinh tế trên “phần xác” các ngôi nhà cổ của phố Hội mà quên đi “phần hồn” trong nó.

Có thời điểm, sự chuyển đổi về mặt công năng của hàng loạt các ngôi nhà cổ trở thành cơ sở kinh doanh, mua bán, thậm chí biến những di sản này thành những căn nhà hiện đại, đầy đủ tiện nghi, làm mất đi kiến trúc nguyên bản của các di tích.

Những người giữ “phần hồn” cho phố Hội

Cuộc sống ổn định, thụ hưởng những giá trị vật chất và tinh thần từ di sản mà cha ông để lại là cách để gìn giữ "phần hồn" của phố cổ Hội An 

Sự tác động dữ dội của khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 đã trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và du lịch tại Hội An.  Chính điều này, đã giúp người Hội An nhận ra rằng: Hội An không chỉ có “phần xác” là các căn nhà cổ với sự tổng hòa các lối kiến trúc Việt Nam, Trung Quốc hay Nhật Bản mà Hội An còn có “phần hồn” rất quan trọng đó là văn hóa, con người sinh sống trong di sản. Giá trị được khẳng định từ khi các bậc tiền hiền đến Hội An khai phá. 
Theo ông Tấn Quốc Hưng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ quản lý di tích, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An: “Trước đây, đã có làn sóng bán nhà cổ Hội An cho những người có tiền từ nơi khác đến mua, hay cho thuê lại mặt bằng các ngôi nhà cổ này để kinh doanh…khiến các căn nhà cổ bị méo mó, biến dạng. Chỉ tính riêng trong hai năm từ 2009-2010 đã có hơn 20 căn nhà bị bán, thay đổi chủ. Số khác thì đổi chủ kinh doanh khai thác. Trong khi đó, từ cuối năm 2010 đến nay, hiện tượng này không còn nữa. Mấy năm gần đây, công tác bảo tồn, quản lý di tích có nhiều chuyển biến tích cực, xuất phát từ sự thay đổi trong nếp nghĩ của người Hội An”.

Những người giữ “phần hồn” cho phố Hội

Du khách đến với Hội An không phải chỉ vì “phần xác” là những căn nhà hàng trăm năm tuổi mà còn là văn hóa, con người -“phần hồn” của phố Hội.

Tiếp sức cho sự thay đổi suy nghĩ này là tiến trình vận động của chính quyền địa phương suốt thời gian dài khiến người dân hiểu được giá trị cốt lõi của Hội An và được người dân phố cổ đồng lòng hưởng ứng. 

Cụ Hứa Thị Ngọc Yến (92 tuổi), chủ nhân ngôi nhà 105 Trần Phú (TP Hội An) được cha ông để lại, đang cùng sống với bốn đời con cháu nói: “Trước đây có sửa chữa, nhưng làm chắp vá, cốt sao khỏi dột, khỏi mưa, nhà khỏi sập mà thôi. Nhưng từ khi TP Hội An có chính sách trùng tu mới, toàn bộ căn nhà đã được trở lại đúng hình hài nguyên trạng mà ông cha để lại. Tui mừng lắm, giờ có nhắm mắt cũng yên lòng”.
Gìn giữ “phần hồn” là gìn giữ di sản Phố Hội!
Để giữ được phần hồn của phố Hội, TP Hội An đã áp dụng nhiều chính sách. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, tìm kiếm phương án tu bổ, trùng tu di tích đến các chính sách tài chính sao cho Hội An giữ nguyên vẹn giá trị di sản.
 

Những người giữ “phần hồn” cho phố Hội

Trùng tu theo đúng nguyên bản nhà cổ, TP Hội An đang nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa thế giới cho đời sau 

Chính sách hỗ trợ tài chính từ 75% và lên 100% với lãi suất 0%, dành cho việc tu bổ các căn nhà cổ nơi đây đã góp phần giữ “phần hồn” Hội An ở lại. Một loạt các ngôi nhà như 105 Trần Phú, 14 Nguyễn Thái Học, 124-126 Bạch Đằng…đã được tu bổ, trùng tu theo đúng hiện trạng ban đầu đã mang lại lợi ích to lớn cho người dân sinh sống tại đây.

Anh Trịnh Quang Vinh, cháu đời thứ 6 sinh sống trong ngôi nhà 105 Trần Phú vừa trùng tu chưa ráo sơn cho biết : “Làm nghề lồng đèn đã lâu, nay nhà sửa lại, khang trang hơn, chắc chắn hơn và đẹp hơn nên công việc kinh doanh rất ổn định. Qua việc này, con cháu càng ý thức hơn việc gìn giữ giá trị di sản mà cha ông để lại. Đó không chỉ là chuyện buôn bán, làm lồng đèn…mà là chúng tôi được sống sung túc trong chính ngôi nhà mà tổ tiên để lại”.

Theo thống kê của Trung tâm, hiện Hội An có 56 ngôi nhà (tăng 4 so với năm 2009) không sửa chữa được, do các di tích này thuộc sở hữu của các gia đình thuộc diện khó khăn hoặc một căn nhà có nhiều chủ sở hữu, số còn lại do chủ sở hữu không có tại địa phương nên công tác sửa chữa, trùng tu gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm cho biết : “Để giữ được di sản, từ năm 2011, chúng tôi đã xây dựng và áp dụng đề án hỗ trợ 100% kinh phí theo diện vay không lãi cho các chủ di tích trong vòng 5 năm để bảo tồn. Chính vì vậy, hai năm trở lại đây, hiện tượng đổi chủ di sản  không còn. Và ý thức bảo vệ di sản đã đi vào trong tâm thức người dân”.
 

Những người giữ “phần hồn” cho phố Hội

Cụ Hứa Thị Ngọc Yến (92 tuổi), chủ nhân ngôi nhà 105 Trần Phú (TP Hội An) được cha ông để lại, vui mừng khi di sản được trùng tu nguyên trạng

>Tuy nhiên, việc trùng tu, sửa chữa di tích gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm vật liệu phù hợp với nguyên bản của nhà cổ Hội An, đẩy các nhà cổ đứng trước nguy cơ biến dạng di tích. Đó là nguồn gỗ nguyên liệu làm nhà cổ Hội An, chủng loại gạch và ngói đặc trưng cho từng nếp nhà được sản xuất tại làng gốm Thanh Hà bị hạn chế sản xuất ở quy mô công nghiệp, hay vật liệu kết dính bằng vôi san hô-mật mía và nhựa lưỡi long-bời lời…dẫn đến việc phải sử dụng các vật liệu thay thế khác đã làm sai lệch với nguyên bản gây biến dạng cho các di tích. Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: “Trong thời gian tới, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền đến người dân, khảo sát, lập hồ sơ chống đỡ cho các di tích về mặt vật thể, chúng tôi sẽ tiến hành thống kê, nhận diện giá trị văn hóa phi vật thể trong các di tích ở Hội An. Song song đó là thực hiện chính sách hỗ trợ 100% vốn tu bổ đối với 56 di tích trong diện tu bổ khẩn cấp với cam kết gìn giữ di sản. Ngoài ra, Hội An sẽ phối hợp xây dựng mạng lưới cộng tác viên là các tổ trưởng dân phố, thôn xóm… gắn nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ bảo tồn các giá trị di sản. Biến người dân từ khách thể thành chủ thể, giúp người Hội An tự hào khi sống và kinh doanh từ tài sản cha ông đã để lại. Như vậy, Hội An mới giữ được cả phần vật thể và phi vật thể.Đã có sự thay đổi rõ rệt trong "phần hồn" di sản Hội An, những con người tại đây đã biết trân trọng những giá trị mà cha ông họ đã để lại. Chính vì vậy, với những nỗ lực không ngừng của không chỉ chính quyền, "phần hồn" trong các di sản này dần được gìn giữ".

Tác giả bài viết: Bửu Lân

Nguồn tin: ĐCSVN


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật