Tại Hội An, vùng đất luôn coi trọng các giá trị văn hoá truyền thống trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì thế, Hội tết Trung thu vẫn được duy trì, tổ chức hàng năm với mục đích giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống, tạo thêm các hoạt động du lịch phong phú, mang lại những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách. Bên cạnh đó, Hội tết Trung thu còn đem lại sự hiểu biết về nguồn cội, để các em thiếu nhi càng tăng thêm tình yêu quê hương, đất nước.
Hội tết Trung thu Nhâm Dần năm 2022, Hội An tổ chức sự kiện "Đêm hội trăng rằm" vào lúc 18 giờ ngày 10/9/2022 nhằm ngày 15 âm lịch, vào độ trăng đẹp nhất, tại Vườn tượng An Hội và Khu phố cổ Hội An. Sự kiện diễn ra với các hoạt động sôi nổi như “Biểu diễn lân-sư-rồng”, “Em vui rước đèn” và “Trao quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn”.
Trăng tròn là lúc ánh trăng đẹp nhất và tết Trung thu lại gắn với mặt trăng, gắn với sự tròn trịa, viên mãn. Ngày xưa, thời gian rằm tháng 8 cũng là lúc đã xong mùa cấy gặt, khi này các gia đình có thời gian thảnh thơi, sum vầy bên nhau. Khắp các thôn xóm, nhà nhà tụ họp trong ánh trăng sáng để nhâm nhi chén trà, cùng nhau chuyện trò, xem các em nhỏ múa lân....Với ý nghĩa vẹn toàn như vậy, "Đêm hội trăng rằm" mong muốn mang đến một mùa Trung thu sum vầy, ý nghĩa cho tất cả nhân dân, quý du khách, đặc biệt là các em thiếu nhi và cầu mong sự phát triển, bình an cho xã hội.
Trong dịp này, Đêm phố cổ 14 âm lịch- một sản phẩm du lịch đã trở thành thương hiệu của Hội An được diễn ra từ 18g30-21g30 vào ngày 09/9 tại Khu phố cổ.Trong thế giới cổ tích của đêm phố cổ, ngoài các hoạt động thường trực như mọi khi, phố còn được tô sáng và rộn ràng bởi hình ảnh các đoàn múa lân, múa thiên cẩu cùng tiếng trống, tiếng xập xõa vang vọng không gian.
Hoạt động "Mâm cỗ thưởng trăng" cùng với cụm trang trí Trung thu từ ngày 08 –10/9/2022 (nhằm ngày 13 -15/8 âm lịch), tại số 106 Bạch Đằng, tái hiện lại nét xưa phố Hội, vùng đất có đời sống văn hóa tinh thần phong phú.
Hội tết Trung thu còn có các hoạt động khác diễn ra tại Khu vực Vườn tượng An Hội: Trình diễn làm đầu lân, mặt nạ ông Địa, trò chơi thiếu nhi, hát dân ca, đồng dao...góp phần mang lại mùa trung thu ý nghĩa, trọn vẹn cho các em thiếu nhi, nhân dân và quý du khách.
Tết Trung thu có lịch sử lâu đời trong văn hóa Việt Nam và mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Đây là thời gian của sum vầy, vui vẻ, cầu mong sự thịnh vượng, phát triển của xã hội. Và sau này, Tết trung thu còn gắn với các em thiếu nhi- thế hệ tương lai của đất nước, là dịp quay về nguồn cội, các giá trị văn hóa từ ngàn xưa nên càng mang ý nghĩa đặc biệt mỗi khi tổ chức. Chính vì vậy, Hội tết Trung thu cần được duy trì, sáng tạo, đổi mới để phát huy hàng năm.
Hoàng Hoa