//

Nhộn nhịp điểm đến Hội An

Thứ tư - 12/04/2017 15:34

Hàng loạt khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng đã được khánh thành đưa vào hoạt động trong vài tháng trở lại đây, góp phần mang tới sự đa dạng cho du lịch Quảng Nam trong mắt du khách gần xa.

Nhiều sự lựa chọn

Chỉ trong tháng 3 vừa qua, Hội An có không dưới 5 khách sạn hoặc điểm du lịch mới đã mở cửa đón khách. Khu du lịch Xứ Dừa (Cẩm Thanh) là mô hình của du lịch sinh thái, trải nghiệm cuộc sống sông nước thôn quê qua những ngôi nhà sàn tre dựng quanh hồ; tham gia các trò chơi dân gian như chèo thuyền, thúng len lỏi trên những kênh rạch quanh làng, cảm nhận những độc đáo, thú vị giữa hoang sơ đất trời… Còn KOI Resort&Spa là một khu nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp được thiết kế, xây dựng lấy cảm hứng từ nét đẹp quyến rũ và cổ kính của một di sản văn hóa vượt thời gian, trong đó kiến trúc chủ đạo là sự kết hợp giữa không gian xanh tự nhiên đầy lãng mạn và nét tinh tế, tài hoa của con người.

images1340475 nhon nhip 4
Việc các khu nghỉ dưỡng ra đời trong thời gian gần đây đã tạo nhiều sự lựa chọn cho du khách khi đến tham quan Hội An. Ảnh: K.L

KOI Resort&Spa với 186 phòng ngủ cao cấp; 3 nhà hàng và bar, spa cafe, khu hội nghị với sức chứa hơn 1.200 khách, riêng khu hội nghị hơn 500 chỗ ngồi đã thể hiện được quy mô và đẳng cấp vượt trội so với những khu nghỉ dưỡng đang hiện diện trên địa bàn. Ngoài ra, còn có khu du lịch Vạn Dừa (Cẩm Thanh) được khai trương trước đó hay khách sạn Pearl River, dự án khu phức hợp du lịch Vinpearl (Thăng Bình) phía nam cầu Cửa Đại vừa khởi công trên diện tích 200ha, vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2019, hứa hẹn tạo sức hút mới cho du khách khi tham quan du lịch Quảng Nam.

Theo thống kê từ Sở VH-TT&DL, tính đến đầu 4.2017, cả tỉnh có khoảng 9.000 phòng lưu trú, chủ yếu tập trung tại Hội An. Trong đó, khách sạn 4 - 5 hơn 3.000 phòng (34%), khách sạn 1 - 3 sao hơn 2.320 phòng (30%); biệt thự du lịch 782 phòng; homestay 868 phòng (chiếm lần lượt 9% và 10%) và gần 1.500 phòng thuộc các loại hình lưu trú khác (17%). Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc sở VH-TT&DL, dù số lượng cơ sở lưu trú gia tăng nhưng nhìn chung tốc độ phát triển vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng khách. Tuy nhiên, không ít chuyên gia du lịch cho rằng, việc gia tăng số lượng cơ sở lưu trú bên cạnh mặt tích cực cũng sẽ dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt về giá gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ́.

Cuộc đua giảm giá

Tuy tốc độ tăng trưởng cao nhưng so với Đà Nẵng số phòng lưu trú của Hội An (rộng hơn là Quảng Nam) vẫn khá thấp (chiếm khoảng 42% so với con số 21.324 phòng của Đà Nẵng). Dù vậy, hiện có một cuộc chạy đua về giá giữa các khách sạn, nhất là trong những giai đoạn thấp điểm của năm. Theo dõi trên các trang mạng đặt phòng trực tuyến dễ dàng nhận thấy không ít khách sạn niêm yết giảm giá phòng 20 - 45%, thậm chí có nơi giảm giá 60 - 65%, chủ yếu tập trung vào những khách sạn 3 - 4 sao. Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng (Hội An) cho rằng, nếu làm phép so sánh với 10 năm trước, du lịch Quảng Nam đang chậm lại, nhất là hiệu quả ở mảng kinh doanh lưu trú do sức ép cạnh tranh ngày càng cao trong nội tại địa phương và cạnh tranh với bên ngoài, cụ thể là Đà Nẵng, nên để tồn tại không ít khách sạn phải hạ giá đón khách. Tuy nhiên, theo bà Hứa Thị Anh - Tổng Giám đốc khách sạn Phú Thịnh (Hội An), việc giảm giá các cơ sở lưu trú phần lớn tập trung vào khách sạn dưới 3 sao nhằm cạnh tranh với homestay và biệt thự du lịch. Riêng những khách sạn mới ra đời, việc giảm giá còn là cách tạo sự chú ý qua đó xây dựng, quảng bá thương hiệu. Bà Anh cũng cho rằng, không ít khách sạn giảm giá theo kiểu giảm mà không giảm, tức là nâng lên cao sau đó hạ xuống giá tương đối, xem như không giảm giá bao nhiêu nên mức giá giảm thực tế chỉ khoảng từ 15 - 20%, với những khách sạn mới tỷ lệ này chỉ từ 30 - 35%.

Không chỉ các cơ sở lưu trú giảm giá, cuộc đua hạ giá cũng xảy ra ở các khu du lịch. Tại rừng dừa Cẩm Thanh, việc xuất hiện nhiều khu du lịch thời gian gần đây cũng khiến giá bán tour xuống thấp, khoảng 250 - 350 nghìn đồng một tour khép kín trong thời gian một ngày, bao gồm vui chơi, ăn trưa và tham quan rừng dừa bằng thúng rái. Tất nhiên, tiền nào của nấy, chất lượng bữa ăn cũng không thể đòi hỏi cao hơn. Theo ông Lê Ngọc Tường, việc cạnh tranh giá là điều bình thường vì đó là quy luật thị trường. Mùa cao điểm giá sẽ tăng và ngược lại. Chưa kể, khi doanh nghiệp đầu tư vào một loại hình dịch vụ nào chắc chắn sẽ nghiên cứu kỹ càng nên không quá lo ngại. “Đầu tư khách sạn tại Hội An vẫn hiệu quả vì việc tăng cơ sở lưu trú hiện chưa thể đáp ứng được tốc độ tăng khách. Bên cạnh đó, sự phân khúc thị trường khách tại các khách sạn cũng tương đối rõ nét, đa số khách sạn 4 - 5 sao đều có thị trường khách nhất định,  nói việc giảm giá do số lượng phòng tăng là chưa chính xác” - ông Tường nhìn nhận. Phân tích cho thấy, tỷ lệ lấp phòng tại các khách sạn Hội An những năm qua luôn đạt bình quân 50 - 60%, con số đủ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Điều này cũng phần nào khiến bức tranh về giá của các cơ sở lưu trú và điểm du lịch tại Hội An thêm nhộn nhịp, giúp khách được hưởng lợi và có nhiều lựa chọn hơn khi tham quan du lịch đến Quảng Nam.

KHÁNH LINH

Nguồn tin: baoquangnam.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn