Du khách mua vé tham quan làng gốm Thanh Hà- Ảnh: Đỗ Huấn
Theo các nguồn tư liệu thư tịch, hoạt động nghề truyền thống ở thương cảng cổ Hội An xưa rất nhộn nhịp, với khoảng hơn 50 nghề tập trung và ở 4 nhóm gồm: thủ công mỹ nghệ, dịch vụ khai thác, chế biến gia công và nhóm nghề đặc biệt. Những năm qua, việc bảo tồn và khai thác du lịch ở các làng nghề: mộc Kim Bồng (Cẩm Kim), gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, tre – dừa nước Cẩm Thanh, quật – hoa cây cảnh Cẩm Hà, sản xuất nông nghiệp ở An Mỹ (Cẩm Châu)… theo hướng giữ gìn nguyên vẹn cảnh quan, không gian sinh động của làng nghề để tạo thành điểm du lịch sinh thái cho du khách hay trình diễn, giới thiệu các công đoạn, các sản phẩm của làng nghề… là hướng đi đúng đắn và phát huy được giá trị đặc sắc. Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hội An ngoài khu phố cổ - quần thể kiến trúc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, còn có một kho tàng văn hóa hết sức đồ sộ về những giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có các làng nghề như: làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Cẩm Kim, làng tre – dừa nước Cẩm Thanh. “Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của du lịch Hội An, thành phố cũng đã bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề để phục vụ du lịch”, ông Sơn nói.
Làng nghề truyền thống ở Hội An là tiềm năng du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước từ nhiều năm qua. Sự ra đời, phát triển của các ngành nghề là sự kết nối và giao lưu của quá trình phát triển đô thị thương cảng Hội An xưa và nay. Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa, khách du lịch nhất là khách phương Tây sống ở các nước phát triển, công nghiệp hoá đã lâu đời, ít có điều kiện cảm nhận đời sống lao động ở nông thôn, càng hiếm có cơ hội để hiểu biết về hoạt động sản xuất thủ công thời xa xưa nên cuộc sống nơi những làng quê, làng nghề truyền thống với họ là nơi cung cấp những kiến thức sống động về lịch sử văn hoá, rất bổ ích và thú vị. Ở xứ họ, mọi hàng hoá đều được sản xuất hàng loạt với các dây chuyền máy móc nên họ có tâm lý chuộng các sản phẩm thủ công do bàn tay khéo léo của con người làm ra. Còn với khách trong nước, sự hiểu biết về văn hóa các vùng miền, các di sản nghề và làng nghề là cơ sở để mở rộng và nâng cao hiểu biết về văn hóa Việt Nam, lòng tự hào về quê cha, đất tổ; đồng thời là sự giao lưu, kết nối các mối quan hệ giàu bản sắc dân tộc, đa dạng mối quan hệ giao tiếp trên những hành trình du hý, khám phá. Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tich HHDL tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Hiện nay, du lịch được bổ trợ lớn nhất từ nông nghiệp và ngư nghiệp. Cho nên chúng ta phải giữ lại làng nghề của người dân. Vì dụ lịch khám phá đời sống văn hóa xã hội là du lịch quan trọng nhất!”.
Tạo thêm sản phẩm du lịch tại làng rau Trà Quế để thu hút du khách, giải quyết đời sống cộng đồng nhân dân- Ảnh: Đỗ Huấn
Những năm qua, TP.Hội An chủ trương mở rộng không gian du lịch ra những làng quê, phát triển các dịch vụ du lịch ở nông thôn trên cơ sở phát huy tài nguyên văn hóa và giá trị nhân văn kết hợp khai thác tài nguyên sinh thái. Các tour du lịch sinh thái, du lịch làng nghề: rau Trà Quế - Cẩm Hà, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, sông nước Cẩm Thanh, biển đảo Cù Lao Chàm, đồng ruộng ao hồ Cẩm Châu… được đa dạng hóa loại hình dịch vụ như: lưu trú, mua sắm, ẩm thực, trải nghiệm, khám phá… Chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư kết hợp việc khai thác các tour, tuyến du lịch với trình diễn, giới thiệu câu chuyện văn hóa nghề ở các vùng nông thôn, sông nước đặc trưng của Hội An như: gieo lúa, trồng hoa, tưới nước cho cây, đan lưới, quăng chài, đánh cá trên sông… để tăng thêm hấp lực và mở rộng địa bàn thu hút khách phương xa. Tuy vậy theo ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn, trong thời gian qua một số điểm như làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng chưa phát triển đồng đều so với các làng nghề khác, như làng gốm Thanh Hà, làng tre dừa nước Cẩm Thanh đã trở thành điểm tham quan thu hút rất nhiều du khách. “Vì vậy, trong năm 2019 vừa qua Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hội An đã quyết định xây dựng 2 đề án phát triển làng mộc Cẩm Kim và làng rau Trà Quế với mục đích tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến với 2 làng nghề này, góp phần giải quyết đời sống của người dân cũng như phát huy giá trị của làng nghề”, ông Sơn nói.
Phát triển du lịch làng nghề trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị các nghề truyền thống là tiềm năng và lợi thế mang tính bền vững của TP.Hội An, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng cư dân tại các khu vực bởi đây là sản phẩm du lịch văn hóa – sinh thái được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng, yêu thích.
Đỗ Huấn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn