Dư địa mới của du lịch Hội An
Sông Cổ Cò phần chảy qua thị xã Điện Bàn và TP.Hội An, trong đó đoạn chảy qua TP.Hội An ít bị bồi lấp và thời gian qua cũng đã cơ bản hoàn thành việc khơi thông. Đây có thể xem là đoạn tuyến thuận lợi nhất để thúc đẩy hoạt động du lịch đường sông với dòng Cổ Cò trước khi nghĩ đến việc khai thác toàn tuyến từ Đà Nẵng vào Quảng Nam.
Không chỉ là “dòng sông ký ức” chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử - văn hóa đặc sắc, đoạn sông Cổ Cò qua Hội An (thường gọi là Đế Võng) hiện sở hữu hệ sinh thái tự nhiên đa dạng cùng vị trí khá đắc địa để thu hút du khách, khai mở sản phẩm du lịch.
Các khu rừng dừa nước hiện mọc rải rác trên các quãng sông. Hai bên bờ sông có nhiều điểm đến đã định vị được dấu ấn với du khách như làng rau Trà Quế, làng chài Tân Thành… Xung quanh dòng sông có nhiều khu lưu trú cao cấp, từ dòng Cổ Cò cũng dễ dàng kết nối đến khu vực Nam Hội An bởi khoảng cách rất gần.
Ông Lê Ngọc Thuận - Giám đốc Công ty TNHH TM-DV tư vấn lễ hội và sự kiện An Bàng cho rằng: “Hệ sinh thái dịch vụ ở khu vực ven sông Cổ Cò còn quá đơn điệu, rất khó thu hút khách. Con đường hoa giấy mà các doanh nghiệp đang chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu để thúc đẩy du lịch ven sông Cổ Cò.
Dư địa phát triển du lịch 10 năm tới ở khu vực phía đông Hội An chính là dòng sông Cổ Cò. Hy vọng cộng đồng và những người làm du lịch sẽ gặt hái được thành quả trong tương lai với bức tranh du lịch cân đối, đa sắc màu hơn”.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, Đề án phát triển du lịch Hội An thời kỳ mới xác định 6 không gian phát triển du lịch, trong đó có 2 không gian ưu tiên là du lịch đường thủy và kinh tế đêm.
Có thể thấy, việc phát triển du lịch đường sông Cổ Cò sẽ kết hợp cả 2 yếu tố này. Dọc theo sông Cổ Cò trong tương lai sẽ hình thành hệ thống công viên công cộng từ cầu An Bàng xuống đến Cửa Đại để tạo ra không gian du lịch mới và mở cho du lịch Hội An.
Đánh thức dòng sông huyền thoại
Cuối năm 2023, Đà Nẵng đã lập đề án phát triển du lịch đường thủy, trong đó có kết nối chặt chẽ, lấy ý kiến với phía Quảng Nam để đầu tư, nâng cấp, khai thác toàn diện các tuyến chủ lực, nhất là sông Hàn đi sông Cổ Cò trong giai đoạn 2025 - 2030.
Hội An cần tận dụng cơ hội này để khai mở chuỗi sản phẩm, dịch vụ trên sông Đế Võng trước khi “hợp lưu” với hệ sinh thái du lịch toàn tuyến Cổ Cò một khi sông được khai thông toàn bộ.
Ở góc độ kinh doanh, phát triển sản phẩm du lịch, một số doanh nghiệp gắn bó lâu năm với sự phát triển của du lịch địa phương nhìn thấy cơ hội để làm “thức giấc” dòng sông huyền thoại này.
Ông Lê Ngọc Thuận đề xuất, với hệ sinh thái sông Cổ Cò đoạn qua Hội An cần sớm xúc tiến việc xây dựng con đường nghệ thuật, tổ chức lễ hội sự kiện để cộng đồng tham gia xây dựng chuỗi dịch vụ ăn uống - mua sắm, tạo nên không gian mua bán, kéo du khách đến lưu trú, sử dụng dịch vụ.
Theo ông Lê Quốc Việt - Tổng Giám đốc Santa Việt Nam, chủ nhiệm Câu lạc bộ điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam), có rất nhiều ý tưởng để thúc đẩy du lịch đường sông Cổ Cò với tính khả thi cao vì dựa trên nền tảng bản địa chứ không tiêu tốn nhiều nguồn lực.
“Gắn với sông Cổ Cò có thể hình thành tour 3 làng (làng rau Trà Quế - làng lúa An Mỹ - làng chài Tân Thành) kết nối bằng cầu tre hoặc thuyền. Qua đó tạo vùng kinh tế đêm, khai thác mặt nước, tổ chức chợ nổi trên sông, thiết kế vật liệu tre làm điểm nhấn.
Nếu thành hiện thực thì một số hạng mục cần được đầu tư sẽ là khu đón tiếp, cầu tre, đài vọng cảnh bằng tre, điểm bán hàng OCOP… Ước tính sẽ tạo thêm 300 - 500 cơ hội việc làm cho cư dân bản địa gắn với du lịch” - ông Việt nói.
Ông Việt cho biết thêm, đề án tour 3 làng nêu trên đã trình bày với chính quyền TP.Hội An và hy vọng sẽ có những chuyển động tích cực trong thời gian tới.
baoquangnam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn