//

Khai thác du lịch từ ưu thế sinh quyển

Thứ tư - 22/12/2010 10:02

Xác định sự “đổi ngôi” trong cơ cấu nội bộ nhóm ngành kinh tế trọng yếu, TP. Hội An phát huy và tận dụng ưu thế Khu dự trữ sinh quyển thế giới để khai thác sản phẩm du lịch mới.

 

Với khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, Cù Lao Chàm có thể khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới lạ. Ảnh: Đỗ Huấn.

Đổi ngôi

“Dịch vụ - du lịch - thương mại” vẫn là ngành kinh tế trọng yếu, giữ vai trò chủ đạo, nhưng nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hội An lần thứ XVI đã xác định “đổi ngôi” trong cơ cấu nội bộ nhóm ngành, với sự điều chỉnh đưa “du lịch” lên thay cho “dịch vụ”.

Lãnh đạo địa phương này lý giải: sở dĩ điều chỉnh như vậy là để nhấn mạnh và có sự tập trung đầu tư hơn, nhằm thực sự tạo ra chuyển biến về chất đối với các sản phẩm du lịch.

Mặc dù 5 năm qua (2005 - 2010), du lịch Hội An vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 16,28%/năm) nhưng các sản phẩm du lịch hiện có vẫn nghèo nàn và chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh vốn có, chưa đa dạng và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.

“Không thể phủ nhận những giá trị đặc sắc, hấp dẫn của các sản phẩm văn hoá du lịch mà người Hội An đã tạo ra và để lại ấn tượng mạnh mẽ, nhưng chậm đổi mới và chưa tạo thêm được cái mới là nguyên nhân khiến du khách ít muốn quay lại và ở lâu với Hội An”, bà Nguyễn Phương Liên - du khách đến từ Hà Nội góp ý.

Thực tế, ngoài các sản phẩm như “Đêm phố cổ”, “Phố không có tiếng động cơ”, các tour tham quan phố cổ, các làng nghề gốm, mộc, rau truyền thống, đảo Cù Lao Chàm… Hội An dường như không còn sản phẩm nào khả dĩ thu hút du khách.

Ông Trương Văn Bay – Phó chủ tịch UBND TP. Hội An, cho biết: “Biết là khó nhưng không thể “bó tay”. Sắp tới, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có, thành phố nghiên cứu hình thành thêm một số sản phẩm mới như du lịch sông nước, du lịch biển đảo… gắn với việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá và giữ gìn cảnh quan môi trường”.

Ưu thế sinh quyển

Hướng khai thác sản phẩm du lịch mới của Hội An đã được xác định: bên cạnh giá trị văn hoá của khu phố cổ - di sản thế giới đã và đang được phát huy cao độ, ưu thế của một khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng sẽ được tận dụng một cách cụ thể.

Với diện tích tự nhiên hơn 40.000 ha, bao gồm vùng biển đảo Cù Lao Chàm, vùng rừng ngập mặn Cửa Đại, vùng lõi khu phố cổ, khu dự trữ sinh quyển này sở hữu đầy đủ tiềm năng đa dạng về sinh học, cảnh quan môi trường và các giá trị văn hoá - lịch sử quí hiếm.

Theo những người làm du lịch ở Hội An, hiện nay các tuyến tham quan tại Cù Lao Chàm không nhiều. Các đơn vị, các nhà tổ chức chỉ chú trọng cảnh quan sinh thái dưới nước với những dịch vụ như tắm biển, lặn biển xem san hô… mà chưa chú ý đến sự đa dạng cảnh quan sinh thái khác, nên số tuyến tham quan chưa thực sự phong phú.

Anh Trần Thành - cán bộ Phòng thương mại dịch vụ Hội An, cho hay: “Nhiều du khách ở Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng… trong những cuộc tiếp xúc và trò chuyện với chúng tôi đã hết sức ngạc nhiên, hỏi tại sao Cù Lao Chàm ít dịch vụ phục vụ du khách như vậy.

Theo họ, Cù Lao Chàm còn có thể khai thác được nhiều sản phẩm, những loại hình du lịch mới lạ theo hướng “khám phá và trải nghiệm” gắn với khung cảnh thiên nhiên biển đảo kỳ thú, hữu tình như: du thuyền, thám hiểm, ngắm cảnh, thể thao mạo hiểm và thư giãn nghỉ ngơi… mà nơi khác khó bì được”.
 

Tiếp giáp với biển đảo Cù Lao Chàm là vùng rừng ngập mặn Cửa Đại với hệ sinh thái đa dạng sinh học và giá trị rất cao. Nơi đây còn có rừng dừa nước mọc ven bờ các sông lạch, quanh năm xanh tốt, tạo thành vùng sinh cảnh rất đặc biệt cho miền Trung - Hội An, mà ở Việt Nam chỉ có thể tìm gặp ở miền Tây Nam Bộ. Trên các cồn gò và vực nước xung quanh các rừng dừa nước còn cả hệ sinh thái cỏ biển đặc thù, chỉ có ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát cũng cho thấy, các hệ sinh thái khu vực này còn là nơi cư trú của nhiều loại động vật biển có giá trị. Về phương diện sinh vật và môi trường, nơi đây có mối liên quan mật thiết với Cù Lao Chàm về sự giao lưu thuỷ vực, sự lắng đọng trầm tích, sự cư trú, nuôi dưỡng các loại sinh vật (sông, biển)…

“Tiếng nói chung”

“Đưa vào khai thác tuyến tham quan kết hợp tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp sinh cảnh, giá trị sinh thái và thưởng thức món ngon, đồ lạ; tận hưởng các thú vui sông nước vùng hạ lưu sông Thu Bồn - Cửa Đại và Cù Lao Chàm - Hội An chắc chắn sẽ là tour du lịch độc đáo, lý tưởng”, Thạc sĩ Chu Mạnh Trinh - Phó Ban quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nói.

Những năm gần đây, đặc biệt từ sau khi Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (tháng 5/2009), vùng hạ lưu sông Thu Bồn - Cửa Đại đã được du khách chú ý và biết đến nhiều hơn. Du thuyền trên sông Hoài đã trở thành loại hình ưa chuộng khi khách đến tham quan, thưởng ngoạn Hội An. Song nhìn chung vẫn còn đơn lẻ, tự phát, thiếu chuyên nghiệp.

Để thực sự trở thành những sản phẩm du lịch mới, có chất lượng, cần thiết phải có “tiếng nói chung” cả về cơ chế, phương thức, đối tượng thực hiện và các yếu tố khác kèm theo. Đa số người làm du lịch ở Hội An cho rằng: đó là những vấn đề tiên quyết.

Nguồn tin: www.baovanhoa.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật