Mở cánh cửa, bước chân vào nhà cổ Đức An - một ngôi nhà đã 180 năm tuổi mà ở đó những nét cổ kính, trầm mặc vẫn đang hiện hữu trên từng đồ vật rất đỗi giản dị của gia đình, người ta cảm nhận rõ hơn cái sự trôi chậm của thời gian. Từ những đồ vật rất đỗi giản dị trong ngôi nhà như chiếc đèn dầu, chiếc giá để bút... đến những bộ bàn ghế, bộ tranh tứ bình cũng đã ngót nghét hàng trăm năm.
Ông Phan Ngọc Trâm, người chủ của ngôi nhà cho biết, gia đình ông đã có 6 đời sinh sống trong ngôi nhà cổ này. Dù năm nào ở đây cũng có lũ và đã trải qua vài lần trùng tu nhưng nhà cổ Đức An vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những giá trị văn hóa mà ông cha để lại.
Du khách hẳn sẽ mất nhiều thời gian để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, tĩnh lặng của những mái ngói rêu phong; hưởng thụ cái thư thái trong từng nét kiến trúc Việt đang hiện diện ở đây. Cùng với những nét trầm mặc ấy, nhà cổ Đức An còn là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của Tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam và gắn liền với người chiến sĩ cách mạng Cao Hồng Lãnh.
Cũng bởi sự mê hoặc về không gian và những ý nghĩa lịch sử ấy mà mỗi ngày nhà cổ Đức An đã đón tiếp hàng trăm du khách đến thăm quan.
Một du khách Pháp chia sẻ: “Mặc dù lần thứ 2 đến với Hội An và thăm ngôi nhà này nhưng tôi thực sự ngưỡng mộ về tài xây dựng của các kiến trúc sư ngày xưa. Tôi không biết dùng từ nào nữa khi nói về vẻ đẹp của ngôi nhà”.
Đến với những ngôi nhà cổ ở Hội An, nhiều du khách cho rằng, dường như họ đang được sống với dĩ vãng mà tưởng chừng như những phiền toái của cuộc sống hiện tại chưa từng hiện hữu. Dù vòng quay Xuân Hạ Thu Đông cứ đều đặn chuyển động từ năm này qua năm khác, thì những nếp nhà xưa vẫn còn đó, như một “nhân chứng sống” của lịch sử.
Trong mỗi nếp nhà ấy, đang chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa độc đáo và cũng đang có rất nhiều câu chuyện của thời gian.