Chúng tôi bắt chuyến ca nô cao tốc ra đảo Cù Lao Chàm vào một ngày cuối tháng 8-2019. Sau chừng 25 phút lênh đênh trên biển, chúng tôi đã đặt chân lên mảnh đất “đầu sóng, ngọn gió”. Cùng cập bến còn có nhiều ca nô cao tốc khác cũng hối hả đưa khách du lịch trong và ngoài nước lên bờ tham quan đảo Cù Lao Chàm.
Gặp lại chúng tôi, ông Nguyễn Văn An, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, vui mừng kể về những đổi thay của đảo Cù Lao Chàm qua những con số “biết nói”: “Xã đảo Tân Hiệp có diện tích hơn 16km2, toàn xã có 610 hộ dân với khoảng 2.400 nhân khẩu. Cơ cấu kinh tế của địa phương hiện nay là du lịch - dịch vụ - ngư nghiệp. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người tại Tân Hiệp đạt 42,7 triệu đồng/ người, trở thành địa phương cấp xã có thu nhập đầu người cao nhất tại tỉnh Quảng Nam”.
Một góc xã đảo Tân Hiệp với diện mạo mới khang trang.Ngừng một lát, ông An nói tiếp: “Từ ngày UNESCO công nhận Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thì nhiều người biết đến nơi này hơn, lượng khách đến tham quan đảo cũng đông hơn. Do đó mà người dân trên đảo đã học cách làm du lịch cho thu nhập cao và có cuộc sống ổn định. Đến nay trên đảo có khoảng 40 cơ sở lưu trú dạng homestay để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách”.
Có thể nói, tháng 9-2016 là cột mốc đáng nhớ đối với người dân xã đảo Tân Hiệp khi điện lưới Quốc gia được đưa về nơi này, tạo thêm điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch địa phương, đặc biệt là các dịch vụ lưu trú từ đó cũng được xây dựng nhiều hơn.
Số liệu thống kê cho thấy chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách đến tham quan Cù Lao Chàm đạt hơn 229.400 lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách lưu trú đạt 13.116 lượt khách, tăng 22,5% so với cùng kỳ...
Chúng tôi đến cơ sở lưu trú homestay Cái Võng của chị Ngô Ái Linh nằm cách trụ sở xã Tân Hiệp không xa. Sau khi thu xếp phòng ở cho một số khách du lịch nước ngoài xong, chị Linh trò chuyện cùng chúng tôi. Chị Linh chia sẻ, chị là người dân địa phương, học xong ngành Quản trị nhà hàng khách sạn, chị trở về xã Tân Hiệp làm dịch vụ lưu trú homestay được 4 năm nay. Cơ sở của chị có 6 phòng, thường xuyên đón tiếp khách du lịch đến từ châu Âu, như Tây Ban Nha, Italia, Pháp…
Chị Linh tâm sự từ khi có điện lưới Quốc gia, cơ sở lưu trú của chị được trang bị đầy đủ các thiết bị như điều hòa, quạt điện, máy nóng lạnh… phục vụ tốt nhu cầu của du khách nên lượng khách lưu trú cũng đông hơn; nhiều khách quốc tế sau khi đến với Cù Lao Chàm, bị mê hoặc bởi vẻ đẹp nơi đây nên đã quay trở lại.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Elina, một du khách đến từ Italia đang lưu trú tại cơ sở Cái Võng nói rằng, cách đây 2 năm chị đã đến Cù Lao Chàm và ở lại tại cơ sở Cái Võng. Hôm nay trở lại nơi đây, chị cũng dành 2 ngày 2 đêm để tiếp tục trải nghiệm cuộc sống cùng người dân trên đảo. “Ở đây cuộc sống thanh bình và người dân rất hiếu khách. Tôi rất yêu thích nơi này”, chị Elina nói.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, trước khi được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, xã đảo Tân Hiệp có đến 70% người dân hoạt động ngư nghiệp, đời sống của người dân khi ấy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên lãnh đạo TP Hội An hằng năm đều chở gạo dự trữ ra hỗ trợ. Nhưng từ năm 2009 đến nay, 90% người dân trên đảo đã chuyển sang hoạt động du lịch - dịch vụ, cuộc sống mới khởi sắc, phát triển từng ngày.
Xã đảo Tân Hiệp đã đạt danh hiệu xã nông thôn mới năm 2018. Song song với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường trên đảo Tân Hiệp cũng được TP Hội An chú trọng, quan tâm.
Kể từ năm 2009, xã Tân Hiệp triển khai chương trình “Nói không với túi nilon” đã góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, người dân trên đảo, đồng thời tạo ra một “thương hiệu” của Cù Lao Chàm. Bên cạnh đó, từ ngày Cù Lao Chàm được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã có nhiều tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ trong công tác bảo tồn khu vực này, nhờ đó mà trên đảo vẫn giữ được nét hoang sơ riêng có.
“Quan điểm của lãnh đạo TP Hội An phố là phát triển du lịch tại đảo Tân Hiệp luôn đi kèm với quá trình bảo tồn. Do đó mà chúng tôi có chủ trương giới hạn số lượng khách ra thăm đảo mỗi ngày không quá 3.000 lượt.
Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích người dân trên đảo phát triển dịch vụ lưu trú homestay chứ không xây dựng khách sạn cao tầng để người dân hưởng lợi từ hoạt động du lịch nhưng không tạo áp lực lên đảo, đặc biệt là về nguồn nước ngọt vì nguồn nước ngọt tại Tân Hiệp rất hạn chế, nếu số lượng du khách lưu trú quá đông sẽ không đủ nước ngọt để sử dụng”, ông Hùng cho biết thêm.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn