//

Hướng dẫn làm du lịch cộng đồng

Thứ tư - 16/10/2019 08:47

Trong thời gian qua, mô hình du lịch cộng đồng ở Hội An phát triển mạnh, góp phần cải thiện sinh kế, mang lại lợi ích đáng kể cho người dân. Chủ trương của thành phố là tiếp tục đa dạng các điểm du lịch cộng đồng để đẩy mạnh phát triển du lịch Hội An. Chính vì vậy, công tác hướng dẫn làm du lịch cộng đồng cần được chú trọng.

DLCD1610191

Du lịch cộng đồng phát triển mạnh ở Khu di tích Rừng dừa Bảy mẫu, xã Cẩm Thanh- Ảnh: Đỗ Huấn

Trong những năm qua, Phòng VHTT thành phố đã phối hợp với chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về du lịch cộng đồng cho những người làm du lịch dịch vụ trên địa bàn xã. Các học viên tham dự đã được truyền đạt những thông tin chuyên đề về du lịch cộng đồng; công tác thuyết minh viên cộng đồng và các phương pháp hướng dẫn, quy trình hướng dẫn đối với thuyết minh viên cộng đồng, công tác chuẩn bị và hoàn thiện bài giới thiệu cho khách du lịch khi tham quan du lịch, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh lịch sự trong kinh doanh du lịch; những kiến thức tổng quan về giá trị văn hóa, lịch sử, con người Hội An, thông tin về các điểm di tích…Cùng với phần lý thuyết, các lớp tập huấn còn tổ chức cho các học viên đi thực tế, trải nghiệm và thực hành thuyết minh tại thực địa. Là địa phương rất quan tâm công tác này, ông Mai Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà chia sẻ: “Quan điểm của địa phương chúng tôi là quan tâm những ngành nghề mà phụ thuộc về nông nghiệp gắn với dịch vụ. Như ở Trà Quế chúng tôi mở các lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn gắn với hướng dẫn viên du lịch cộng đồng để phát triển đúng định hướng và bền vững lâu dài”.

Ở Cù Lao Chàm, chính quyền địa phương cũng rất chú trọng công tác này nhằm đểphát triển du lịch bền vững theo hướng cộng đồng. Đã có hơn 200 lao động tại địa phương được tập huấn, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ và được tổ chức làm việc, sinh hoạt theo mô hình tự quản như: hướng dẫn viên ở khu vực dân cư, các chủ cơ sở kinh doanh lưu trú homestay, đội xe gắn máy vận chuyển khách, các nhà hàng ăn uống, hộ kinh doanh hàng lưu niệm và hải sản… Nhờ vậy mà chất lượng du lịch sinh thái biển đảo với các hoạt động trải nghiệm, khám phá dành cho du khách ngày càng được nâng cao. “Cù Lao Chàm này mũi nhọn là du lịch cho nên tự người dân phải nhận thức là làm thế nào để du khách họ đến Cù Lao Chàm một lần còn có thể quay lại lần thứ hai. Không những họ quay lại mà còn giới thiệu cho bè bạn của họ đi đến. Đến đây để biết người dân hiền lành, hiếu khách, thật thà trên mọi vấn đề, kể cả mua bán hay ăn ở gì cũng vây…”, ông Huỳnh Giang ở thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp nói.

DLCD1610192

Du khách tham quan làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà- Ảnh: Đỗ Huấn

Du lịch cộng đồng là lợi thế mà lãnh đạo TP.Hội An đang chủ trương đẩy mạnh. Những năm qua, thành phố cho phát triển rất nhiều loại hình lưu trú trong dân, xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch quản lý và khai thác các tiềm năng du lịch trên địa bàn. Trên cơ sở đó, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cho khu vực biển – đảo – làng quê, chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị sinh thái – nhân văn của từng khu vực, từng địa phương, gắn với đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại đây, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và được hưởng lợi từ du lịch.Chính quyền thành phố cũng đã tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn các loại hình tài nguyên, bởi đây là vốn quý để sinh lợi; đồng thời tiến hành các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ để cộng đồng dân cư thực sự là chủ thể các hoạt động du lịch tại chỗ; đồng thời khuyến khích, gắn kết tổ chức chương trình du lịch với các dịch vụ cộng đồng nhằm tạo việc làm, thu hút lao động và cải thiện thu nhập ngay tại cộng đồng. “Hỗ trợ mở các lớp không phải mang tính chất dạy nghề. Cái chúng ta cần không chỉ là những lớp dạy nghề có cấp bằng, cấp giấy chứng nhận mà cần cả những lớp như hướng dẫn viên cộng đồng tại địa phương, rồi các lớp tập huấn ngắn ngày khác về kỹ năng tiếng Anh, rồi các hoạt động dịch vụ, trang bị kiến thức phục vụ cho nghề nghiệp. Là thành phố du lịch nên đa dạng về ngành nghề!”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Tiềm năng, thế mạnh du lịch cộng đồng ở Hội An không chỉ dừng lại như hiện tại và sức hấp dẫn còn lớn hơn khi biết khơi dậy nguồn lực tại chỗ. Lãnh đạo thành phố đã và đang tạo cơ chế phù hợp để hình thành và đa dạng các điểm du lịch cộng đồng đặc trưng, có bản sắc. Thời gian qua, thành phố đã triển khai thực hiện câc chương trình, kế hoạch, đề án du lịch như: đề án phát triển bền vững xã Tân Hiệp trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm giai đoạn 2017 – 2025, đề án xây dựng làng quê – làng nghề sinh thái Cẩm Kim, phương án mở rộng tuyến tham quan khu vực rừng dừa Bảy Mẫu và tham quan nội vùng xã Cẩm Thanh, kế hoạch phát triển du lịch – dịch vụ Cẩm An, Cẩm Hà, Thanh Nam Đông – Cẩm Nam, khai trương tuyến tham quan làng rau An Mỹ, phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ nuôi tôm An Mỹ - Cẩm Châu… góp phần mở rộng không gian phát triển du lịch, khai thác tiềm năng lợi thế du lịch sinh thái, làng quê, biển đảo.

                                                                                      Đỗ Huấn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn