Du lịch đô thị Hội An cần chú trọng khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng. Ảnh: Đ.HUẤN |
Không chỉ dừng lại là trung tâm du lịch của tỉnh và khu vực trên con đường di sản miền Trung, TP.Hội An từng được các chuyên gia và nhà quản lý giới thiệu và đề xuất đưa vào chiến lược du lịch đô thị của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong 4 dòng sản phẩm chính của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 cần tập trung đầu tư. Vì vậy, để nâng tầm đô thị du lịch, Hội An cần những giải pháp cấp bách nhằm phát huy tinh thần cộng đồng gìn giữ di sản của người dân và chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng tiêu cực phát sinh...
Người dân cùng gìn giữ
TP.Hội An một lần nữa xác định khu phố cổ (gồm phường Minh An và một phần các phường Cẩm Phô, Sơn Phong cũng như vùng lân cận) là trung tâm du lịch của thành phố. Đây là điểm đến, là nơi tạo sức hút đầu tiên nhưng đồng thời cũng là điểm tạo ra sức lan tỏa cho sự phát triển các khu vực làng quê, biển đảo và cho cả thành phố.
Chỉ tính trên địa bàn phường Minh An đã có gần 860 di tích kiến trúc được xếp hạng, trong đó có hơn 160 di tích thuộc quản lý của Nhà nước, 35 di tích tập thể và hơn 660 di tích sở hữu tư nhân. Đến nay hầu hết di tích đều được bảo vệ và giữ gìn gần như nguyên trạng, cho thấy công lao cùng những đóng góp quý giá của những chủ nhân di sản và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Nhiều năm qua người dân Minh An đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng để cùng với Nhà nước tu bổ, sửa chữa hơn 1.500 lượt di tích nhà ở, đền chùa, hội quán. Những chủ nhân di tích còn tự chằng chống, di dời để vượt qua thời tiết khắc nghiệt trong những mùa bão lũ. Họ cũng phải tự đấu tranh với chính mình trước những tiện lợi của nhu cầu cuộc sống hiện đại để giữ gìn nét đẹp của từng mái nhà, góc phố; phải đồng cam gánh vác để tạo ra và nâng lên những giá trị đặc sắc, độc đáo của các ngõ hẻm, con đường trong lòng di sản.
Đô thị cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Việc bày bán kinh doanh, lưu thông đi lại, thắp sáng đèn lồng cho đến ăn vận, đồng hành diễn xướng cùng cả cộng đồng những dịp hội hè, lễ tết… là những hoạt động chỉ có người dân nơi đây chứ ít nơi nào khác có thể làm được. Các hoạt động, việc làm thiết thực ấy đã góp phần tạo nên nhiều sản phẩm văn hoá du lịch đặc trưng, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của đông đảo du khách gần xa và làm nên thương hiệu du lịch văn hóa Hội An.
Những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An như “Phố dành cho người đi bộ”, “Đêm phố cổ” hay các chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật, các lễ hội truyền thống... diễn ra thường xuyên đã được người dân hưởng ứng tích cực, tham gia hiệu quả. Những chợ ẩm thực đặc sản Hội An – Quảng Nam trên phố thực sự thu hút, níu kéo chân khách quay trở lại...
Cần chấn chỉnh kịp thời
Thời gian gần đây, tại Hội An trật tự kinh doanh buôn bán, mỹ quan đô thị có lúc có nơi bị buông lơi gây phiền hà cho du khách; sự phát triển các dịch vụ có dấu hiệu quá tải dẫn đến lấn át những công năng truyền thống của khu phố cổ và từng di tích cấu thành nên khu di sản. Tình trạng buôn bán chụp giựt, giá cả chặt chém, lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, xả rác ra đường phố, tụ điểm công cộng diễn ra khá thường xuyên và phổ biến đã làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp thân tình, hiếu khách của người dân phố cổ, làm sa sút uy tín thương hiệu du lịch Hội An.
Ông Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy phường Minh An cho biết: “Đảng bộ, chính quyền phường Minh An cũng đã có những kế hoạch cụ thể để xây dựng Minh An đẹp hơn. Trong đó chúng tôi sẽ vận động các hộ dân ở các tuyến đường chính của phường Minh An thay mái che tôn phía trước hiên nhà bằng các loại giàn hoa hoặc cây xanh, tiếp tục lập lại trật tự đô thị trên địa bàn mà trọng tâm là kinh doanh vỉa hè, hàng rong và quản lý hiệu quả ghe thuyền trên sông Hoài”.
Với khu phố cổ là di sản văn hóa thế giới, du lịch đô thị của Hội An cần chú trọng khai thác các yếu tố văn hóa gắn với lối sống thị dân phố cổ. Việc thực hiện nếp sống văn hóa của đông đảo tầng lớp nhân dân, không kể dân tộc, tôn giáo, thành phần, độ tuổi cần được chú trọng tăng cường thường xuyên; sự hòa nhập, tiếp thu và thích nghi về lối sống, phong tục của những người dân từ nơi khác đến sinh sống, kinh doanh tại phố cổ phải chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần tạo môi trường văn minh, thân thiện với du khách...
Là “bảo tàng sống”, di sản phố cổ không chỉ có diện mạo mà còn có “hồn cốt” riêng làm nên vẻ đẹp không trùng lắp với bất cứ di sản nào trong và ngoài nước. Cùng với “bảo tàng sống” trong lòng phố, trong từng ngôi nhà cổ…, người dân Hội An cũng cần sáng tạo thêm những giá trị văn hóa mới, phong phú. Thực hiện sắp xếp hàng rong trong khu phố cổ, kiên quyết xử lý tình trạng chèo kéo, cò mồi bu bám du khách, niêm yết và bán theo giá niêm yết, xây dựng “Điểm kinh doanh đạt chuẩn văn minh”… làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, từng bước triển khai mở rộng không gian “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”… là những yêu cầu bức thiết hiện nay.
“Hội An hiện có 2 loại hình du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cần tiếp tục khai thác. Với nòng cốt là khu phố cổ Hội An, rồi các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, các làng nghề truyền thống nên chúng tôi sẽ khai thác và phát triển mạnh hơn nữa du lịch văn hóa” - ông Trần Ánh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nói.
ĐỖ HUẤN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn