//

Vui Trung Thu nhớ về nguồn cội

Chủ nhật - 30/09/2012 21:04

Tại Bảo tàng Dân tộc học, các bé được cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện dân gian, về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Trong hai ngày 29 và 30/9 (tức 14 và 15/8 âm lịch), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với UBND Quảng Nam và Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An tổ chức chương trình Trung Thu “Vui cùng đồ chơi dân gian” cho các em nhỏ, với mong muốn thông qua chương trình này sẽ góp phần gìn giữ và bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Những nét văn hóa Hội An được khách tham quan biết đến qua các trò chơi: múa lân, chơi bài chòi, dạy và hát dân ca Quảng Nam, làm và trưng bày đèn lồng… Các món ăn đặc sản của Hội An: Cao lầu, mỳ Quảng, Bánh tráng đập… cũng được giới thiệu ở chương trình.

Bên cạnh đó, khách tham quan bảo tàng cũng được tham gia khoảng 25 trò chơi dân gian, được làm các đồ chơi Trung Thu quen thuộc như: đèn lồng, tò he, tô mặt nạ…

Đặc biệt, sáng 29/9, Bảo tàng có tổ chức một số hoạt động miễn phí và tặng quà cho trẻ em thiệt thòi. Tối 29/9, Bảo tàng tổ chức chương trình dành riêng cho khách đặt trước với nhiều hoạt động thú vị như rước đèn, phá cỗ Trung Thu với các món đặc sản Quảng Nam.

 

Đến với “Vui cùng đồ chơi dân gian” các bé được tham gia chơi các trò chơi dân gian, được vẽ tranh với chủ đề trung thu, được thử sức làm đồ chơi, bánh trung thu. Hơn nữa, các bé được cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện về cội nguồn dân tộc, được tiếp xúc với nền văn hóa lâu đời của 54 dân tộc khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong dịp trung thu, có nhiều bố mẹ cho con đi chơi ở “thiên đường đồ chơi” Hàng Mã, mua cho con các đồ chơi hiện đại, bắt mắt. Thế nhưng cũng có những phụ huynh muốn con biết đến cội rễ của dân tộc, kể cho con nghe những câu chuyện về tình đoàn kết của các dân tộc, những nét đẹp về văn hóa, sinh hoạt, tín ngưỡng để con thêm yêu đất nước, con người Việt Nam.

Chị Chu Thị Thắm (ở Hoàng Hoa Thám-Hà Nội) cùng cậu con trai học lớp 6 đến chơi Bảo tàng. Chị đang giải thích rất cặn kẽ cho con về các dụng cụ đúc đồng. Chị tâm sự: “Tôi cho con đi Bảo tàng Dân tộc học để con có thể hiểu được các truyền thống của dân tộc và cung cấp cho con kiến thức sau này có thể rất bổ ích cho con. Mỗi năm tôi đều dẫn cháu đi các địa điểm truyền thống của dân tộc. Điều đó rất có ý nghĩa với các con”. 

Đi đến đâu chị Thắm cũng giải thích cho con hiểu nguồn gốc, tác dụng của các đồ trưng bày, chị nói: “Hướng dẫn để con có vốn từ còn viết văn”.

Mẹ con chị Thắm.

Cùng ý kiến với chị Thắm, chị Đinh Thị Len (ngã tư Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cũng dắt con trai 4 tuổi đến chơi Bảo tàng. Chị cho biết cháu vẫn còn nhỏ nhưng cũng đã nhận thức được, lần sau nhắc lại có thể cháu còn nhớ. Chị chia sẻ: “Văn hóa phải thấm dần dần em ạ”.

Chương trình còn có sự tham gia, hỗ trợ của 200 tình nguyện viên đến từ các trường Đại học, trung học tại Hà Nội. Các tình nguyện viên đã được tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách chơi các trò chơi dân gian, làm bánh trung thu, đồ chơi trung thu từ trước đó./.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn