Có những buổi sáng sớm ở Hội An, khi mặt trời còn e ấp bên kia sông Thu Bồn, người ta đã bắt gặp sự sống dậy kỳ diệu của một đô thị cổ. Phố xá tĩnh lặng, gánh hàng rong bắt đầu khua nhẹ từng nhịp guốc, tiếng chổi tre xào xạc lướt qua mặt đường lát gạch cũ, như đánh thức một giấc mơ từ quá khứ.
Hội An không ồn ào, không vội vã. Đô thị cổ này dường như sinh ra để mời gọi người ta sống chậm lại, để cảm nhận từng nhịp thở của phố cổ. Những ngôi nhà mái ngói âm dương, bức tường vàng phủ rêu và giàn hoa giấy rực rỡ không chỉ là phông nền cho những bức ảnh “triệu like”, mà là chứng nhân cho hàng trăm năm lịch sử giao thương Đông – Tây nơi bến cảng Faifo xưa.
Chính sự bảo tồn nguyên vẹn của kiến trúc và đời sống đã làm nên cái hồn cho Hội An. Từ Chùa Cầu mang dấu ấn Nhật Bản, đến các hội quán Phúc Kiến, Quảng Triệu, Triều Châu, Hải Nam… đều là những lát cắt lịch sử gắn chặt với cộng đồng người Hoa, người Nhật và người Việt sinh sống, buôn bán suốt nhiều thế kỷ.
Những ngôi nhà cổ ở Hội An chủ yếu được xây dựng từ thế kỷ XVII đến XIX, kết hợp hài hòa kiến trúc Việt, Hoa, Nhật và Pháp. Mái ngói âm dương, cửa gỗ, giếng trời và các hoạ tiết chạm trổ tinh tế phản ánh đời sống tinh thần và gu thẩm mỹ của các thế hệ cư dân phố Hội.
Mỗi ngôi nhà không chỉ là nơi ở, mà còn là một di sản sống, lưu giữ ký ức thương cảng sầm uất một thời. Ghé thăm những ngôi nhà cổ như Tấn Ký, Quân Thắng hay Phùng Hưng…, du khách có thể cảm nhận được nhịp sống chậm, tĩnh lặng và đầy chiều sâu của Hội An.
Không chỉ cuốn hút bởi kiến trúc cổ, Hội An còn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu chiều sâu lịch sử – văn hóa thông qua hệ thống bảo tàng phong phú. Từ Bảo tàng Văn hóa dân gian với những hiện vật gắn liền đời sống cư dân bản địa, đến bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch, nơi kể lại câu chuyện về thương cảng Faifo sầm uất một thời.
Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh lại đưa du khách ngược dòng hơn 2.000 năm lịch sử, khám phá dấu tích cư dân tiền Champa trên vùng đất này. Trong khi đó, Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa Hội An mang đến cái nhìn toàn diện về tiến trình phát triển của đô thị cổ. Mỗi bảo tàng là một lát cắt ký ức, góp phần hoàn thiện bức tranh về Hội An - không chỉ đẹp, mà còn sâu sắc và giàu bản sắc.
Ngày nay, khi phố cổ trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, những giá trị ấy không bị bào mòn, mà càng được trân trọng. Hội An không chỉ dành cho những người yêu cái đẹp cổ điển, mà còn hấp dẫn bởi các trải nghiệm gắn liền với đời sống địa phương.
Nằm giữa trung tâm phố cổ, chợ Hội An là trái tim nhộn nhịp của đời sống kinh tế – văn hóa nơi đây. Với kiến trúc nhà lồng đặc trưng, những gian hàng rực rỡ sắc màu và không khí hoài cổ đặc biệt, chợ mang đến hành trình khám phá đậm chất bản địa.
Du khách có thể thoả sức mua sắm, thưởng thức ẩm thực miền Trung và cảm nhận nhịp sống thường nhật của người dân phố Hội. Không chỉ là điểm giao thương, nơi đây còn là biểu tượng sống động của truyền thống trong lòng đô thị cổ.
Du khách đến Hội An thường không bỏ lỡ cơ hội sắm cho mình một vài bộ áo dài được cắt may thủ công, hay tự tay làm đèn lồng, học nấu món địa phương... Những hoạt động tưởng chừng đơn giản đó lại mang đến một kết nối sâu sắc giữa người làm du lịch và du khách điều mà ít nơi nào khác làm được như Hội An.
Và nếu có điều gì khiến người ta nhớ mãi Hội An ngay cả khi đã rời xa, thì đó chính là ẩm thực – một thế giới phong phú, đầy màu sắc, hài hòa giữa truyền thống và sáng tạo. Ẩm thực Hội An không cầu kỳ, không hào nhoáng, nhưng đủ tinh tế để chạm đến mọi giác quan.
Cao lầu, món ăn “quốc hồn quốc túy” của phố Hội là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa. Sợi mì vàng óng, dai nhẹ nhờ được trộn với nước giếng Bá Lễ và tro củi từ Cù Lao Chàm, ăn cùng thịt xá xíu, bánh đa giòn, rau sống và nước chan vừa đủ. Một bát cao lầu là cả câu chuyện về đất, nước, và sự nâng niu của người làm bếp.
Bên cạnh cao lầu, mỳ Quảng cũng là lựa chọn không thể thiếu: sợi mì mềm, nước dùng đậm đà, ăn cùng thịt, tôm, trứng luộc, bánh tráng nướng và rau sống xứ Quảng. Vị mặn mòi của biển cả, ngọt thanh của thịt cá, cay nhẹ của ớt tươi – tất cả quyện lại thành một “khúc biến tấu” ẩm thực rất riêng.
Nếu muốn thứ gì đó nhanh, gọn, hãy thử bánh mì Hội An. Nét đặc biệt nằm ở phần nhân phong phú: từ pate, chả lụa, thịt xíu đến rau thơm, nước sốt đặc biệt… Từng ổ bánh được gói bằng giấy báo, trao bằng nụ cười thân thiện – giản dị nhưng đầy dấu ấn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn