//

Điểm hẹn du lịch học tập giữa dòng chảy di sản

Thứ sáu - 04/07/2025 14:40

Giữa miền đất di sản Hội An, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời và thiên nhiên kỳ thú, HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Kim Bồng ra đời như một nhịp cầu kết nối giữa con người, môi trường và du lịch bền vững.

Được hình thành trên địa bàn phường Cẩm Kim, HTX là kết quả của sự đồng hành từ Dự án “Phát triển các mô hình sinh kế cộng đồng bền vững kết hợp du lịch sinh thái”, do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF-SGP) tài trợ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Hội An triển khai...

 Không chỉ tạo sinh kế cho người dân, mô hình còn góp phần gìn giữ đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, mở ra hướng đi mới đầy hy vọng cho du lịch cộng đồng Việt Nam.

gd hoc tap ve dong song tai cam kim hoi an logj
Du khách tham quan, trải nghiệm, học tập trên dòng sông tại Cẩm Kim - Hội An

Từ làng mộc trăm năm đến mô hình du lịch xanh

Là điểm đến độc đáo nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, cộng đồng Kim Bồng vừa lưu giữ, vừa tiếp nối dòng chảy văn hóa truyền thống từ thời mở cõi đến thời kỳ hưng thịnh của thương cảng Hội An xưa. Tại đây, làng mộc Kim Bồng, một trong những làng nghề nổi tiếng miền Trung, vẫn bảo tồn được không gian văn hóa đậm đà bản sắc của vùng quê xứ Quảng.

Mô hình du lịch cộng đồng tại Kim Bồng được thiết kế dựa trên năm nhóm ngành nghề đặc trưng, những trụ cột tạo nên bản sắc văn hóa và nền tảng kinh tế của địa phương, bao gồm: Nhóm ngư nghiệp; Nhóm thủ công truyền thống; Nông nghiệp sinh thái, hữu cơ; Nhóm ẩm thực truyền thống và hệ thống Di tích văn hóa - lịch sử cùng các giá trị cảnh quan. Đây không chỉ là sự phân chia ngành nghề, mà còn là chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị bền vững trong phát triển du lịch.

HTX Kim Bồng hiện có nhiều tổ cộng đồng tham gia tích cực vào mô hình này: 44 hộ tham gia tổ bơi thuyền du lịch trên sông; 5 thành viên tổ chức ẩm thực truyền thống; 7 hộ phát triển homestay cộng đồng và các nhóm hộ tham gia mô hình xử lý rác hữu cơ, hướng đến một ngôi làng xanh, sạch, đẹp và thân thiện với môi trường.

Nổi bật trong hành trình gìn giữ sinh thái là câu chuyện bảo tồn dòng sông tại Cẩm Kim, nhánh quan trọng của sông Thu Bồn, nối dài đến Cẩm Thanh và vùng rừng ngập mặn đa dạng sinh học. Đây chính là không gian sống giàu thủy sản, đồng thời mang ý nghĩa sinh thái lớn đối với toàn hệ thống Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Mô hình góp phần xây dựng loại hình du lịch học tập cộng đồng và cung cấp dữ liệu thực tiễn quan trọng cho công tác quy hoạch bảo tồn vùng hạ lưu sông Thu Bồn.

Tận dụng lợi thế nghề mộc truyền thống gắn liền với di sản đô thị cổ, Kim Bồng phát triển du lịch làng nghề như một hình thức bảo tồn sống. Du khách không chỉ được nghe kể về lịch sử nghề mộc, mà còn được trải nghiệm trực tiếp: Điêu khắc gỗ cùng nghệ nhân, tìm hiểu quy trình thủ công và tự tạo nên sản phẩm của riêng mình. Những câu chuyện về ghe bầu, về nghề đóng tàu, từng gắn liền với thương cảng Hội An, nay được tái hiện sinh động như một phần ký ức sống trong lòng du khách.

Ngoài ra, các nghề truyền thống như đan thúng chai, dệt chiếu cói, làm hương, nấu bắp nếp, làm lồng đèn… đều được khai thác như những điểm đến mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa. Mỗi cơ sở sản xuất là một “bảo tàng sống” và người thợ chính là “hướng dẫn viên” mang đến cho du khách những tri thức nghề quý giá.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, HTX Kim Bồng đã phát triển mạnh mô hình nông nghiệp hữu cơ và sinh thái nhờ sự hỗ trợ từ các dự án phát triển bền vững. Tiêu biểu là vườn rau hữu cơ Kim Hà với 5 hộ tham gia; cánh đồng lúa hữu cơ ông Đảng với 16 hộ; hệ thống vườn sinh thái đa dạng... Đây là nền tảng để hình thành không gian học tập, chia sẻ kỹ thuật canh tác và phát triển mô hình du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp sạch.

Ẩm thực truyền thống cũng được gìn giữ và phát huy thông qua hoạt động du lịch cộng đồng, với các món đặc sản như mì Quảng, bánh tráng, bánh bèo, bánh cuốn… Du khách vừa thưởng thức, vừa được trực tiếp trải nghiệm quá trình chế biến, từ đó thêm trân trọng và kết nối sâu sắc hơn với văn hóa địa phương.

Trường học cộng đồng giữa lòng di sản

Điều quan trọng nhất trong phát triển các tour du lịch học tập cộng đồng chính là thiết kế chương trình phù hợp với nội dung giảng dạy và năng lực địa phương. Tại Kim Bồng, Ban điều hành tổ cộng đồng đã phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn để xây dựng chương trình học tập dành cho học sinh, sinh viên.

Quá trình này đảm bảo nội dung phù hợp với chuyên ngành, giáo án từng lớp, dựa trên những thế mạnh thực tiễn của cộng đồng địa phương. Các phân công được thực hiện khoa học, từng câu chuyện văn hóa - lịch sử - nghề nghiệp được biên soạn công phu để truyền tải hiệu quả đến người học.

Ở khía cạnh văn hóa - di tích - cảnh quan, chương trình học tập được kết nối toàn diện với các giá trị bản địa: Từ lịch sử hình thành làng nghề Kim Bồng gắn với bốn dòng tộc khai canh, đến giếng Tứ Tộc, biểu tượng sinh hoạt cộng đồng đậm chất làng quê Việt.

Câu chuyện về đình Tiền Hiền thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân tiền nhân, được phát triển thành nội dung học tập văn hóa tâm linh. Hệ thống gia phả và câu chuyện các gia đình qua nhiều thế hệ không chỉ là tư liệu quý mà còn là bài học sống động về truyền thống gia đình Việt cho thế hệ trẻ.

Các ngôi nhà cổ tại Cẩm Kim, nơi lưu giữ dấu ấn bàn tay người thợ mộc Kim Bồng, cũng được đưa vào chương trình như một “bảo tàng sống”. Mỗi mái nhà, mỗi đường chạm khắc đều là minh chứng cho sự giao thoa giữa nghệ thuật kiến trúc làng nghề và đô thị cổ Hội An. Thông qua hình thức du lịch học tập, những giá trị này được tái hiện và lan tỏa mạnh mẽ, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của địa phương.

Dựa trên các trụ cột văn hóa - sinh thái - giáo dục, HTX đã thành lập các tổ dịch vụ như: Mô hình homestay cộng đồng, tổ ẩm thực, tổ thuyết minh viên tại điểm. Đặc biệt, đã có 10 cá nhân được đào tạo và cấp thẻ hướng dẫn viên tại điểm do Tổng cục Du lịch chứng nhận, mỗi người là một chuyên gia thuyết minh về ngành nghề, văn hóa, và lịch sử địa phương.

Sau hai năm triển khai mô hình, HTX Kim Bồng đã đón hơn 4.000 lượt khách, bao gồm sinh viên, học sinh, các đoàn nghiên cứu, gia đình, cộng đồng học tập từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Mạng lưới kết nối được mở rộng với các trường đại học trong nước và quốc tế như: Ritsumeikan, Kyoto University of Foreign Studies (Nhật Bản), các trường đại học tại Mỹ, Đức, Úc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan…

Cộng đồng hiện đã đủ năng lực để tổ chức và đón tiếp các đoàn từ 50-100 khách mỗi ngày, sẵn sàng trở thành điểm đến học tập - nghiên cứu cấp khu vực và quốc tế. 

baovanhoa


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật