//

Tình hình tổ chức hoạt động hướng dẫn tham quan "Di sản văn hoá thế giới" Khu phố cổ Hội An

Thứ bảy - 01/12/2012 15:30

Nội dung trinh bày của Trung tâm Văn Hóa - Thể Thao TP. Hội An tại cuộc gặp gỡ trao đổi với các doanh nghiẹp du lịch về hoạt động hướng dẫn tham quan "Di sản văn hóa thế giới" Khu phố cổ Hội An do UBND TP. Hội An tổ chức ngày 01/12/2012

A/ TÌNH HÌNH CHUNG:
 
Trong các năm qua, thành phố Hội An đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa thế giới Hội An. Nhiều chủ trương, biện pháp của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về trật tự kinh doanh, dịch vụ, du lịch đã và đang được thực hiện, thu được những kết quả tích cực, góp phần giữ gìn cảnh quan chung của khu Di sản văn hóa; qua đó, tạo ra những sản phẩm văn hóa du lịch mới, tăng cường sức hấp dẫn của Di sản văn hóa đối với đông đảo du khách. Những việc làm này của thành phố luôn nhận được sự hưởng ứng đồng thuận của người dân Hội An, du khách, các chủ di tích và sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp du lịch-dịch vụ, của các công ty lữ hành du lịch và các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài.
 
Thành quả trên đã góp phần đáng kể để Hội An liên tục nhận được các danh hiệu của các tổ chức, các tạp chí quốc tế bình chọn vào tốp 10 như “Thành phố lễ hội tốt nhất châu Á”, “Thành phố du lịch hàng đầu thế giới là những nơi có nhịp sống chậm rãi, không gấp gáp”, “điểm đến có ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á”, v.v...
 
Hoạt động tổ chức hướng dẫn tham quan Khu di sản văn hoá thế giới cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, đáp ứng cho việc bảo tồn và phát huy một tài sản quý giá, thúc đẩy cho sự phát triển của ngành kinh tế du lịch – dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, tăng thêm điều kiện để bảo tồn, tu bổ di tích.
 
Từ năm 1995 đến nay, qua hơn 17 năm thực hiện phương án phát hành vé chung cho cả khu Di sản, với nhiều phương thức tổ chức, thay đổi nhiều nội dung chương trình, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách du lịch; mặc dù có gặp nhiều nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến hoạt động tham quan như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng về kinh tế thế giới toàn cầu... nhưng lượng khách đến mua vé tham quan hàng năm đều tăng; tổng số tiền vé bán được là 281,7 tỷ đồng, nộp vào quỹ bảo tồn - trùng tu di tích hơn 211,3 tỷ đồng. (Chưa tính trong đó có khoảng 10-12% chi trả cho các chủ di tích tư nhân và tập thể).
 
B/ VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH VÉ THAM QUAN NĂM 2012
Do chỉ số giá tiêu dùng ngày một tăng;
- Ngày 14/11/2011, UBND thành phố có Tờ trình số 287/TTr-UBND gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc xin điều chỉnh mức phí tham quan công trình văn hóa khu Di sản văn hóa Thế giới Hội An.  
- Ngày 12/7/2012, HĐND tỉnh Quảng Nam đã có Nghị quyết số 39/2012/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.  
- Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, ngày 18/9/2012,UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND về mức thu, nộp, quản lý, và sử dụng lệ phí tham quan công trình văn hóa trên địa bàn Quảng Nam;
- Ngày 19/10/2012, UBND thành phố Hội An có Quyết định số 1688/QĐ-UBND về việc điều chỉnh tăng giá vé tham quan Đô thị cổ Hội An; trong đó, điều chỉnh giá vé tham quan Di sản văn hoá thế giới Hội An cho khách nước ngoài từ 90.000đ lên 120.000đ/người/06 công trình văn hóa; khách Việt Nam từ 45.000đ lên 60.000đ/ người/ 3 công trình văn hóa; mỗi công trình văn hóa có mức lệ phí là 20.000đ (tăng 33%); thời gian thực hiện từ ngày 01/11/2012.
Để điều chỉnh lệ phí vé tham quan tại Khu di sản, thành phố đã phải nghiên cứu, cân nhắc, căn cứ các văn bản của UBND tỉnh, các văn bản khác liên quan để thực hiện đúng lộ trình, nguyên tắc, đáp ứng các mục đích yêu cầu và phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, bởi các lý do sau:
 
1/ Về hình thức vé chung cho cả khu di sản:
Khác với các Khu di sản văn hóa thế giới như Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phong Nha - Kẻ Bàng, cố đô Huế mang giá trị về văn hóa-kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, Khu phố cổ Hội An là một quần thể kiến trúc với hơn 1000 di tích bao gồm nhiều loại hình: nhà cổ, hội quán, đình chùa, giếng, cầu, nhà thờ tộc; đường phố, sông, chợ, tập quán, nếp sống sinh hoạt văn hóa đời thường...., được mệnh danh là một bảo tàng sống bảo tồn khá nguyên vẹn.
 
Những giá trị và tiềm năng của Khu di sản luôn được nhân dân và thành phố Hội An trân trọng, bảo tồn, phát huy và thực hiện bằng nhiều chủ trương, nhiều  giải pháp về cảnh quan đô thị, cơ sở hạ tầng, an ninh, môi trường, du lịch, các sự kiện-lễ hội...
 
Vì vậy, việc du khách mua vé để, thưởng lãm, hưởng thụ và tham quan các giá trị đặc thù của quần thể di tích Khu phố cổ Hội An, một hợp thể công trình văn hóa Di sản thế giới, là thực hiện theo đúng qui định của ‎Luật Du lịch hiện hành đối với khách du lịch, đó là “Thực hiện nội quy, quy chế của khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch, cơ sở lưu trú du lịch” (Khoản 2-Điều 36) và theo đúng Qui chế quản lý hoạt động tham quan du lịch trên địa bàn thị xã Hội An, ban hành quyết định số 04/2007 ngày 06/4/2007 của UBND thị xã Hội An (nay là thành phố) đã ghi: Nghĩa vụ của khách du lịch khi đến tham quan Khu phố cổ phải mua vé tham quan theo qui định (điều 3, chương II).
 
2/ Về phân bổ, sử dụng tiền vé tham quan:
 
Thành phố đã bố trí khoảng 85% tiền thu được từ vé tham quan để đầu tư cho việc trùng tu các di tích, chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân duy tu, bảo dưỡng, tổ chức phục vụ khách đến tham quan.
 
Cũng từ nguồn kinh phí ấy, thành phố và nhân dân Hội An còn phải đầu tư nâng cao chất lượng cho từng nội dung của các sản phẩm du lịch văn hoá hiện đang tổ chức vào cả ban ngày lẫn ban đêm tại Khu di sản như đầu tư, duy tu hệ thống loa phát nhạc, trang trí hệ thống lồng đèn trên từng mái nhà, góc phố, chi phí cho lực lượng an ninh-trật tự của đề án "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ" 6 ngày-7 đêm/tuần; chi phí cho các lực lượng cộng tác viên, nghệ nhân tham gia chương trình văn hóa-nghệ thuật-thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của đề án " Phố đêm" cho 7 đêm/tuần ...; thậm chí, những người dân sống trong di sản cũng phải thường xuyên chăm sóc cho các sản phẩm du lịch, chung tay với thành phố để cùng góp sức, biết hy sinh khi chấp nhận đi lại bằng xe đạp hoặc đi bộ để giữ cho phố cổ Hội An có một không gian yên tĩnh, không bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, bụi bặm để tôn thêm vẻ đẹp, vẻ hấp dẫn của cảnh quan phố và các kiến trúc cổ kính nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng thức của du khách tốt nhất có thể.
 
Phải khẳng định rằng, kinh phí từ vé tham quan dành cho việc trùng tu là rất quan trọng nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ và hoàn toàn không thể đáp ứng việc thường xuyên trùng tu, tôn tạo do còn rất nhiều di tích đang xuống cấp trầm trọng nếu không có sự hỗ trợ từ các nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh, của các tổ chức quốc tế và của người dân đang sống trong Khu di sản. Chỉ cần lấy một ví dụ sẽ thấy ngay thực tế này. Với giá thành bình quân cho việc trùng tu 1 di tích hiện nay là khoảng 5 tỷ đồng, nếu lấy toàn bộ tiền vé tham quan năm 2012, khoảng 46 tỷ đồng, không chi phí gì cả, chỉ để trùng tu các di tích thì 1 năm cũng chỉ sửa chữa được khoảng 7 đến 10 di tích trong hàng trăm di tích đã và đang xuống cấp.
 
Chính vì vậy, khi mua vé tham quan, du khách đã chia sẻ trách nhiệm với người dân Hội An với tinh thần "Mua vé tham quan để góp phần gìn giữ Di sản văn hóa thế giới Hội An".
 
3/ Về giá vé tham quan hiện hành:
 
Giá vé tham quan Khu di sản Hội An hiện nay dành cho khách nước ngoài là 120000đ/6 công trình văn hóa và 60.000đ/3công trình văn hóa dành cho khách Việt Nam. Mức giá vé này là vừa phải vì hiện nay mức thu phí tham quan áp dụng cho một điểm tham quan (một công trình) ở các khu di sản khác cao hơn nhiều so với Hội An. Ví dụ:
 
- Vé tham quan Đại Nội-Huế là 80.000đ/lượt công trình đối với khách nước ngoài và 55.000đ/lượt công trình đối với khách Việt Nam;
- Vé tham quan động Thiên Đường (Quảng Bình) là 120.000đ/ người được áp dụng đồng giá cho khách nước ngoài và khách Việt Nam;
- Khu đền tháp Ăng-Ko (Cam-pu-chia) giá vé 20 USD/khách nước ngoài v.v... và cũng chỉ được 1 lần vào tham quan vào ban ngày.
 
Ở Hội An, với 1 tấm vé có giá trị tham quan từ 7 giờ sáng đến 21 giờ đêm, du khách có thể vào khu Di sản cả ban ngày lẫn ban đêm với 1 không gian cảnh quan của cả Khu phố cổ và 5 điểm tham quan tự chọn (thuộc nhiều loại hình di tích) dành cho du khách nước ngoài, 2 điểm tham quan tự chọn dành cho khách nội địa. Khi mua vé, du khách không những đắm mình trong không gian cảnh quan của một Đô thị cổ, được tham quan các di tích nổi tiếng mà còn được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đường phố, tham gia các trò chơi dân gian và có những trải nghiệm sinh hoạt đời thường, nếp sống của người dân trong phố cổ v.v...
 
Ngoài ra, đối với khách tham quan đi theo đoàn do các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp du lịch tổ chức, thành phố cũng đã có cơ chế giảm miễn: đủ 15 khách, miễn 1 vé và đoàn đủ 8 khách, miễn phí hướng dẫn viên, trẻ em dưới 16 tuổi được tham quan miễn phí.
 
4/ Về sự đồng thuận của các doanh nghiệp lữ hành:
Trước khi điều chỉnh giá vé, từ ngày 25/9/2012, Trung tâm VH-TT thành phố (đơn vị tổ chức thực hiện) đã thông tin cho các Công ty lữ hành du lịch trên toàn quốc thông qua trên website thông tin văn hóa-du lịch thành phố có địa chỉ: www.hoianworldheritage.org.vn để các doanh nghiệp có thể chủ động trong việc kinh doanh của mình. Riêng đối với 12 Công ty lữ hành du lịch có ký kết hợp đồng với Trung tâm VH-TT Hội An, đơn vị đã thực hiện theo đúng nội dung cam kết: “Khi điều chỉnh giá vé tham quan khu phố cổ Hội An thì phải báo cho phía Công ty ít nhất 01 tháng” (thực tế Trung tâm đã báo trước hơn 1 tháng), đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp lữ hành nào có ý kiến phản hồi phàn nàn.
            Hội An, ngày 30/11/2012
Trung tâm VH -TT thành phố Hội An

 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật