/

Trang chính » Báo Công An Đà Nẵng

Di sản của công chúa Ngọc Hoa

Đăng vào: Thứ tư, 17/08/2016

Chiều 15-8, lần đầu tiên thành phố Hội An (Quảng Nam) tổ chức tái hiện đám cưới giữa công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro cách đây gần 400 năm. Câu chuyện tình giữa họ được cho là đặt cầu nối cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.

1 77768

Hơn 400 năm trước, Hội An là thương cảng sầm uất ở xứ Đàng Trong. Nơi đây, các thuyền buôn của nhiều nước đến buôn bán, trao đổi hàng hóa, trong đó có thương thuyền của thương nhân Araki Sotaro. Người ta kể rằng, Araki Sotaro vốn là võ sĩ Samurai, năm Thiên Chính thứ 16 (tức năm 1588) ông đã tới Nagasaki và bắt đầu nghề buôn bán bằng thuyền. Chẳng mấy chốc ông đã tạo cho mình một dinh cơ nguy nga và trở thành một thương gia lớn. Từ đầu thế kỷ XVII, Araki Sotaro là thủ lĩnh các doanh nhân xứ Phù Tang sang làm ăn buôn bán nhiều năm tại Hội An. Trong bức tranh “Giao Chỉ Quốc mậu dịch độ hải đồ” của thương gia Chaya Shinroku đã miêu tả chuyến hải trình vượt biển của thương thuyền Nhật Bản đi từ Nagasaki cập bến Hội An đến Dinh Chiêm (lỵ sở Quảng Nam Dinh) dâng lễ vật yết kiến Chúa Nguyễn... Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phùng Tấn Đông (Hội An) cho biết: “Trong nhiều thương nhân đến Hội An buôn bán, Araki Sotaro được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên có cảm tình và “giao cho nhiều trọng trách tại Hội An”. Vào năm 1619, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên lập cho ông một tờ thư xác nhận ông đã tự nguyện ở dưới gối-tức làm chức quan trung thành với Chúa”. Chính vì thế mà ông dễ dàng đặt mối quan hệ thân tình với triều đình nhà Nguyễn. Đến năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đồng ý gả con gái của mình là công chúa Ngọc Hoa cho Araki Sotaro”. Với cuộc hôn nhân xuyên quốc gia này, chúa Nguyễn muốn có quan hệ bền chặt với các thương nhân Nhật Bản. Nhưng với Ngọc Hoa, người viết đồ rằng, việc vượt đại dương để đến làm dâu ở một đất nước xa lạ hẳn không phải là điều nàng mong đợi. Nhưng xuất giá tòng phu, năm 1620 tại thương cảng Hội An, nàng Ngọc Hoa đã theo chồng về sống tại Nhật Bản. Sách sử ghi rằng, khi cùng chồng ngồi trên thuyền trở về Nagasaki, mắt Ngọc Hoa rướm lệ, luôn quay nhìn lại quê hương Việt Nam. Khi làm dâu ở Nhật, nàng Ngọc Hoa được mọi người yêu mến, bởi đức tính và phẩm giá đoan chính của mình. Nàng được gọi với cái tên thân mật là Anio. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Nhật thì công chúa Ngọc Hoa đã có ảnh hưởng nhất định đến văn hóa và giao thương ở Nagasaki. Hiện nay, trong văn hóa ẩm thực của vùng Nagasaki vẫn còn thể hiện rất rõ ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam qua sự truyền dạy của bà Ngọc Hoa. Đó là việc bày thức ăn trên một bàn ăn hình tròn màu đỏ rộng khoảng 1m và cao khoảng 30 cm, đây là điểm khác biệt rất lớn với văn hóa Nhật Bản bởi người Nhật thường dùng bàn ăn hình chữ nhật và sơn màu nâu đen. Ngoài ra, người Nhật trong các bữa cơm trưa thường ăn theo suất, mỗi người một khay với các đĩa nhỏ nhưng hiện đa phần người dân vùng Nagasaki lại ăn theo kiểu người Việt, là thức ăn bày trong các đĩa lớn để mọi người trong mâm cơm tự chọn món mình yêu thích. Ngoài ra khi chồng mất, bà Ngọc Hoa đã hỗ trợ rất nhiều cho các thương nhân buôn bán tại vùng Nagasaki, thúc đẩy mối quan hệ với triều đình nhà Nguyễn và làm sổ sách kế toán. Đến khi bà mất, việc giao thương buôn bán đã bị gián đoạn một thời gian dài. Công chúa Ngọc Hoa mất năm 1645, sau chồng 10 năm, được chôn cất tại Đại Âm tự ngay trung tâm thành phố Nagasaki. Hằng năm vào mùa thu, người dân thành phố Nagasaki tổ chức lễ hội mang tên Nagasaki Kunchi, lễ hội này được xem là tài sản văn hóa dân tộc có tầm quan trọng quốc gia ở Nhật. Vào ngày diễn ra lễ hội có khoảng 5 đến 7 nhóm sẽ biểu diễn các điệu nhảy truyền thống của Nhật Bản, múa rồng, hay các màn trình diễn trên các xe diễu hành lớn. Trong số xe diễu hành có chiếc thuyền buồm lớn, trên thuyền có một bé trai mặc trang phục truyền thống Nhật, bên cạnh bé trai là bé gái mặc trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam. Đó chính là đại diện cho thương gia Araki Sotaro và công chúa Ngọc Hoa. Theo nghiên cứu của các nhà sử học Nhật Bản thì công chúa Ngọc Hoa chính là người Việt đầu tiên đã đặt chân tới Nhật và cặp vợ chồng Nhật–Việt này cũng là cặp vợ chồng ngoại quốc đầu tiên ở Nhật. Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki hiện vẫn còn trưng bày chiếc gương soi của công chúa Ngọc Hoa. Thế mới biết, nàng Ngọc Hoa đã có một ảnh hưởng tốt đẹp đến với người dân Nhật từ hơn 400 trước...

2 61910

Các nghệ nhân múa rồng tỉnh Nagasaki hướng dẫn người dân và du khách ở Hội An múa rồng truyền thống của tỉnh Nagasaki.

Sự kiện tái hiện đám cưới giữa công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro nằm trong chương trình giao lưu văn hóa Hội An–Nhật Bản lần thứ 14. Câu chuyện hôn nhân đó như là nhịp cầu nối về tình hữu nghị giữa Việt Nam – Nhật Bản từ quá khứ đến hiện tại. Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông cho biết, theo truyền tụng, công chúa Ngọc Hoa đã dạy các điệu múa An Nam cho người Nhật, có công chẩn tế, xây chùa Phật (pháp danh bà là Diệu Tâm)... Với những việc làm đó, công chúa Ngọc Hoa đã tạo nên một di sản kết nối quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ giao thương cho ngày xưa và cả bây giờ nữa.

Hoàng Anh

Nằm trong chuỗi các hoạt động của sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” và “Hội hoa đăng - Báo hiếu, Hội An 2016”, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa -Thể thao Hội An và nhiếp ảnh gia quốc tế Réhahn (Pháp) phối hợp tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam”.

Di san cua cong chua Ngoc Hoa - Anh 3

Một bức ảnh trưng bày tại triển lãm.

Triển lãm trưng bày 40 tác phẩm của nhiếp ảnh gia Réhahn, ghi lại hình ảnh những người mẹ, người chị sống ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Trong đó có bức ảnh nổi tiếng thế giới “Nụ cười ẩn giấu” của bà cụ Xong, người lái đò tại Hội An. Bức ảnh này đã chính thức nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội. Một số tác phẩm của Réhahn trưng bày lần này đã đưa vào bộ sưu tập tại các bảo tàng ở Việt Nam và Cuba. Thông qua các bức ảnh, anh gửi đến cho người xem một góc nhìn mới mẻ về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, giàu đức hi sinh - một vẻ đẹp bình dị nhưng rất nhân văn và cao cả. Nhiếp ảnh gia Réhahn sinh ra và lớn lên tại Normandy, Pháp. Cơ duyên đã mang Réhahn đến Việt Nam và gắn bó với Hội An như ngôi nhà thứ hai của mình. Trong sự nghiệp của mình, đến nay Réhahn đã viếng thăm hơn 35 quốc gia trước khi quyết định gắn bó với Hội An. Anh nổi tiếng các bức ảnh chụp chân dung tại Việt Nam, Cuba và Ấn Độ.

M.N


Các bản tin cùng thể loại

Cũ hơn