Quan niệm Vạn vật hữu linh và Mắt cửa Hội An
- Thứ ba - 21/12/2010 16:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ ngày Kazimien Kwiatkowsky (Kazic) phát hiện ra một Hội An lịch sử với báo cáo số 1 gửi cho Tiểu ban phục hồi di tích Việt Nam- Ba Lan cách đây hơn 20 năm, và sau đó là dòng du khách đổ về Hội An, giới nghiên cứu văn hoá đã chú ý đến một hiện tượng khá đặc biệt trong hàng ngàn chi tiết kiến trúc trên hầu hết các ngôi nhà cổ, đó là đôi mắt cửa bằng gỗ, được đẽo khắc đa dạng, công phu gắn phía trên cửa ra vào. Nhiều người cho rằng đó là “hoá thân của tâm hồn người Hội An”; hay đó là biểu tượng linh thiêng và độc đáo ảnh hưởng triết lý phương Đông, hoặc văn minh Ấn Độ giáo… Trong bài viết “Mắt cửa – Biểu trưng của hồn phố Hội An”, tác giả Trần Ánh- một trong những cán bộ nghiên cứu lâu năm về văn hoá Hội An nhận định, có lẽ ban đầu nó chỉ là hai chốt gỗ mang công năng kiến trúc là chính, sau này chủ nhà khoác lên mình chúng những ý nghĩa tâm linh hay thậm chí mang màu sắc tín ngưỡng hàm chứa những sự tồn vong, suy thịnh của gia chủ; là nhãn quan thấu hiểu, thấu nhìn mọi suy nghĩ, hành vi của các thành viên gia đình trong quan hệ nội bộ… Trong cuốn “Cư dân Faifo – Hội An trong lịch sử” của Nguyễn Chí Trung xuất bản tháng 12.2005, phần viết về nhà phố Hội An cũng có đoạn: “Lý giải về nguồn gốc của mắt cửa (Hội An) chắc hẳn còn phải tiếp tục nghiên cứu vì như chúng ta nhận thấy tất cả các ghe, thuyền trên sông, biển Hội An và nhiều tỉnh khác ở phía Nam Việt Nam đều có hình tượng đôi mắt”.
Trong thực tế, hiện tượng vẽ, gắn mắt cho vật kiến trúc; tôn kính, thờ phụng vật dụng gần gũi (ông bình vôi) hoặc có ý nghĩa liên quan đến sự tồn vong vận mạng cá nhân, dòng tộc hay cộng đồng không lạ trong đời sống sinh hoạt của các dân tộc sống trong khu vực đông nam Á và thổ dân ở nhiều châu lục khác. Trong tập quán của các dân tộc sống trên dãi đất Việt Nam hiện tượng đó càng không hiếm, đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số. Ví dụ hiện nay người ta vẫn tìm thấy các chi tiết kiến trúc gần giống đôi mắt cửa của Hội An tại một số đền tháp Chăm ở khu vực miền Trung hay tục thờ thuỷ thần hiện còn khá phổ biến trong đời sống sông nước của người Việt. Tục thờ thuỷ thần xuất phát từ thuyết vạn vật hữu linh. Quan niệm này cho rằng, vạn vật đều có linh hồn. Từ thời nguyên thuỷ, thậm chí cho đến cuộc sống hiện đại ngày nay, thường ở khu vực nông thôn, miền núi đa phần người dân vẫn nhìn thấy đằng sau mỗi hiện tượng tự nhiên đều có một vị thần. Vị thần đó quyết định sự vận hành của vũ trụ, trong đó có đời sống con người.
“Vạn vật hữu linh” còn dễ nhận thấy trên chiếc ghe bầu – một sản phẩm đặc sắc của nghề biển Việt Nam trong quá khứ. Đây là loại thuyền mà mũi và lái đều nhọn, bụng bầu, độ ngấn nước sâu, nên thuyền có khả năng đi xa, dài ngày trên biển. Đặc biệt nhất là các thuyền đều có đôi mắt trước tròn, đuôi mắt dài nhọn… Chính nhờ loại ghe bầu này mà người dân Xứ Quảng buôn bán khắp nước, hoặc có thể vươn ra khơi xa để đánh bắt cá, đặc biệt là việc tổ chức đội lính Hoàng Sa có thể dùng thuyền ra đóng đồn, canh phòng đảo cách xa đất liền hàng trăm hải lý.
Mắt cửa hay môn thần
Tại thôn Nghi Phụng, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa có một ngôi nhà cổ có tuổi gần 200 năm của ông Lê Khải. Chủ nhà nay đã qua tuổi 90. Đó là một ngôi nhà rường cổ bằng gỗ được điêu khắc đẹp, mái lợp ngói âm dương. Theo chủ nhân thì ông gốc người Bình Định, cha ông đều rạng rỡ công trạng. Điều đáng lưu ý trong ngôi nhà này đó là 9 con mắt gỗ chạm rất khéo ngay trên cửa. Ông giải thích đó là những con mắt của tướng Uất Lũy, tục gọi là Thần giữ cửa. Lời giải thích này còn nghe được từ chủ nhà số 61 Trần Phú – Hội An. Cũng là mắt cửa, nhưng Hội An chỉ có một đôi. Từ cách gọi của ông Lê Khải cho thấy 9 con mắt cửa này có liên quan đến tín ngưỡng của người Hoa. Theo sách Trung Hoa cho biết, vào thời cổ đại (thời Hoàng Đế), trên núi Độ Sóc ở biển Đông, có một cây đào thần kỳ, thân và gốc lớn tới ba dặm; tại gốc đào khổng lồ ấy có hai vị thần tên gọi Thần Đồ và Uất Lũy chuyên cai quản lũ quỷ dữ; con quỷ nào ác độc đều bị hai vị thần trói bằng thừng. bện bằng cây sậy, đem cho hổ ăn. Do đó, Hoàng Đế đã sai người lấy gỗ đào tạc hình Thần Đồ, Uất Lũy và con hổ, lại gài cả thừng bằng sậy vào đó, rồi để bên cửa để trừ tà đuổi quỷ, tục gọi là Môn thần. Với người Việt, hai ông thiện, ác thường thấy ở các đình chùa, miếu mạo cũng là những vị thần giữ cửa.
Trong tín ngưỡng người Chăm Pa cũng có môn thần, gọi là Dvarapalla. Môn thần với ý nghĩa là người bảo vệ cho Đạo pháp, bao giờ cũng đứng ở cửa của một công trình kiến trúc tôn giáo. Dọc dài mảnh đất miền Trung, nay vẫn còn lại nhiều tượng Môn thần trong các đền tháp với những niên đại khác nhau. Nhưng độc đáo nhất có lẽ là hai tượng hộ pháp tại chùa Nhạn Sơn, tỉnh Bình Định. Hai pho tượng nay đã được sơn vẽ lại nhưng nhận định của các nhà nghiên cứu văn hoá Chăm tại Bình Định đó là hai pho tượng được tạc bằng đá sa thạch, một loại nguyên liệu đặc trưng trong điêu khắc tượng thần của người Chăm. Về trang phục cả hai tượng đều mặc sampot, tóc búi cao xung quanh là những sợi dây buộc chéo, trâm cài phía sau, đầu đội mũ có rìu xéo… Cả hai pho tượng đều có miệng lớn, mũi bành rộng lưng gãy, ngực hơi ưỡn… Nhưng giờ đây y phục của hai pho tượng đều đã được Việt hoá. Hai vị được mặc áo đại bào, đầu đội mũ đằng cho giống với các tượng thần trong chùa Việt. Từ chùa Nhạån Sơn đến gò Tam Tháp khoảng vài trăm mét. Nơi đây có phế tích tháp Chàm quy mô khá lớn, có thể đoán định rằng hai tượng Môn thần vốn là những tác phẩm điêu khắc trong quần thể kiến trúc tháp. Năm tháng trôi qua, tháp sập đổ, tượng đá bị vùi cho đến ngày những người dân Việt tìm thấy. Họ đưa về chùa thờ phụng và trở thành những biểu tượng thần người Việt. Đây có lẽ là một sự giao thoa tín ngưỡng rõ ràng nhất, sau Tháp bà Ponaga ở Nha Trang.
Sự tương đồng về tập quán thờ thần cùng đặc tính dễ thích nghi, giỏi tiếp biến của người Việt, từ môn thần trong tín ngưỡng của người Chăm, người Hoa và hộ pháp của người Việt đến cặp mắt trên cửa chính nhà thay cho hai vị thần giữ cửa Thần Đồ, Uất Luỹ không xa nhau là bao. Đặc biệt Hội An là vùng đất trong quá khứ đã từng có sự cộng cư của bốn dân tộc Chăm, Việt Hoa, Nhật.
Tuy vậy, là một biểu tượng của quan niệm Vạn vật hữu linh hay chi tiết kiến trúc thì đôi mắt cửa từ lâu đã là một thực thể không thể tách rời khỏi đời sống văn hoá tâm linh của người Hội An. Đây cũng chính là cách con người giao hoà với thiên nhiên, từ đó làm ra chiều sâu của một di sản văn hoá nhân loại, để cho đến nay vẫn là bí mật cho những nhà nghiên cứu văn hoá mãi đi tìm.