Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, làng gốm Thanh Hà có lúc tưởng chừng rơi vào lãng quên. Thế nhưng, với tâm huyết của một số nghệ nhân, gốm Thanh Hà đang dần được phục hồi. Từ đôi tay khéo léo và điêu luyện của các nghệ nhân trong làng, những sản phẩm từ đất nung như bình vôi, bình rượu, ấm, chum, vại và cả những con vật gần gũi, thân thương hàng ngày cũng ra lò từ đó.
Thổi hồn cho đất
Cả làng hiện có 23 hộ sản xuất gốm với trên 100 lao động, hằng năm sản xuất khoảng 400.000 sản phẩm. Theo 1 nghệ nhân lâu năm, nguyên liệu làm gốm là đất sét, người trong làng phải lên huyện Điện Bàn mua với giá 200.000 đồng/ghe. Sau đó mang về ủ đất để giữ độ ẩm. Trước khi tạo ra sản phẩm phải nhồi, đánh cho đất chín rồi mới nặn. Có những sản phẩm tinh xảo, đòi hỏi đất mịn thì phải qua một công đoạn công phu khác là lọc đất 2 - 3 lần để loại bỏ tạp chất. Sau khi nặn thành sản phẩm, phải phơi nắng một ngày rồi làm nguội để tạo ra những hoa văn, hoạ tiết hoặc sơn vẽ lên sản phẩm, cuối cùng mới đưa vào lò nung trong vòng 24 tiếng. Hiện nghệ nhân cao tuổi và giỏi nhất trong làng là bà Nguyễn Thị Được (85 tuổi). Bà Được làm nghề khi mới 13 tuổi, cả làng Thanh Hà hiện nay, hết thế hệ này tới thế hệ khác đều là học trò của bà.
Bây giờ Thanh Hà còn là điểm du lịch hấp dẫn trong hành trình về với Hội An - Di sản văn hóa Thế giới. Đến làng gốm Thanh Hà, du khách không chỉ được tham quan, tìm hiểu các công đoạn sản xuất mà còn có thể mua sản phẩm mình ưa thích với giá “mềm”. Đặc biệt, du khách còn được các nghệ nhân hướng dẫn để tự tay sáng tác các sản phẩm theo trí tưởng tượng của mình. Chính vì vậy, làng gốm Thanh Hà ngày càng thu hút khách du lịch.
Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gốm Thanh Hà. Hy vọng, đây sẽ là cú hích để làng nghề vươn xa hơn nữa.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn