//

Đình làng Hội- điểm tham quan mới tại phố cổ Hội An

Thứ sáu - 25/03/2022 10:02

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh đình làng Hội (đình Ông Voi) sẽ diễn ra chính thức vào 15g ngày 26/3/2022. Đây là một trong chuỗi các hoạt động chào mừng Năm du lịch quốc gia 2022 Quảng Nam.

z3288093977958 e46c43ef0656b32290540902f6b01eca
1.Lịch sử thế kỉ XVII, XVIII Hội An từng là thương cảng lớn bậc nhất xứ đàng Trong Việt Nam, nơi buôn bán tấp nập “Trên bến dưới thuyền”. Thương gia từ các nước về đây tụ họp, hàng hóa đa dạng, phẩm vật phong phú.
 
Đây là vùng đất được mệnh danh là hội thủy-hội nhân- hội văn. Và chỉ có nơi này mới có được những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt có một không hai ở Việt Nam và trên thế giới. Trong lòng phố- thương cảng xưa có rất nhiều công trình kiến trúc thuộc nhiều loại hình khác nhau: đình, chùa, miếu, nhà cổ, hội quán, chùa cầu,…
 
2.Trong đó đình Ông Voi là một công trình qui mô với tổng diện tích hơn 1300 m2, hình chữ khẩu, nằm hướng Nam. Đình với chức năng phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của làng Hội An, một làng xuất hiện gần 400 năm, có đời sống kinh tế phát triển, trong đó thế mạnh là buôn bán và làng cũng có nhiều thợ giỏi, được triều đình trưng dụng, ban cho chức sắc.
 
Đình làng Hội bao gồm nhiều phức hợp công trình ở bên trong như miếu Bà, tiền đình, chính điện, hậu tẩm, nhà đông, nhà tây, giếng nước,… Và đình có niên đại lâu đời (thời hậu Lê) ở Hội An, căn cứ vào các bức hoành ở đình Ông Voi xác định đình được xây dựng cách ngày nay khoảng 300 năm, tuy nhiên vẫn chưa xác định được năm xây dựng cụ thể. Tại đây đã có thời gian 40 năm sử dụng không gian đình để làm trường mẫu giáo măng non Minh An. 
 
Đình Ông Voi là một công trình văn hóa- tín ngưỡng tiêu biểu của người dân địa phương. Trước năm 1960, người dân thường gọi là đình làng Hội, sau đó tên gọi đình Ông Voi có từ thập kỉ 60, thế kỉ XX vì lúc bấy giờ có nhiều người đến đây ở tạm, trong đình có hai con voi nên họ gọi là đình Ông Voi.
 z3288093481945 f1b84c53ddb7b39c91e1803011e7b72f
3.Trang trí kiến trúc đình Ông Voi khá đa dạng, tinh xảo đến từng chi tiết (con ke, bông trính, đầu trính…), đồ án trang trí là các chủ đề thực vật, hoa văn thiên nhiên, có sự kết hợp giữa kiến thức trang trí truyền thống  và phương Tây điển hình như phần cổng.
 
Sau lưng bàn thờ gian hậu tẩm là cầu thang lên tầng 2 được chiếu sáng với những ô gió cách điệu theo kiểu hình bông hoa rất ấn tượng. Hệ khung chịu lực được làm kết hợp giữa vật liệu gỗ, đá, gạch và vôi vữa. Hệ thống cột ở mặt tiền chính điện, nhà đông nhà tây làm bằng đá nguyên khối được khắc chạm các câu đối Hán Nôm.
 
Hệ vì kèo kết hợp trính chồng trụ đội và kèo kẻ suốt để đỡ đòn tay gỗ và mái ngói âm dương. Giá trị mỹ thuật của ngôi đình ấn tượng bởi các chi tiết trên gỗ, đặc biệt là trụ đội nhà đông, nhà tây và bẩy hiên, bông trính mặt tiền chính điện.
 
Các bông trính được chạm trổ tỉ mỉ, sắc nét về đề tài hoa sen, rồng dây với hình khối chia làm 3 tầng. Những hoành phi, liễn đối sơn son thiếp vàng càng góp phần tăng tính thẩm mỹ và tôn nghiêm của ngôi đình.
 
4.Đối tượng thờ tự của đình là Chủ thần Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nướng và Bô Bô Thu Bồn là những vị thần sông nước, thể hiện yếu tố sông nước ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần và vật chất của người dân địa phương, trong đó yếu tố sông biển ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại, đi lại, đánh bắt trên sông.
 
Phật giáo cũng đã có một thời gian ảnh hưởng quan trọng đến làng, và sự phối thờ phật, thần trong đình là điều rất hiếm gặp tại các ngôi đình ở Hội An, Quảng Nam và miền Trung.
 
Lễ an vị tại di tích là nghi thức quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng  của người Việt nói chung và người Hội An nói riêng. Lễ an vị tại đình Ông Voi đã được tổ chức trang trọng vào sáng 28/11/2021 . Tại đây diễn ra hai lễ cúng lớn hằng năm là tế xuân (10/3) và tế thu (10/8). Ngoài ra còn có lễ giỗ Bà vào ngày 18/2 âm lịch (có khả năng là vía Quan thế âm bồ tát).
 
Ngoài chức năng thờ tự, lễ nghi tín ngưỡng, đình Ông Voi còn là là nơi diễn ra nhiều hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội khác.
 
 Nhìn chung đình Ông Voi vẫn  giữ nguyên đúng tính chất của đình làng người Việt, là nơi thờ tự các vị thần linh của làng và diễn ra các lễ lệ hằng năm. Đình còn là nơi có chức năng sinh hoạt cộng đồng trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa- nghệ thuật, giáo dục, thể thao của làng.
 z3288095265976 d503a2853590743a039be5744173363d
5. Văn hóa làng xã đã đi sâu trong tiềm thức của người Việt. Ở mảnh đất Hội An tuy là vùng đất thương nghiệp, trao đổi buôn bán là chủ đạo, nhưng người dân nơi đây vẫn chú trọng xây dựng đình làng thờ tự Thành hoàng làng và những vị thần chủ chốt người dân đề cao trong đời sống tinh thần. 
 
Đó là sự tiếp nối mạch nguồn văn hóa từ bao đời nay trong đời sống văn hóa Việt Nam, có sự kế thừa và tiếp biến cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương qua các thời kì, đặc biệt trong thời kì Hội An là thương cảng quốc tế, có sự giao lưu mạnh mẽ về văn hóa. Người dân có sự học hỏi, tiếp thu và tiếp biến cho phù hợp, hòa nhập nhưng không hòa tan trong bối cảnh văn hóa gốc Việt xen kẽ với một số nền văn hóa khác bấy giờ tại nơi đây.
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn