//

Tăng giá vé để “truyền đạm” cho phố cổ

Thứ tư - 05/12/2012 09:15

Hôm nay 4/12, kỷ niệm 13 năm ngày Đô thị cổ Hội An được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 - 2012), Hội An miễn phí vé tham quan cho tất cả du khách trong nước và quốc tế từ 7h đến 21h. Hoạt động miễn vé này đã được Hội An duy trì trong suốt 13 năm.

Đây cũng là thời điểm nhìn lại câu chuyện về tăng giá vé tham quan khu phố cổ được thực hiện 1 tháng qua nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đã được UNESCO vinh danh. Việc này được xem như việc “truyền đạm” cho khu phố cổ, từng được ví von như một “thân già” cần “chăm sóc”.

Hội An đã từng tăng giá vé tham quan gấp 10 lần

Từ những năm 1980-1985 thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An) đã bắt đầu làm du lịch với việc bán vé tham quan 11 điểm di tích trong khu phố cổ. Khi đó, mỗi điểm di tích có một loại vé riêng, giá 1.000 đồng/vé, khách vào điểm di tích nào chỉ mua vé của điểm di tích đó. 

Chính quyền Hội An và các ban ngành đã nghiên cứu để việc bán vé vừa giúp người dân được hưởng lợi từ chính di tích - nhà ở của họ, vừa có thể đóng góp để tu bổ sửa chữa những ngôi nhà đang xuống cấp. Hội An đã xây dựng một phương án mới về việc bán vé chung khi tham quan khu phố cổ để trình lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Lúc đó có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí phản đối phương án này rất quyết liệt.

Nhưng với chủ trương không thể để các doanh nghiệp khai thác, làm giàu mãi trên cái “thân già” phố cổ, trong khi đã là “thân già” nếu không được chăm sóc, không được “truyền đạm” sẽ suy sụp rất nhanh. Ông Nguyễn Sự khi đó là Chủ tịch thị xã đã "đấu tranh" gay gắt, có lúc quyết liệt tới mức nổi nóng: “Nếu không tán thành (việc bán vé tham quan khu phố cổ), tôi sẽ về đóng cửa phố cổ lại, không cho ai vào tham quan gì nữa”. 

Mười ngày sau, tỉnh quyết định thông qua phương án thu vé, ngày đầu tiên tổ chức bán vé, Hội An thu về 13 triệu. Năm 1995, Hội An thu về 5,7 tỷ từ việc bán vé tham quan.

Khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An. Ảnh Thái Hà - TTXVN

Từ "vé tham quan chung"

Tấm vé chung với những ô vé tham quan khu phố cổ lần đầu tiên được phát hành đó sẽ đưa du khách tham quan 10 di tích điển hình với 4 nhà cổ loại đặc biệt, 3 hội quán, 3 bảo tàng và một chùa (được lựa chọn giữa chùa Ông và chùa Cầu). 

Rất nhiều người đã phản ứng gay gắt trước sự thay đổi này với lý lẽ họ chỉ muốn đi tham quan một, hai điểm di tích, sao lại ép buộc họ phải mua vé chung với giá cao như thế. Nhưng chỉ khoảng 2 tháng sau, dư luận và khách tham quan cũng quen dần với việc thay đổi này cùng với thực tế lượng khách đến Hội An tăng đều đặn mỗi năm.

Đặc biệt, từ năm 1999, khi quần thể khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, việc bán vé chung một lần nữa được khẳng định bởi toàn bộ khu phố cổ là di sản, là một bảo tàng sống độc đáo với những người dân sống và sinh hoạt hàng ngày trong chính di sản.

Từ năm 1995 đến nay, Hội An đã thực hiện tăng giá vé 3 lần, gần đây nhất là từ ngày 1/11/2012: trong đó điều chỉnh giá vé tham quan Di sản văn hóa thế giới Hội An cho khách nước ngoài từ 90.000 đồng lên 120.000 đồng/người/6 công trình văn hóa, khách Việt Nam từ 45.000 đồng/người lên 60.000 đồng/người/3 công trình văn hóa, đảm bảo giá vé đồng nhất cho khách nước ngoài và khách Việt Nam trên mỗi công trình văn hóa là 20.000 đồng.

Với giá vé này, mỗi khách tham quan sẽ có một ô vé chung để tham quan cảnh quan không gian khu phố cổ, được tham quan và trải nghiệm lối sống đã trở thành nếp văn hóa “riêng có” của người Hội An với những sinh hoạt hàng ngày, những trò chơi dân gian, xem biểu diễn nghệ thuật cổ truyền trên mỗi góc phố suốt từ 7h sáng đến 22h đêm... Ngoài ra, khách Việt Nam sẽ được tự do lựa chọn 2 điểm tham quan (tương ứng với hai ô vé) và khách nước ngoài được lựa chọn 5 điểm tham quan (tương ứng với 5 ô vé) thuộc nhiều loại hình di tích trong tổng số 21 điểm di tích đang được đưa vào phục vụ khách tham quan.

Đến thông điệp: Mua vé tham quan góp phần giữ gìn Hội An

Hội An là một di sản sống, trong đó, mỗi ngôi nhà chính là một di tích nên việc sửa chữa, trùng tu phải tuân thủ đúng quy định về luật di sản, tốn kém gấp nhiều lần so với sửa chữa và xây dựng cơ bản. Bình quân, chi phí cho việc trùng tu một di tích hiện nay khoảng 5 tỷ đồng. Nếu lấy toàn bộ tiền vé tham quan năm 2012, khoảng 46 tỷ đồng, không chi phí gì cả, chỉ để trùng tu các di tích thì một năm cũng chỉ sửa chữa được khoảng 7 đến 10 di tích trong khi hàng trăm di tích của khu phố cổ đã và đang xuống cấp.

Nhiều năm qua, qua nhiều lần thay đổi mẫu mã hình thức của tấm vé tham quan nhưng thông điệp “Mua vé tham quan góp phần giữ gìn di sản văn hóa thế giới Hội An” vẫn được in trên mỗi tấm vé không chỉ như một lời kêu gọi việc mua vé tham quan mà còn là lời tri ân của cư dân phố cổ với du khách. Thực tế, 17 năm qua thành phố Hội An đã bố trí khoảng 85% tiền thu được từ vé tham quan để đầu tư cho việc trùng tu các di tích, chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân duy tu, bảo dưỡng, tổ chức phục vụ khách đến tham quan.

Những ngoại lệ khuyến khích du khách lưu trú 

Thành phố Hội An có cơ chế giảm miễn với khách tham quan đi theo đoàn do các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp: đủ 15 khách được miễn một vé và đoàn đủ 8 khách, miễn phí hướng dẫn viên; trẻ em dưới 16 tuổi được tham quan miễn phí.

Du khách mua vé tham quan phố cổ

Ngoài ra, theo ông Châu Toàn Khánh, Phó Văn phòng hướng dẫn tham quan Hội An, có những ngoại lệ bất thành văn nhưng trong quá trình thực hiện, Văn phòng hướng dẫn tham quan đã áp dụng nhiều năm nay: Với khách có chương trình tham quan và lưu trú tại Hội An vài ba ngày, tấm vé tham quan sẽ không chỉ có giá trị trong 24 giờ như đúng quy định mà có giá trị trong suốt thời gian khách lưu trú.


Tác giả bài viết: Khiếu Thị Hoài

Nguồn tin: tintuc.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật