Du lịch cùng ẩm thực xứ Quảng
- Thứ ba - 06/06/2017 09:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam 2017, tại “Liên hoan Ẩm thực quốc tế” sẽ giới thiệu đặc sản cao lầu nổi tiếng của Hội An. Ảnh: L.T |
Liên hoan ẩm thực quốc tế nằm trong chuỗi các hoạt động Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 sẽ là nơi gặp gỡ của đầu bếp 12 quốc gia. Ngoài việc mang đến liên hoan những đặc trưng của đất nước mình, các đầu bếp sẽ thử tài chế biến món cao lầu - đặc sản Hội An, món ăn được coi như đại diện cho ẩm thực của Quảng Nam trong kỳ hội này.
1. Ẩm thực - ấn tượng vùng đất. Hẳn rồi. Bất cứ địa danh nào cũng ít nhiều để lại ấn tượng bởi cái mùi vị quán xá, cái “của ngon vật lạ” mà người đi đâu xa cũng muốn về kể lại với người ở nhà. Cái nhắc nhớ người ta nhất khi đi du lịch đến một vùng đất nào đó, không hẳn là việc ở resort hạng sang, mà là những hương vị ẩm thực cứ lâu lâu dậy mùi. Hình như vùng nào nước nào làm du lịch, người ta cũng đề cao chuyện ăn uống. Bởi đây có thể là cách để du khách móc hầu bao mà không sợ tốn kém. Ngủ có thể chỗ rẻ, chỗ chật một chút. Nhưng ăn thì phải ăn ngon.
Điểm nhấn “Thử thách cao lầu” Chủ tịch Công ty TNHH Tổ chức sự kiện ẩm thực Hội An - Trịnh Diễm Vy cho biết, sau Liên hoan Ẩm thực quốc tế tổ chức tháng 3 vừa qua, liên hoan ẩm thực lần này với chủ đề “Thử thách cao lầu” sẽ như một điểm nhấn nữa về di sản ẩm thực của Quảng Nam, đặc biệt là cao lầu Hội An, một trong những món rất đặc trưng của vùng đất này. Điều đó sẽ được thể hiện rõ nét khi trong lễ hội ẩm thực lần này chỉ có mỗi món cao lầu do các đầu bếp thế giới chế biến bằng cách học món cao lầu truyền thống sau đó sáng tạo ra món cao lầu mới dựa trên sự kết hợp với văn hóa ẩm thực của đầu bếp nước đó. Chi phí dự kiến khoảng 1 tỷ đồng chủ yếu do đơn vị đầu tư, địa phương chỉ lo không gian, an ninh trật tự. So với những kỳ liên hoan ẩm thực trước, kinh phí lần này ít hơn do không phải mời những đầu bếp trên thế giới về Hội An, vì đối tượng tham gia chủ yếu là các đầu bếp đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam và hiểu biết văn hóa ẩm thực Việt nhằm giúp họ dễ dàng hơn trước khi sáng tạo một món cao lầu mới. “Nếu nói trước về hiệu quả của Liên hoan Ẩm thực lần này, sẽ có nhiều điều không thể đong đếm được. Nói tóm lại, tất cả chỉ vì một festival phong phú, hấp dẫn hơn, đặc biệt là nền ẩm thực Hội An, Quảng Nam lan tỏa nhiều hơn” - bà Trịnh Diễm Vy nói. VĨNH LỘC (ghi) |
Cái ăn ngon dần tịnh tiến, khi đời sống đi lên. Ngon ở mùi vị, tất nhiên. Còn phải đẹp trong hình thức. Phải bảo đảm trong việc lựa chọn nguyên liệu sạch. Và nếu là đặc sản của vùng đất, càng gây niềm thích thú hơn. Bởi, chỉ có đến đất này mới thưởng thức được món ăn đó. Và những người làm du lịch nhìn thấy điều này. Nên Hội An mới có tour ẩm thực, hay sáng tạo hơn nữa là dạy nấu ăn cho du khách nước ngoài (cooking class). Khách rất thích thú. Trải nghiệm kiểu này, vừa lạ vừa ngon, ai mà không mê. Trong khu chợ được mệnh danh là “Thiên đường ẩm thực” - chợ Hội An, các bà các chị biết nói tiếng Anh đủ để vừa bán món ăn vừa làm luôn “hướng dẫn viên” du lịch, nếu khách muốn. Cũng ở gian hàng thực phẩm, du khách sẽ bắt gặp mùi quê xứ đặc sắc lan tỏa trong không gian dành riêng cho ẩm thực. Một ngôi chợ hiền lành, với những người phụ nữ hiền lành. Họ buôn bán những thức hàng đặc trưng của phố Hội, thậm chí của cả xứ Quảng. Không cần phải đợi đến khi cơ quan chức năng thanh tra kiểm tra hay chính quyền địa phương bắc loa kêu gọi, tự bản thân mỗi tiểu thương tại chợ Hội An đã ý thức đến chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm cho mỗi thức hàng. Kể gì vẫn thấy chưa đủ cái dư vị khi khám phá chợ truyền thống. Có lẽ vậy mà “Phiên chợ quê” từng xuất hiện trong các kỳ festival trước luôn là điểm đông khách và nằm trong tốp các sự kiện thu hút.
2. Có một người anh bảo với chúng tôi, trước khi đi đâu xa xôi, hãy đi du lịch ẩm thực quê mình. Câu chuyện về con người, về cuộc sống, về văn hóa của mảnh đất này đều ẩn chứa trong những món ăn ngon đến ngỡ ngàng... Những hàng quán, nhỏ có lớn có, đậm phong cách gia truyền, cứ vậy làm nên những bản sắc cho mỗi không gian sống. Từ Hội An đi ngược lên Điện Bàn, vùng đất dinh trấn xưa, cũng vài thức hàng bày biện đủ để làm nên cuộc hội. Người ta nhắc nhớ nhau về mấy kỷ lục đã xác lập tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013 là bê thui Cầu Mống và mỳ Quảng. Mỳ Quảng thì muôn hình muôn vẻ, nhưng như kiểu ở cái đất phù sa sông cái này, vị nhưn đậm đà hơn một chút, cả “hình thái” mỳ cũng đủ kiểu, từ mỳ Phú Chiêm gánh gồng từ làng bên sông ra đến thành phố, đến mỳ gà, mỳ tôm thịt, mỳ cá lóc… hay thậm chí là mỳ ếch, mỳ lươn. Và không đợi đến lúc công nhận kỷ lục ẩm thực hồi năm 2013, có lẽ mỳ Quảng cũng đã tự làm nên một món ăn đặc sắc trong lòng mọi người. Cũng như món bê thui Cầu Mống, trước khi xác lập kỷ lục, nó đã được biết đến là đặc sản ẩm thực của xứ Quảng. Và hẳn rồi, ở câu chuyện của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013, việc xác nhận kỷ lục cho hai món ăn dân dã của xứ Quảng cũng là cách tạo cơ hội để đưa những món Quảng đi xa hơn địa phận cư trú của mình.
Tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, cùng với Liên hoan Ẩm thực quốc tế diễn ra tại Hội An, hàng chục gian hàng ẩm thực miền quê cũng sẽ góp mặt tại thị xã Điện Bàn trong ngày hội kỷ niệm 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm. Như thêm một lần nữa, những món ngon quê xứ có cơ hội tỏ bày bao nhiêu ý niệm về con người, vùng đất. Chợt nghĩ, những món ăn dân dã xứ Quảng với nguyên liệu truyền thống nếu được chăm chút thêm từ tài nghệ của các đầu bếp, sẽ có vị trí không nhỏ trên bản đồ ẩm thực thế giới. Mơn man với hương vị rồi hiểu rằng với những người đặt cả cái tâm trong công việc bếp núc, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, mỗi món ăn là cả một thế giới riêng. Tháng 6 này, thế giới ẩm thực sẽ lại bừng lên nhiều niềm vui và khát vọng vươn xa, của món cao lầu, của ẩm thực vùng cao… và tất nhiên, là cơ hội để các đầu bếp xứ Quảng học hỏi tinh hoa ẩm thực thế giới.
LÊ QUÂN