Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Xích lô quảng bá di sản

Trong những ngày lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam vừa qua, nhiều người dân và du khách rất ấn tượng với những chiếc “Xích lô hoa” của thành phố Hội An. Dù trời mưa nặng hạt, đoàn xe xích lô hoa vẫn bon bon trên các tuyến đường huyết mạch của thành phố. Nhìn các bác tài dầm mưa đạp từng vòng xe để quảng bá hình ảnh Hội An đến bạn bè, du khách, nhiều người không khỏi xúc động, xen lẫn niềm thân thương, trìu mến và trân trọng đối với các thành viên của nghiệp đoàn xích lô.
Với ý tưởng sáng tạo, xe xích lô đã được trang trí bằng những vật liệu gần gũi, mang màu sắc đặc trưng, chuyển tải đến mọi người nhiều thông điệp về quá trình xây dựng và phát triển quê hương. Từ các loại hoa, hình ảnh Bác Hồ và các danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đến các nghề truyền thống: gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng hay các loài cây, trái đặc trưng như rau Trà Quế, bắp nếp Cẩm Nam, dừa nước Cẩm Thanh..., tất cả đã được chuyển thể, mô phỏng khéo léo, tinh tế, chứa đựng vẻ đẹp cũng như niềm tự hào về đất và người Hội An.
a4 5e800

Có xích lô, đường phố Hội An quyến rũ hơn.

Thực tế, từ nhiều năm nay, đối với mỗi người dân phố Hội, xích lô đã rất quen thân, gần gũi. Xích lô có mặt trong đời sống thường ngày, là kế sinh nhai của hơn 100 gia đình và cũng là phương tiện chủ yếu, hữu ích, chuyên chở du khách tham quan Hội An, nhất là khi thành phố thực hiện phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ. Đặc biệt là trong các lễ hội và sự kiện lớn, nghiệp đoàn xích lô luôn tham gia vào nhiều hoạt động của địa phương một cách chuyên nghiệp, trật tự. Trong quá trình lao động, dù công việc có phần nặng nhọc nhưng các thành viên của nghiệp đoàn đều cẩn trọng, chỉn chu từ trang phục, phương tiện đến tác phong làm việc.

Khi chở khách, với khả năng hiểu biết của mình, các chú, các anh luôn sẵn sàng trao đổi, chuyện trò và hướng dẫn du khách các thông tin về vị trí, ý nghĩa của các công trình kiến trúc và đời sống văn hóa của người dân địa phương. Ông Huỳnh Thành, một “già làng” trong nghề, đã có hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề đạp xích lô chia sẻ: “Trong cuộc sống đòi hỏi cái tối thiểu con người phải có phép lịch sự. Hơn thế nữa mình sống với cái nghề xích lô này - cái nghề vận chuyển khách, nghề giao tiếp với du khách thì mình cần phải lịch sự hơn để cuốn hút du khách về với Hội An. Giao tiếp với khách cũng nhiều, mình rút được nhiều kinh nghiệm, có nhiều cái mình phải biết hơn một chút, tế nhị hơn một chút. Thành ra đôi lúc chú chở khách, nhiều người khách họ rất mến, họ rất quý”.

Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, ra đời từ năm 2000 (trên cơ sở là đội xích lô Hội An trước đây), đến nay, nghiệp đoàn xích lô đã quy tụ 102 đoàn viên, được chia làm 4 tổ, với 5 bến đậu đỗ chính và các bến phụ trong khu phố cổ. Để ổn định hoạt động, dưới sự quản lý của Phòng Quản lý đô thị và Liên đoàn Lao động thành phố, nghiệp đoàn đã xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, với sự thống nhất cao của toàn thể các thành viên. Hàng tháng, hằng quý, Ban chấp hành nghiệp đoàn đều tổ chức sinh hoạt. Ngoài nội quy, quy chế, Ban Chấp hành nghiệp đoàn còn tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của công đoàn, nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, nhất là chủ trương xây dựng Hội An - thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch. Từ đó, mỗi đoàn viên nghiệp đoàn không chỉ góp phần tham gia giới thiệu, quảng bá di sản mà còn nghiêm túc thực hiện các nội quy, đưa đón khách đảm bảo an toàn giao thông, văn minh trật tự nơi công cộng, thỏa thuận giá thành và ứng xử, giao tiếp lịch sự đối với du khách theo phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
a5 5e800
Du khách hứng thú đạp xích lô hoa vào phố cổ.

Từ nhận thức đúng đắn của từng đoàn viên, thời gian qua, trong nghiệp đoàn xích lô thành phố đã có nhiều gương người tốt, việc tốt, tương thân, tương ái với đồng nghiệp và trung thực với du khách. Hàng chục người nhặt được của rơi của khách để quên trên xe đã tự tìm cách trả lại. Điển hình như chú Huỳnh Thành, anh Lê Văn Cầu đã tự tìm đến tận bến xe để trả lại tài sản có giá trị như máy ảnh, máy quay phim cho du khách. Ông Phan Phước Tùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô thành phố Hội An nói: “Tất cả đoàn viên nghiệp đoàn tập trung phục vụ du khách của mình một cách công bằng, hợp lý; ứng xử và đối đãi với khách phải hòa nhã. Cố gắng làm thế nào để xây dựng đội ngũ nghiệp đoàn xích lô Hội An thành nghiệp đoàn văn hóa”.

Trong quá trình lao động, nhiều khi, người đạp xích lô không tránh khỏi những nhọc nhằn, nhất là khi gặp tuyến đường xấu, lên xuống dốc, khi xe hư hỏng dọc đường. Những lúc như vậy, các thành viên trong nghiệp đoàn đã chia sẻ, quan tâm, động viên lẫn nhau để hoàn thành tốt công việc, tạo thu nhập ổn định cuộc sống. Và từ thành quả lao động của mình, mọi người đã không quên đóng góp chút ít kinh phí, gây quỹ nghiệp đoàn, giúp đoàn viên khó khăn vay không tính lãi, tu bổ phương tiện, thăm hỏi nhau khi ốm đau, khó khăn hoạn nạn và phát thưởng cho con em đoàn viên học khá giỏi. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hội An chia sẻ: “Thông qua các hoạt động giao tiếp, ứng xử với du khách, bằng việc thực hiện nề nếp, quy chế và xử lý đúng mực, với các hoạt động nghiêm túc, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi, hoạt động của nghiệp đoàn đã trở thành một mô hình, một phương tiện không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu Di sản trong Đô thị cổ cũng như các làng nghề truyền thống ngoại vi”.

Hiện nay, Ban chấp hành và cán bộ các tổ của nghiệp đoàn xích lô TP Hội An đang tiếp tục giữ vững nền nếp sinh hoạt, thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy chế, quy ước của đoàn viên, từ đó, xây dựng nghiệp đoàn vững mạnh, hướng đến nghiệp đoàn xích lô văn hóa của thành phố trong thời gian đến.    

Tác giả bài viết: Lê Hiền

Nguồn tin: cadn.com.vn