Hồn quê ở phố di sản
- Thứ sáu - 26/06/2015 08:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ năm 2012 đến nay, năm nào Hội An (Quảng Nam) cũng tổ chức hội thi dựng cây nêu ngày Tết tại hầu hết các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, nhà thờ tộc. Cây nêu truyền thống với các hình thức phụ trợ như liễn đối, cờ phướn... được dựng từ 25 tháng chạp và duy trì đến mùng 7 tháng giêng. Từ cây nêu, tôi phát hiện ra có một không gian tre Việt ở phố cổ.
Xứ sở của tre
Không phải đến các cuộc thi này, cây tre mới có mặt ở Di sản Văn hóa thế giới Hội An. Lẩn khuất trong những khu nhà cổ, những vùng sông nước, bãi biển đẹp ở Hội An, khách du lịch từng có lúc giật mình bởi bắt gặp đâu đó hình ảnh của cây tre vốn rất thân thuộc trong đời sống văn hóa người Việt.
Ngôi nhà tre ở Cẩm Thanh của KTS Bùi Kiến Quốc
Hãy bắt đầu từ ngôi nhà nghệ nhân Huỳnh Ry ở làng mộc Kim Bồng. Trong cơ man những tác phẩm chạm khắc gỗ tinh xảo của nghệ nhân làng nghề có 400 năm lịch sử này, ta bất giác nhận ra những gốc tre già được chạm khắc khuôn mặt của 18 vị La Hán rất giàu thần sắc và sinh động với những ánh mắt (ngay chỗ mắt gốc tre) tinh anh, đầy cảm xúc; những bộ râu rậm rạp, thể hiện cá tính mạnh mẽ hoặc hiền hòa (từ chính bộ rễ tre).
Rời làng mộc Kim Bồng, ghé qua Khu Du lịch làng nghề Cẩm Thanh sát Cửa Đại, lại là những ngôi nhà toàn bằng tre, từ cột kèo, phên giậu đến bàn ghế và các vật dụng sinh hoạt rất dân dã. Không phải ngẫu nhiên mà Đại học Oslo (Na Uy) hằng năm đã chọn nơi này tổ chức các “Học kỳ Việt Nam” cho sinh viên của họ.
Tại Khu Du lịch Làng Quê đối diện chợ Hội An, tôi cũng có dịp chiêm nghiệm những chiếc xe đạp nước bằng ống tre dùng đưa nước vào ruộng, vài chiếc thuyền nan của nông dân xứ Quảng từ thế kỷ XVII dùng đưa nước vào ruộng cấy lúa thật độc đáo, hoạt cảnh những ông đồ già dạy chữ nho cho bọn trẻ trên những chiếc chõng tre, những thúng, mủng, nong, nia trong các mô hình làng nghề cổ miền Trung...
Rồi đi trên các tour sông nước quanh phố Hội, vượt sông Hoài, sông Thu Bồn để vào con sông Trường Giang hiền hòa và xanh biếc, người phương Tây chắc sẽ ngỡ ngàng nhận ra nét đẹp thâm trầm của những chiếc “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi” thơ mộng như trong ca dao. Chiếc cầu tre bắc qua cồn bắp Cẩm Nam, gần những quán chè bắp thanh tao và các món ăn bình dân như bánh tráng đập dập, cơm hến phố Hội. Và nữa, những chiếc cầu dài 200-300 m vượt sông Trường Giang thanh mảnh mà vững chắc. Đây là những chiếc cầu tre có lẽ dài nhất thế giới chăng? Như chiếc cầu nối liền hai xã ven sông Duy Hải - Duy Thành chẳng hạn. Ôi, cây tre thân thuộc mà tiện ích dường bao!
Một người yêu tre tha thiết
Và ở Hội An còn có một người say đắm với tre Việt: KTS, viện sĩ hàn lâm kiến trúc Paris Bùi Kiến Quốc. Ông là con út của cố bác sĩ Bùi Kiến Tín nổi tiếng từ nửa thế kỷ trước với thương hiệu “Dầu Khuynh Diệp bác sĩ Tín”; là em trai của chuyên gia tài chính quốc tế Bùi Kiến Thành.
Từ Pháp, ông Quốc trở về Hội An phục dựng những ngôi nhà tre ở Làng Văn hóa Cẩm Thanh. Ông thuê các nghệ nhân chạm khắc, dựng nhà, đóng bàn ghế bằng tre, rồi lại xây dựng khu du lịch làng quê Triêm Tây giữa sông Thu Bồn cách Hội An 3 km. Những đường đất, ngõ tre được giữ lại, những chiếc ghế bố bằng tre được đặt ven hồ bơi cho du khách. Những ngôi nhà ẩn mình trong những rặng tre ven sông đều được ông giữ lại. Ông trồng thêm tre để giữ đất khỏi sạt lở. Kết những giàn tre thả trên bến nước để hạn chế sóng đánh vào bờ. Mới đây, ông lại mời các chuyên gia UNESCO đến Triêm Tây làm một dự án độc đáo: Tổ chức thi làm hàng rào bằng tre trúc để gìn giữ không gian thuần Việt mà nông dân địa phương đã thiết lập bao đời. KTS Bùi Kiến Quốc nói: “Nếu đánh mất những lũy tre làng là ta đã nhẫn tâm đánh mất cái hồn của làng quê Việt!”.
Ở Hội An có những không gian tre như vậy, có những con người mê đắm với tre trúc Việt như vậy, có lẽ (theo tôi) một phần xuất phát từ nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự. Anh Sự từng nói: “Người ta buổi sáng thức dậy, chào hỏi nhau qua cái giậu tre sẽ thân mật, sẽ tình cảm hơn là chào nhau qua cái hàng rào B40 hay tường bê-tông cốt thép!”.
Cho nên, đến Hội An, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy đâu đó có những không gian toàn tre. Và vì sao mấy năm rồi, cây tre vẫn đứng vững vàng trong những cuộc thi dựng nêu ở phố cổ!
Nét văn hóa hút hồn du khách
Hội An đã cổ kính, đã thân tình bao nhiêu trong những ngày Tết Nguyên đán từ trước đến nay lại càng hấp dẫn du khách bấy nhiêu bởi những cây nêu trước các ngôi nhà cổ, các đình miếu ở ngoại ô… Ngoài truyền thuyết và Phật thoại về cuộc tranh chấp sinh tồn giữa quỷ và người, văn hóa Việt coi cây nêu là cây vũ trụ - nối đất với trời. Tán tròn bằng giấy đỏ trên ngọn nêu tượng trưng cho mặt trời và ngọn nêu là nơi chim thần (sứ giả của trời) đậu. Có nơi còn treo những chiếc đèn lồng, đèn xếp hoặc vài xấp tiền, vàng mã, câu đối, liễn... Những vật treo trên ngọn nêu đều tượng trưng cho ước nguyện hạnh phúc và bảo vệ con người vẫn được cư dân phố cổ gìn giữ. Đón chào năm mới, cư dân Hội An trồng cây nêu bằng cây tre cao với biểu tượng đầu năm ngọn tre vươn lên đón ánh nắng đầu xuân, như một sức sống mới, đó là một trong những ý nghĩa nhân văn của cuộc thi này.