Hành trình phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng truyền thống
- Thứ hai - 13/01/2025 16:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tháng 10.2023, Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO (UCCN) trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian. Hơn một năm sau sự kiện quan trọng ấy, TP Hội An luôn nỗ lực trên hành trình sáng tạo và phát triển, tận dụng cơ hội để quảng bá sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo, bồi đắp uy tín thương hiệu Hội An - Thành phố văn hóa, sinh thái, du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện.
Du khách tham quan phố cổ Hội An
Thành tựu ban đầu trên hành trình sáng tạo
Đặc biệt, trong những ngày cuối năm 2024, Hội An liên tiếp nhận được những tin vui. Làng rau Trà Quế được Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) vinh danh làng du lịch tốt nhất năm 2024 của UN Tourism, ghi nhận những nỗ lực trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa; nghề thủ công truyền thống; nếp sống, nếp sinh hoạt lâu đời; sự sáng tạo và chú trọng phát triển các loại hình du lịch-dịch vụ mang tính cộng đồng, bền vững; thể hiện sự thuần hậu, hiếu khách của người dân địa phương.
Dự án “Hội An - Làng nghề lên số” nhận giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 ở hạng mục “Công nghệ số và đổi mới sáng tạo có tầm ảnh hưởng” (Impactful Digital & Inno-tech), ghi nhận nỗ lực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số tại các làng nghề truyền thống ở Hội An.
Biểu diễn đường phố "Giao lưu văn hóa tại Hội An"
Theo Trung tâm Văn hóa- Thể thao & Truyền thanh-Truyền hình TP Hội An – là đơn vị được Thành phố giao nhiệm vụ làm cơ quan thường trực, phối hợp với các đơn vị, ngành, địa phương liên quan thực hiện Kế hoạch của UBND TP Hội An về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng “Hội An -Thành phố sáng tạo” năm 2024”, qua 1 năm được công nhận chính thức gia nhập mạng lưới UCCN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác tuyên truyền, đóng góp cho quản lý mạng lưới toàn cầu…Đặc biệt nỗ lực đề xuất thành phố thực hiện nhiều nhiệm vụ các sáng kiến đã nêu tại hồ sơ để đạt được mục tiêu của mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu.
Ngày hội làng nghề mộc Kim Bồng
Cụ thể, ở sáng kiến cấp địa phương: Dự án Mộc Kim Bồng - Khơi nguồn sáng tạo, thông qua việc kết hợp thực hiện các dự án, đề án khác, đến nay đã hoàn thành công trình nhà đón tiếp, nhà trưng bày thuộc Trung tâm làng nghề; phát triển mô hình du lịch học tập cộng đồng làng quê - làng nghề sinh thái Cẩm Kim; cải tạo cảnh quan thiên nhiên, di tích kiến trúc nghệ thuật, các khu chế tác mộc; xây dựng các mô hình sản xuất và đầu tư phát triển sản phẩm; tổ chức các sự kiện, lễ hội,…Từ ngày 1.6, đã tổ chức hoạt động bán vé tham quan, dự kiến đến cuối năm 2024, làng mộc Kim Bồng phục vụ hơn 9000 lượt khách, góp phần cải thiện sinh kế và tạo điều kiện cho bà con gắn bó với nghề thủ công truyền thống.
Dự án Ươm mầm tài năng sáng tạo trẻ: Hội An đã tiếp tục mở lớp dạy hát dân ca tại một số trường THCS. Duy trì lớp học hát dân ca hằng đêm tại khu phố cổ dành cho thiếu nhi và du khách tham gia trải nghiệm. Phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động sáng tạo dành cho các em thiếu nhi nhằm ươm mầm tài năng thực hành sáng tạo,…
Dự án Hội An - Sáng tạo trong Không gian Kỹ thuật số: Thành phố Đã triển khai thực hiện một số nội dung ban đầu của dự án, tổ chức tọa đàm “Hội An - Làng nghề lên số” nhằm kết nối các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về giá trị của danh hiệu Thành phố sáng tạo của UNESCO, cung cấp, hỗ trợ kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu chuỗi giá trị làng nghề thuộc địa phương. Đặc biệt, với sáng kiến tổ chức nội dung “Hội An-Làng nghề lên số” này đã được nhận giải thưởng Kotler Awards Việt Nam 2024 - một giải thưởng có uy tín về lĩnh vực Marketing, truyền thông quốc tế.
Ở nhiệm vụ thực hiện sáng kiến cấp quốc tế về việc xây dựng “Ngôi nhà sáng tạo Hội An”, trong năm 2024, Thành phố đã nỗ lực tạo mọi điều kiện để Thành phố sáng tạo Hội An thu hút các nghệ sĩ, chuyên gia sáng tạo trên nhiều lĩnh vực đến giao lưu, biểu diễn, tổ chức các triển lãm, trại sáng tác,… Góp phần lan tỏa các giá trị sáng tạo và khẳng định Hội An là vùng đất thu hút các chuyên gia, nghệ sĩ, nhà sáng tạo đến làm việc và định cư. Nổi bật như:
Phối hợp tổ chức chương trình giao lưu âm nhạc giữa nghệ sĩ Violin Maestro Vilmos Oláh (Hungary) và nghệ sĩ Hội An; Giao lưu, biểu diễn của đoàn Hợp xướng thiếu nhi Jeong-Gwan (Hàn Quốc); phối hợp với Công ty Arabesque tổ chức sự kiện Múa đương đại “Rơm” trên cánh đồng Trái tim lúa Hội An. Phát động chiến dịch nhằm kêu gọi đóng góp “1000 sáng kiến cho Hội An đổi mới” để tranh thủ sự ủng hộ cũng như sức sáng tạo của cộng đồng nhằm giúp Hội An ngày càng phát triển.
Hiện Hội An đang tham mưu triển khai thực hiện 2 sáng kiến quốc tế đã đăng ký tại hồ sơ đó là tổ chức Lễ hội đèn lồng quốc tế Hội An và Liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế Hội An trong thời gian đến.
Phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng di sản truyền thống
Trở thành thành viên chính thức của UCCN có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hội An. Đồng thời cũng mở ra thêm rất nhiều cơ hội để thành phố này phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên sẵn có, tiếp nối mạch nguồn thành phố di sản, tiếp tục nâng cao vị thế một thành phố sáng tạo toàn cầu.
Hai lĩnh vực thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và cũng là nguồn mạch nội lực mà Hội An đã dày công bảo tồn, vun đắp qua nhiều thế hệ, đáp ứng được tiêu chí của một thành phố sáng tạo.
Đây cũng chính là nền tảng để thành phố này phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với ngành nghề thủ công, nghệ thuật biểu diễn,... dựa trên tri thức, nhân lực đã được vun đắp qua bao thế hệ, cùng với những sáng kiến, cam kết triển khai khi gia nhập UCCN. Qua đó góp phần tạo nên giá trị cho các cá nhân và xã hội, nuôi dưỡng sự sáng tạo, khuyến khích xã hội đổi mới, duy trì tính đa dạng văn hóa và nâng cao thành tựu, hiệu quả kinh tế.
Khánh Chi- Báo Văn hóa