Để di sản thế giới Đô thị cổ Hội An trường tồn
- Thứ sáu - 15/03/2024 14:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Là một thành phố nhỏ nhưng Hội An luôn mang tính quốc tế cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Bên cạnh giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, nghệ thuật hô hát Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể (năm 2017), Hội An còn được biết đến là nơi du nhập Thiên Chúa giáo đầu tiên ở Đàng Trong, là cái nôi ra đời chữ Quốc ngữ, là nơi khai sinh dòng tu Lâm Tế Chúc Thánh của Phật giáo ở Đàng Trong vào cuối thế kỷ 17...
Nhiều thách thức đe dọa đô thị cổ
Trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, Đô thị cổ Hội An đã tạo nên những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, sinh thái. Theo thời gian, công năng của Hội An có sự chuyển đổi linh hoạt, từ công năng vừa cảng, vừa phố buôn bán trong quá khứ; sau thế kỷ 19 còn công năng phố buôn bán; từ sau năm 1999 đến nay hình thành công năng du lịch.
Quảng Nam xác định xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch hướng đến xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Hiện nay, TP.Hội An có 9 phường (gồm 55 khối phố) và 4 xã (gồm 22 thôn). Theo thống kê năm 2022, dân số toàn thành phố có 100.503 người; trong đó, dân số thành thị 75.030 người, dân số nông thôn 25.533 người. Toàn TP.Hội An hiện có 1.439 di tích, riêng ở khu vực I của khu phố cổ được xem là “vùng lõi” chỉ có diện tích 30ha nhưng có đến 1.175 di tích.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2012 - 2025” với mục tiêu: “Bảo tồn vững chắc và phát huy bền vững giá trị Di sản văn hóa Hội An”.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch chưa được triển khai thực hiện hoặc kết quả đạt được còn rất ít.
Trong khi đó, theo UBND TP.Hội An, Đô thị cổ Hội An hiện tồn tại nhiều nguy cơ, thách thức lớn. Trong đó có những nguy cơ, thách thức đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của di sản.
Bao gồm: nguy cơ về quy hoạch phát triển đô thị; nguy cơ về sức ép môi trường và thiên tai tác động của quá trình biến đổi khí hậu; nguy cơ tác động từ du lịch với biến đổi giá trị văn hóa; nguy cơ mất đi tính chân xác trong hoạt động bảo tồn di sản.
Theo ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An, mục tiêu tổng quát của đề án là bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế, xã hội; góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh. Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện những giá trị mới làm phong phú thêm giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị đương đại của di sản.
Tiếp nối hành trình gìn giữ di sản
Theo đề án trình Bộ VH-TT&DL, phấn đấu đến năm 2030, tất cả di tích đã được xếp hạng bị xuống cấp được trùng tu, tôn tạo, có phương án quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị. Di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu có giá trị đều được nhận diện, kiểm kê, quản lý bằng hồ sơ khoa học và bảo tồn, phát huy giá trị.
Mọi thiết chế văn hóa (bảo tàng, nhà hát, điểm dừng chân, thư viện, phòng trưng bày truyền thống…) được đầu tư, nâng cấp. Ngoài ra, người làm công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa được đào tạo, cập nhật kiến thức.
Trong các nhóm giải pháp để triển khai đề án, đáng chú ý có việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, tăng cường quản lý nhà nước. Hội An sẽ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di sản văn hóa thế giới, chú trọng mở rộng khu vực bảo tồn đến các thành phần tạo nên diện mạo đô thị cổ, gắn với khu vực bảo tồn của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, các làng nghề.
Nghiên cứu quy hoạch phát triển loại hình kinh tế đêm ở trung tâm và các vùng phụ cận. Hoàn thiện mô hình quản lý di sản, kịp thời cập nhật, áp dụng các xu hướng, quan điểm mới về bảo tồn và phát huy di sản của UNESCO. Bên cạnh đó, tiếp tục đề xuất Trung ương có các cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những vướng mắc phục vụ công tác quản lý và trùng tu di tích.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Trên cơ sở nội dung địa phương trình, sở đã phối hợp với TP.Hội An thực hiện và thẩm định rất kỹ nội dung đề án. Sở đang tích cực liên hệ với các đơn vị thuộc Bộ VH-TT&DL, Văn phòng Chính phủ để thúc đẩy hoàn thiện, hy vọng sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định đề án này”.
baoquangnam