Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Dạy hát bội cho thiếu nhi Hội An: Khơi lại ngọn lửa tuồng

Sáu tháng, không phải là quá dài cho một khóa học sơ khai về hát bội - bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc trưng của người xứ Quảng, nhưng cũng không phải là quá ngắn, đơn giản cho những nỗ lực nhen nhóm, khơi gợi lòng yêu thích, quan tâm đến hát bội cho những người trẻ ở Hội An.

Nửa năm qua, số nhà 39 Nguyễn Thái Học trong khu phố cổ Hội An đã trở thành điểm hẹn yêu thích của những bạn trẻ có hứng thú tìm hiểu về bộ môn hát bội. Lớp học truyền vai hát bội do Trung tâm Văn hóa Thể thao TP Hội An tổ chức từ sự tài trợ của Quỹ Hoàng Châu Ký đã vừa hoàn thành sơ kết, biểu diễn báo cáo để cùng đánh giá lại hiệu quả của dự án. Đồng thời cũng từ đó định hướng cho hướng đi tiếp theo để nghệ thuật hát bội thực sự “sống” cùng với những người trẻ trong đời sống thực tế.

Được khai giảng vào tháng 7.2016 với 14 học viên, chủyếu làhọc sinh độ tuổi từ11-17 tại khối phốNam Diêu (phường Thanh Hà) có năng khiếu và yêu thích bộ môn nghệ thuật hát bội và với sự hướng dẫn, dìu dắt của đôi vợ chồng nghệ sĩ hát bội Lê Phú Hải và Hồ Thị Hoa, tuy số học viên theo đuổi đến hôm nay chỉ còn lại chín em. Nhưng những gì mà các em thể hiện trong đêm biểu diễn sơ kết vừa qua đã chứng tỏ các em thực sự đam mê, yêu thích bộmôn nghệthuật này. Những kỹ năng, kỹ thuật của hát bội, từ vũ đạo, hát múa, điệu bộ,… đều được các em nắm vững và trình diễn khá thuần thục. Bốn trích đoạn tác phẩm, kỹ năng được các em giới thiệu trong đêm sơ kết đã nhận được không ít lời khen ngợi, tán thưởng từ những khán giả và du khách ghé xem.

t10

Các em tham gia lớp truyền vai hát bội trong đêm sơ kết

Nhìn điệu bộ, thần thái của hai em Văn Nam và Văn Việt trong phần trình diễn màn múa kiếm, ít ai nghĩ rằng mới đó, phía dưới cánh gà, hai diễn viên đang múa kiếm kia lại là hai cậu bé 6-7 tuổi vừa chí chóe chọc nhau. Hầu hết những bạn theo học lớp truyền vai hát bội này đều đến từ vùng đất Thanh Hà, nơi mà nghệ thuật hát bội vẫn còn lưu giữ và phát triển khá mạnh đến thời điểm này ở Hội An. Các em đều đã từng được nghe, xem, tiếp xúc với nghệ thuật này từ gia đình, ông bà, cha mẹ, hàng xóm và ít nhiều cũng thể hiện có năng khiếu và yêu thích bộ môn vốn khá kén chọn người này.

Anh Thân Văn Lộc, một khán giả tình cờ ghé xem đêm sơ kết đã không giấu nổi sự thán phục khi xem trích đoạn Kim Liên tiễn mẹ do bạn Hoàng Yến (14 tuổi); Thảo My (12 tuổi); Diệu Thi (15 tuổi) và Phương Dung (17 tuổi) trình diễn, nhận xét: “Không ngờ những cô bé chỉ mới theo học sáu tháng lớp truyền vai hát bội lại có thể diễn một cách cảm xúc, dù hồn nhiên nhưng vẫn khiến khán giả “nổi gai ốc” khi nghe các em luyến láy từ câu tuồng, nhấn nhá điệu bộ”.

Cùng bên cạnh dạy dỗ, truyền vai cho các bạn trẻ sáu tháng qua, đôi vợ chồng nghệ sĩ Lê Phú Hải và Hồ Thị Hoa không giấu nổi sự yêu thương, hãnh diện khi nhắc đến những “học trò - người con” của “gánh tuồng” đặc biệt này. Anh Hải kể, dạy các em nhỏ tuổi, các em còn rất trẻ, chưa va chạm nhiều, mọi điều còn non nớt nên rất háo hức khi mới học. Nhưng sau một thời gian, nhiều khi thấy khó, nhiều khi tuổi trẻ ham vui, lại nản, bỏ không đến lớp. Hai vợ chồng vừa là thầy, vừa kiêm luôn “bảo mẫu- tài xế”, đến tận nhà vận động, tới bữa học là tới nhà kèm chở luôn học trò đến lớp. Từ 14 em lúc mới mở, đến hôm nay lớp học còn chín bạn, điều đáng mừng là chín em bây giờ đã thực sự trở thành “đồng nghiệp”, có thể cùng diễn những vai phù hợp cùng với thầy cô. Lớp học truyền vai đã tập trung vào các nội dung như: Trang bị kiến thức cơ bản về kỹ năng vũ đạo, các làn điệu hát bội. Thực hành các trích đoạn hát bội truyền thống phù hợp với độ tuổi thiếu nhi như Lê Lai cứu chúa; Trần Quốc Toản ra quân,… và truyền vai cho các em. Những trích đoạn như Hạ sơn, Múa kiếm, Kim Liên tiễn mẹ, Hát giáo tuồng,… mà các em trình diễn trong đêm sơ kết có thể dàn dựng kỹ lưỡng hơn và có thể trở thành những tác phẩm để biểu diễn cho khán giả, du khách xem trong tương lai.


3 man mua kiem

Màn múa kiếm của hai em Văn Nam-Văn Việt

Bạn Phương Dung (17 tuổi, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi) tâm sự, hồi mới khai giảng có nhiều bạn đến học và đến xem. Có bạn theo, có bạn bỏ nửa chừng vì thấy hát bội khó quá, không “sành điệu” như những bộ môn khác. “Như con nè, nhiều khi cũng muốn nghỉ vì hay bị bạn bè trêu chọc đi học hát bội như mấy “bà già”. Nhưng nghĩ đến thầy Hải, cô Hoa, các bạn trong lớp đều coi nhau như người nhà. Thấy ông bà, ba mẹ con cũng hỏi thăm chừng chừng con học tới đâu và ai cũng háo hức muốn được xem tụi con hát ra sao nên con theo tới chừ. Càng học, càng luyện, tụi con càng hiểu và yêu bộ môn này một cách tự nhiên, sâu sắc hơn”, Dung kể.

Hát bội là một loại hình nghệ thuật truyền thống nổi tiếng ở Quảng Nam và gắn với giáo sư Hoàng Châu Ký (1921 - 2008), người được xem là bậc thầy của bộ môn nghệ thuật này với nhiều công trình nghiên cứu, bảo tồn và truyền bá ra nhiều nơi trong nước. Khi GS Hoàng Châu Ký qua đời đã di nguyện lại gia đình dành tặng toàn bộ số tiền phúng điếu của ông để thành lập Quỹ Hoàng Châu Ký hỗ trợ cho TP Hội An trong việc khôi phục, bảo tồn bộ môn nghệ thuật này từ trong những người trẻ. Lớp học này được thực hiện theo di nguyện của GS Hoàng Châu Ký.

Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An, từ lớp học này sẽ tìm kiếm, tuyển chọn những em có năng khiếu trong hát bội để đào tạo sâu hơn nữa, tiến tới thành lập đội hát bội thiếu nhi Hoàng Châu Ký của TP Hội An. “Sinh thời, GS Hoàng Châu Ký vẫn thường nói tuồng thì lúc thăng, lúc trầm, lúc trầm, lúc thăng. Nhưng nếu biết làm thì trầm cũng sẽ thành thăng. Sở dĩ Hội An gọi đây là lớp truyền vai hát bội vì xem đây như là một trong những nhiệm vụ giữ lửa cho một bộ môn nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền”, ông Phùng chia sẻ.

Khánh Chi

Nguồn tin: www.baovanhoa.vn